Tiêm vaccine cho dân: TP.HCM cần thêm 'đòn ​bẩy'

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức tại cuộc họp báo ngày 3-8 khẳng định: Việc tiêm vaccine trên tinh thần tự nguyện, người đồng ý đăng ký tiêm sẽ được tiêm. Không có chuyện không tiêm vaccine sẽ bị phạt.

Đồng tình với quan điểm trên, TS Lương Hoài Nam cho rằng khi người dân hiểu được tác dụng của vaccine, không chỉ về sức khỏe mà còn lợi ích trong cuộc sống (như tự do đi lại, làm việc, sinh hoạt…) thì họ sẽ ủng hộ vaccine.

Vaccine và hai “bài toán” y tế, sinh kế

. Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về tình hình dịch tại TP.HCM hiện nay?

+ TS Lương Hoài Nam: Theo phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nói rất rõ, tình trạng dịch tại TP đã rất nghiêm trọng, rất nhiều người nhiễm và nhiều người chết. Hệ thống y tế đang chịu áp lực rất lớn từ các ca nhập viện trở nặng, chứ chưa nói đến các ca F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ cách ly tại nhà. Điều quan trọng lúc này là phải giữ sức chiến đấu của hệ thống y tế. Nếu để y tế vỡ trận thì cực kỳ nguy hiểm bởi đó là nơi đảm bảo sinh mạng cho toàn dân.

Tiêm vaccine lưu động cho người dân khu phong tỏa khu phố 6, phường Linh Trung, TP Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

140.300

là số người được tiêm chủng trong ngày 3-8 tại TP.HCM. Đây là con số rất ấn tượng, cho thấy TP tiếp tục gia tăng tốc độ tiêm chủng để phủ xanh vaccine nhiều khu vực trên địa bàn các quận, huyện. Các quận Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp và TP Thủ Đức là những địa phương có tốc độ tiêm chủng tốt nhất. 

Ở góc độ kinh tế - xã hội, người dân đã chịu cảnh bức bí do phong tỏa, cách ly, tăng cường giãn cách xã hội kéo dài hàng tháng qua. Người nào có tích lũy cũng đã thấm mệt, còn người không tích lũy thì nếu tiếp tục giãn cách lâu dài, họ không thể đi làm kiếm tiền để sống.

Về hệ thống doanh nghiệp (DN) tại TP, rất ít cơ sở đang cầm cự hoạt động, còn lại đã đóng cửa chờ hết dịch. Nếu giãn cách kéo dài nữa thì hàng loạt DN e rằng phải phá sản. Hệ lụy là hàng loạt người mất công ăn việc làm, đứt thu nhập, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống an sinh xã hội của TP.

. Một trong những giải pháp căn cơ hiện nay là vaccine nhưng hiện người dân đang rất tranh cãi về lô vaccine 5 triệu liều của Sinopharm đang chờ Bộ Y tế thẩm định và dự kiến đưa vào sử dụng tới đây. Quan điểm của ông như thế nào?

+ Đúng là cửa ra duy nhất hiện giờ cho TP chính là vaccine. Vaccine thì có nhiều nguồn, từ Mỹ, châu Âu đến Trung Quốc. Tôi cho rằng tất cả nguồn vaccine cần được tận dụng triệt để và hiệu quả vào lúc này. Tâm lý chung thì ai cũng muốn vaccine châu Âu hay Mỹ nhưng chúng ta cũng cần phải nhớ rằng vaccine Trung Quốc cũng được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Bộ Y tế Việt Nam và rất nhiều quốc gia trên thế giới phê duyệt. Cần phải có niềm tin vào đó.

Nếu chỉ chờ vaccine Tây thì có khi phải cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Tôi e rằng người dân còn phải ở yên trong nhà, DN còn phải đóng cửa, hệ thống y tế phải chịu áp lực khủng khiếp trong nhiều tháng nữa. Hằng ngày phải chứng kiến nhiều người thiệt mạng.

Hãy nhìn qua Campuchia, họ tiêm vaccine Trung Quốc ngay khi có cơ hội, dù vẫn nhiễm nhưng rõ ràng dịch không bùng phát mạnh như ở Việt Nam, số người chết cũng ít hơn nhiều. Sau khi tiêm mũi 1 (và mũi 2) là vaccine Trung Quốc, không chỉ Campuchia mà nhiều nước khác, lúc tiếp cận được vaccine tốt hơn thì họ lại cho tiêm trộn. Hiện TP có hàng triệu liều Sinopharm, nếu thẩm định đạt chất lượng theo yêu cầu, chúng ta có thể tính toán tiêm phủ để tạo kháng thể trước, rồi tìm thêm các loại vaccine khác để bù đắp thêm.

Không nên ép nhưng cần có giải pháp khuyến khích

. Không thể ép người dân tiêm, vậy phải làm sao để có thể đạt miễn dịch cộng đồng khi mà nhiều người hoài nghi về vaccine, nhất là Sinopharm?

+ Với vaccine, nhất là các loại vaccine ngừa COVID-19 hiện nay chỉ mới được cho phép sử dụng khẩn cấp (trong đó bao gồm tất cả loại vaccine Mỹ như Pfizer, Moderna…). Vì vậy, không nên ép người dân tiêm phòng hay xử phạt nếu họ không tự nguyện. Từ khi dịch diễn ra, tôi thấy chương trình vaccine ở Việt Nam vẫn chỉ mang tính khuyến khích, chưa ai bị ép hay bị phạt.

Cần nhìn bài học khuyến khích người dân đi tiêm vaccine ở các nước. Tại Mỹ, mấy hôm trước tổng thống kêu gọi các bang, vùng lãnh thổ và cấp địa phương tặng 100 đô la cho mỗi công dân Mỹ đi tiêm vaccine lần đầu. Thậm chí, người dân đi tiêm có thể được giảm thuế thu nhập hoặc nhận các vé xổ số có giải thưởng lên đến triệu đô la.

Hay như ở một số nước khác điển hình là Pháp, ai có giấy chứng nhận tiêm vaccine thì có thể đến nơi công cộng như nhà hàng, rạp chiếu phim, sân vận động… Tại Nga, người tiêm vaccine có thể đến các khu du lịch, nghỉ dưỡng… Nhiều nước châu Âu áp dụng “visa vaccine” để người dân các nước sau khi tiêm có thể tự do đi lại vì mục đích làm việc, du lịch.

Như vậy, ngoài tuyên truyền cho người dân hiểu về giá trị của vaccine thì cần có chính sách ưu tiên cho người tiêm vaccine như cơ hội đi lại, làm việc, giải trí... Các biện pháp đó nếu áp dụng tốt thì người dân sẽ cảm nhận được vaccine vừa an toàn vừa có ích với cuộc sống, từ đó họ dần ủng hộ.

. Xin cám ơn ông.

Mạnh tay xử lý người xuyên tạc, bịa đặt về vaccine

Trên mạng xã hội thông tin về vaccine “trắng đen lẫn lộn”. Chúng ta tôn trọng quyền tự do ngôn luận của mỗi người. Tuy nhiên, cần xử lý nghiêm các hành vi xuyên tạc, bóp méo sự thật, bịa đặt, kích động theo chiều hướng gây nguy hiểm cho xã hội. Tiêm chủng là vấn đề rất quan trọng. Thống kê các nước cho thấy người dân đã tiêm vaccine thì khả năng nhập viện, trở nặng hay tử vong thấp hơn người không tiêm vaccine. Vậy nên nếu kích động làn sóng tẩy chay vaccine, chống lại vaccine bằng những thứ phản sự thật, phản khoa học thì thật là tai họa. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm