Thông điệp qua vụ Chu Vĩnh Khang: Ai cũng bị hạ gục!
Đó là ban lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc hiện nay đủ khả năng “hạ gục” bất kỳ quan chức nào nếu như họ muốn. Dưới đây là nội dung bài viết:
Bằng việc xử lý các quan chức cấp cao đã về hưu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phá vỡ luật bất thành văn theo truyền thống của đảng Cộng sản Trung Quốc về việc không truy tố một nhà lãnh đạo ở cấp cao nhất một khi nhà lãnh đạo đó đã xuống khỏi đỉnh cao quyền lực. Các chuyên gia phân tích cho rằng việc này phát đi một thông điệp mạnh mẽ đến toàn bộ các đảng viên ở mọi cấp bậc trong đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) quyết định điều tra ông Chu Vĩnh Khang, nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Bí thư Ủy ban Chính trị-Pháp luật Trung ương, nguyên Bộ trưởng Công an
Bắc Kinh hôm 29/7 đã công bố một cuộc điều tra chính thức đối vớiChu Vĩnh Khang, người từng được coi là “Vua An ninh” của Trung Quốc và đã về hưu trên cương vị Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị vào năm 2012. Động thái này diễn ra chỉ một tháng sau khi ban lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc khai trừ nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Thượng tướng Từ Tài Hậu, vì những cáo buộc tương tự. Từ Tài Hậu cũng về hưu vào năm 2012.
Các chuyên gia phân tích ở Trung Quốc và hải ngoại tin rằng những vụ án này sẽ có tác động sâu rộng. Kể từ khi kết thúc thời kỳ Cách mạng Văn hóa, không có quan chức nào ở cấp Bộ Chính trị đã về hưu lại bị điều tra về tội tham nhũng, cho đến khi đảng Cộng sản Trung Quốc tiến hành lập hai vụ án nhằm vào Từ Tài Hậu và Chu Vĩnh Khang.
Nhà bình luận chính trị Chương Lập Phàm, một cựu chuyên gia lịch sử của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nhận định: “Điều đó phát đi một thông điệp gây ớn lạnh đối với những người vẫn đang nắm quyền rằng họ chớ nên phạm phải bất kỳ việc làm sai lầm nào hay là thách thức ban lãnh đạo, nếu không họ sẽ không được an toàn ngay cả sau khi về hưu. Các cuộc điều tra nhằm vào Chu Vĩnh Khang và Từ Tài Hậu hoàn toàn có nghĩa là ban lãnh đạo cấp cao đủ khả năng hạ gục bất kỳ ai nếu họ muốn”.
Cả hai người tiền nhiệm của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và Hồ Cẩm Đào đều đã tiến hành các chiến dịch chống tham nhũng trong những ngày đầu họ nắm giữ chức Chủ tịch nước. Tuy nhiên, trong cả hai trường hợp này, họ đều “truy sát” những quan chức đương nhiệm – những người bị coi là các đối thủ chính trị của họ. Điều này đã khiến cho công chúng càng có ấn tượng rằng những chiến dịch chống tham nhũng cấp cao này là sự che đậy sơ sài cho các cuộc đua tranh quyền lực.
Cựu Ủy viên Bộ Chính trị Trần Lương Vũ đã bị loại trừ dưới thời Hồ Cẩm Đào vào năm 2006 vì tội sử dụng sai mục đích công quỹ. Trong kỷ nguyên của Giang Trạch Dân, ông Trần Hy Đồng, một Ủy viên Bộ Chính trị và là cựu Thị trưởng Bắc Kinh, đã bị hạ bệ vào năm 1995 bằng những cáo buộc tham nhũng.
Các chuyên gia phân tích nói rằng quyết định của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình về việc phá vỡ truyền thống nói trên được thực hiện là bởi vì vấn nạn tham nhũng của Trung Quốc đang trở nên quá nghiêm trọng, với việc các quan chức tham nhũng thiết lập những phe phái quyền lực có các mối quan hệ chặt chẽ với nhau.
Ông Đặng Duật Văn, một cựu biên tập "Thời báo Học Tập" thuộc Trường Đảng Trung ương Trung Quốc, nói rằng cả Chu Vĩnh Khang và Từ Tài Hậu đều đã xây dựng xung quanh họ một mạng lưới tham nhũng lớn, liên quan nhiều quan chức đương nhiệm. Ông Đặng Duật Văn nhấn mạnh: “Nhà chức trách đã hạ bệ các quan chức lần lượt từng người một. Bằng việc nhằm mục tiêu vào Chu Vĩnh Khang và Từ Tài Hậu, các quan chức đang tại nhiệm sẽ cảm thấy rằng sự an toàn của họ không được đảm bảo ngay cả khi họ có thể sống sót qua đợt này và về hưu.