Thu phí ô tô vào trung tâm: Quá nhiều lo ngại

LTS:Dư luận đang rất quan tâm trước đề xuất thu phí ô tô vào khu vực quận 1, 3 (TP.HCM). Mục tiêu của dự án này nhằm góp phần hạn chế ùn tắc ở trung tâm, tạo thêm nguồn thu để cải thiện việc đi lại, tiến tới hạn chế xe cá nhân. Có lẽ không ai băn khoăn về những mục đích tốt đẹp của dự án này nhưng lại lo ngại về tính khả thi của nó bởi có nhiều câu hỏi chưa được trả lời.

Ông Lâm Thiếu Quân, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Tiên Phong (ITD) - đơn vị vừa hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, khẳng định nếu dự án này được thực hiện thì lượng xe ô tô cá nhân vào trung tâm sẽ giảm 40%. Từ đó, việc đi lại dễ dàng hơn và mỗi ngày người dân TP tiết kiệm được khoảng 1 triệu giờ đi lại, tương đương hơn 16 tỉ đồng. Ngoài ra, lượng khí CO2 giảm đến 56 tấn/ngày và tai nạn giao thông hằng năm giảm được 8%. Tỉ lệ người đi xe buýt tại các điểm thu phí và trên vành đai thu phí tăng ít nhất cũng hơn 15%.

Tuy dự án “vẽ” ra một bức tranh giao thông sáng sủa cho TP nhưng cũng gây ra nhiều ý kiến trái chiều được các phương tiện truyền thông phản ánh trong những ngày qua.

Thu phí có giảm kẹt xe?

Theo PGS-TS Phạm Xuân Mai (ĐH Bách khoa TP.HCM), ở các nước có lập vành đai thu phí ô tô, họ sẽ xây dựng những bãi đậu xe ngầm bên ngoài vành đai. Người dân có thể gửi xe tại đó rồi di chuyển bằng phương tiện công cộng vào trung tâm TP. Bất cập ở ta là chưa có bãi xe ngầm, giao thông công cộng thay thế cũng chưa tốt nên dù có thu phí thì người dân vẫn sẽ đi ô tô vào trung tâm TP. Khi đó không thể nói thu phí sẽ giảm ùn tắc.

Đồng tình, ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP, nhận định tình trạng kẹt xe tại TP do rất nhiều nguyên nhân như đường sá chật hẹp, ý thức người dân... Nếu có thu phí 30.000-50.000 đồng/lượt hoặc thậm chí cao hơn nữa thì nhiều người vẫn sẵn sàng nộp phí để vào trung tâm.

Ý kiến khác lại lo ngại việc giới hạn các tuyến đường vào quận 1, 3 sẽ dẫn tới tình trạng ùn tắc giao thông ở các tuyến đường xung quanh do ô tô né cổng thu phí. Mặt khác, danh sách các điểm kẹt xe trầm kha hiện nay ở TP không phải tập trung ở khu vực trung tâm mà ở các cửa ngõ, các tuyến đường trục… Thế nên, xã hội sẽ tốn kém lớn cho việc thực hiện dự án (dự toán ban đầu gần 1.200 tỉ đồng), đầu tư thiết bị (mỗi xe gắn một thiết bị tự động nộp phí, khoảng 800.000 đồng/cái) nhưng hiệu quả chống kẹt xe lại không dám đảm bảo.

Thu phí ô tô vào trung tâm: Quá nhiều lo ngại ảnh 1

Thu phí ô tô vào trung tâm: Quá nhiều lo ngại ảnh 2

Số lượng thống kê và dự báo mức gia tăng ô tô cá nhân ở TP.HCM. Ảnh: MP

Chưa rõ mục tiêu hạn chế xe cá nhân

Đi kèm với mục tiêu hạn chế ùn tắc ở trung tâm, dự án còn có đích ngắm là hạn chế xe cá nhân. Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng nếu thu phí luôn cả xe chở hàng, xe taxi thì sẽ không thể hiện rõ được mục đích này mà còn tạo thêm áp lực cho hàng hóa, dịch vụ đội giá. Cụ thể, với xe chở hàng, mức thu đề xuất là 50.000 đồng/lượt, tính ra một đơn vị hàng hóa tăng không nhiều nhưng làm sao đảm bảo không có chuyện “té nước theo mưa”?

Theo ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP, có đến 80% khách trú tại các cao ốc và khách sạn thuộc quận 1 và quận 3 sử dụng taxi. Mức thu phí 30.000 đồng/lượt đối với taxi (trong tính toán của ITD là yêu cầu khách trả) sẽ gây khó khăn cho khách. Còn nếu quy định tài xế taxi phải trả phí thì có thể xảy ra trường hợp taxi sẽ chỉ hoạt động ở các quận ngoại ô hoặc ngược lại, tài xế cứ “đóng đô” ở khu vực trung tâm, khi đó tình trạng kẹt xe chẳng những không giảm mà còn trầm trọng hơn.

Ngoài những băn khoăn trên thì hành lang pháp lý cho dự án này cũng là một vấn được dư luận đặt ra. Hiện nay căn cứ xử phạt những trường hợp không gắn thiết bị trả phí (một yêu cầu bắt buộc đảm bảo tính khả thi của dự án) không có. Các biện pháp chế tài đối với trường hợp vào khu trung tâm mà không đóng phí cũng chưa có. Như vậy sẽ khó đảm bảo được việc chấp hành của người dân…

Cần giải bài toán tổng thể

Nhiều ý kiến ủng hộ chủ trương thu phí xe ô tô vào trung tâm nhưng cho rằng để giải bài toán giao thông đô thị thì cần nhiều giải pháp đồng bộ. Theo ông Thái Văn Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải TP, việc thu phí này là không sai nhưng đi đôi với thu phí, TP cần phải quyết liệt nâng cao chất lượng giao thông công cộng.

Kỹ sư Phan Phùng Sanh, ủy viên Thường vụ Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM, cũng cho biết ông ủng hộ dự án thu phí nhưng việc thực hiện dự án trong bối cảnh giao thông của TP như hiện nay là hơi vội. “Biện pháp thu phí ô tô sẽ không tự phát huy hiệu quả, làm giảm kẹt xe mà cần có sự kết hợp chặt với hệ thống giao thông công cộng và hiệu quả của công tác giám sát, xử phạt những trường hợp né đóng phí” - ông Sanh đúc kết và kiến giải: “Hiện nay trong khi chờ đợi hệ thống metro hoàn thiện, TP nên đầu tư nâng cao chất lượng, phát triển mạng lưới xe buýt. Về lâu dài, TP cần có chính sách phát triển đô thị thích hợp, đẩy mạnh việc hình thành các khu đô thị vệ tinh, phân bố dân cư thích hợp, tránh tình trạng nén vào trung tâm hiện hữu”.

* * *

Dự án thu phí ô tô vào khu trung tâm TP được UBND TP cho phép nghiên cứu và Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chấp thuận nguyên tắc cho phép thu phí. Sở GTVT và các sở, ngành liên quan về cơ bản cũng đồng ý kiến nghị UBND TP thuận chủ trương thực hiện. Tuy nhiên, nếu TP.HCM không gỡ được những vướng mắc, băn khoăn nêu trên thì ngay từ đầu, mục tiêu của dự án sẽ không được đảm bảo và gây ra nhiều hoài nghi về tính khả thi của dự án.

Giảm ùn nhưng kéo dài bao lâu còn tùy

. Phóng viên: Hàng loạt các băn khoăn về tính khả thi của các mục tiêu dự án (như giảm kẹt xe, hạn chế xe cá nhân…) có được dự án đề cập và việc giải quyết ra sao?

+ Ông Lâm Thiếu Quân, Tổng Giám đốc ITD: Những vấn đề này các sở, ngành cũng đã nêu ra và bản thân dự án cũng đặt ra. Nhưng hiện nay chỉ dừng ở mức đề xuất chấp thuận về chủ trương cho triển khai dự án chứ chưa bàn chi tiết. Sở GTVT cũng chỉ đề xuất về chủ trương thôi chứ chưa duyệt vấn đề cụ thể nào cả. Nhiều vấn đề sẽ phải được nghiên cứu sâu hơn sau khi UBND TP thuận chủ trương thực hiện.

. Vậy ông có khẳng định khi dự án được triển khai thì vùng thu phí thật sự hết ùn tắc? Trong trường hợp vẫn kẹt thì chi phí mua thiết bị, việc trả phí của người dân sẽ tính sao?

+ Tôi cam đoan giữa ngày trước và ngày sau khi thu phí sẽ có sự khác biệt nhưng kéo dài được bao lâu thì còn phụ thuộc vào nhiều biện pháp khác.

Giải quyết bài toán giao thông đô thị cần tiến hành nhiều biện pháp cùng lúc. Ngoài việc nâng cao năng lực hạ tầng giao thông (xây cầu, làm đường), hoàn thiện quy hoạch còn phải phát triển giao thông công cộng và hạn chế xe cá nhân bằng các biện pháp tài chính. Đây là bài toán tổng thể mà trong khả năng dự án này không thể giải quyết được hết.

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm