Sáng nay 3-4, bên lề buổi giám sát về giáo dục nghề nghiệp tại TP.HCM, ông Triệu Thế Hùng - Phó Chủ nhiệm Ủy Ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã trả lời báo chí về các vụ xâm hại trẻ em, đặc biệt là vụ một người đàn ông sàm sỡ một bé gái trong thang máy ở quận 4 (TP.HCM) đang gây xôn xao dư luận.
Ông Hùng cho rằng, nạn bạo lực học đường, xâm hại trẻ em không phải mới xảy ra. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, báo chí đã nhanh chóng vào cuộc đưa thông tin, cùng với đó là sự vào cuộc mạnh mẽ của xã hội, lên án các hành vi này. “Chính sự vào cuộc mạnh mẽ của báo chí, của dư luận xã hội cũng đặt ra đòi hỏi đối với hệ thống chính trị phải vào cuộc kịp thời, xử lý các vấn đề này” – ông Hùng nói.
Ông Triệu Thế Hùng chủ trì cuộc giám sát sáng nay ở UBND TP.HCM. Ảnh: PHƯƠNG THÙY
Theo ông Hùng, các chính sách, quy định của pháp luật về lĩnh vực chăm sóc, bảo vệ trẻ em, nhất là bảo vệ quyền trẻ em tương đối đầy đủ. Nhưng câu chuyện đặt ra ở đây là chúng ta thực hiện nó như thế nào?
“Chúng tôi thấy các cấp, các ngành phải thực hiện tốt, triệt để tinh thần của các quy định về pháp luật giáo dục, về pháp luật bảo vệ trẻ em. Trong luật có các điều khoản, quy định rất đầy đủ để bảo vệ trẻ em. Chẳng qua chúng ta có vận dụng đúng, đủ hay không mà thôi” – ông Hùng lý giải.
Ông cho rằng, các sự việc xảy ra vừa qua là rất đau lòng. Vì vậy, chính quyền địa phương cũng như các cấp, các ngành ngoài vấn đề quan tâm phát triển kinh tế thì phải quan tâm giáo dục con người, là tương lai của đất nước. Song song đó cần giám sát chặt để đảm bảo thực hiện chặt chẽ hơn, nhất là những người trực tiếp như thầy, cô giáo… “Cái cần, bên cạnh việc truyền thụ kiến thức là truyền thụ yếu tố nhân văn, đạo đức làm người, tinh thần tương thân tương ái, yêu tổ quốc, yêu đồng bào” – ông Hùng nói.
Để bảo vệ trẻ em tốt hơn, ông Hùng cho rằng pháp luật cần bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với thực tiễn, để có hình thức chế tài mạnh đủ sức răn đe, thể hiện quyết liệt hơn việc quan tâm chăm sóc trẻ em. “Việc thực thi pháp luật ở các địa phương trong các vụ việc xâm hại trẻ em thời gian qua lại khác nhau. Cùng một sự việc nhưng cấp dưới xử lý nhẹ tay, đến khi cấp trên vào cuộc thì hình thức xử phạt lại cao hơn” – ông Hùng nói.
Từ đó, ông cho rằng cần đặt trách nhiệm của các cơ quan thực thi pháp luật, nhất là ở các địa phương khi làm không tốt, không đúng phải chịu xử lý của pháp luật.