Tung cảnh quan hệ bôi xấu tình cũ

Sau một thời gian quen biết, đầu năm 2012, chị V. đồng ý quan hệ tình dục với Lê Văn Mùi. Lần này, cả hai cùng quyết định quay lại cảnh nhạy cảm trên làm kỷ niệm và để ràng buộc tình cảm của nhau. Đoạn phim sau đó được sang ra, mỗi người giữ một bản.

Phát tán cảnh nhạy cảm

Đến giữa năm 2012, do bất đồng với Mùi về nhiều việc nên chị V. có bạn trai mới. Mùi nổi cơn ghen, không chấp nhận chuyện này nên tìm cách bôi xấu danh dự, nhân phẩm chị V. Sau khi cân nhắc, Mùi tìm bạn của chị V. là Võ Thị Thanh Trúc rồi chuyển đoạn phim này cho Trúc xem. Tiếp đó, Mùi nhờ Trúc phát tán đến nhiều người. Thấy Trúc còn dè dặt, Mùi chuyển sang đe dọa Trúc phải thực hiện ý định của mình. Lúc này, sẵn đang có mâu thuẫn với chị V. nên Trúc nhận lời và đã làm đúng theo đề nghị của Mùi. Một thời gian sau, đoạn phim cũng được đưa lên mạng, gây xôn xao dư luận

Sau khi xem xét, Hội đồng Thẩm định nội dung văn hóa tỉnh Phú Yên kết luận: Đoạn phim nêu trên có nội dung dâm ô, đồi trụy. Mùi và Trúc bị khởi tố, truy tố về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo Điều 253 BLHS.

Tung cảnh quan hệ bôi xấu tình cũ ảnh 1

Phúc thẩm thấy sai nhưng không thể sửa

Xử sơ thẩm vào cuối năm 2012, TAND huyện Đồng Xuân tuyên phạt Mùi chín tháng tù; phạt Trúc sáu tháng tù treo cùng về tội danh trên. Mùi kháng cáo xin hưởng án treo.

Xử phúc thẩm đầu tháng 2-2013, TAND tỉnh Phú Yên nhận định bản án sơ thẩm tuyên phạt hai bị cáo về tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy là có căn cứ, đúng người, đúng tội. Hành vi có tính chất nghiêm trọng, để lại hậu quả xấu nên tòa không cho bị cáo Mùi hưởng án treo là phù hợp, đủ tác dụng giáo dục và phòng ngừa tội phạm.

Tuy nhiên, theo HĐXX, hai bị cáo đã phát tán đoạn phim cho nhiều người chưa thành niên xem nên hành vi phạm tội có dấu hiệu thuộc tình tiết định khung tăng nặng quy định tại điểm c khoản 2 Điều 253 (đối với người chưa thành niên). Cấp sơ thẩm chỉ truy tố, xét xử các bị cáo theo khoản 1 Điều 253 BLHS là không đúng. Thế nhưng do không có kháng cáo, kháng nghị theo hướng tăng nặng nên cấp phúc thẩm không thể khắc phục được mà kiến nghị giám đốc thẩm xem xét. Từ đó, HĐXX bác kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm...

Cần thêm quy định để giải quyết bất cập

Bản án sơ thẩm đã sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng BLHS nhưng do không có kháng cáo, kháng nghị theo hướng tăng nặng nên cấp phúc thẩm thấy sai mà không thể sửa, phải kiến nghị cấp giám đốc thẩm xem xét. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS), trường hợp vụ án được giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm thì phải hủy cả bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra, xét xử lại. Khi đó, việc tốn kém về thời gian, công sức là không thể tránh khỏi. Thiết nghĩ trong lần sửa đổi, bổ sung BLTTHS tới đây vấn đề này sẽ được xem xét thấu đáo. Có thể trong một số trường hợp đặc biệt, khi không có kháng cáo, kháng nghị theo hướng tăng nặng nhưng tòa án cấp phúc thẩm thấy rõ cấp sơ thẩm đã sai lầm (như vụ án trên chẳng hạn) thì vẫn được phép tuyên hình phạt nặng hơn...

Luật sư LÊ NGỌC CẢNH, Đoàn Luật sư TP.HCM

SÔNG BA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm