Thống đốc Lê Minh Hưng trả lời 4 vấn đề nóng

Ngày 1-11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng đã giải đáp nhiều câu hỏi chất vấn của các đại biểu Quốc hội liên quan đến trần lãi suất tiền gửi, thị trường vàng, cho thanh toán bằng nhân dân tệ…

“Cho phép thanh toán NDT ở biên giới là đúng quy định”

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Việt Thắng chất vấn Thống đốc Lê Minh Hưng liên quan việc cho phép thanh toán nhân dân tệ ở biên giới có vi hiến hay không. Cụ thể, đại biểu Thắng nhắc tới Thông tư 19 của NHNN hướng dẫn quản lý ngoại hối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam (VN)-Trung Quốc và chất vấn: “Trong khi hiến pháp và pháp luật quy định chỉ VND được lưu hành trên lãnh thổ VN. Vậy việc cho phép thanh toán ngoại tệ ở biên giới có vi phạm hiến pháp hay không?”.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định: “Thông tư 19 được ban hành và có hiệu lực từ giữa tháng 10-2018. Thông tư 19 với các nội dung tuân thủ quy định hiến pháp, pháp luật, đặc biệt là Luật NHNN và Pháp lệnh Ngoại hối”.

Thống đốc NHNN lý giải: Hiến pháp, Pháp lệnh Ngoại hối quy định trên lãnh thổ VN thì sử dụng đồng VN. Song Pháp lệnh Ngoại hối cũng có quy định cho phép sử dụng ngoại tệ trong một số giao dịch.

Thực tế bất kỳ quốc gia nào cũng có hoạt động thanh toán giao dịch thương mại với các nước khác trên thế giới. Trong các hoạt động thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai và đầu tư phải có các quy định về đồng tiền thanh toán.

“Điều 26 Pháp lệnh Ngoại hối cho phép sử dụng đồng tiền của nước có chung đường biên giới thực hiện theo điều ước quốc tế mà VN tham gia ký kết. Hiện VN đã ký hiệp định thương mại biên giới với ba nước là Trung Quốc, Lào, Campuchia. Với những quy định pháp luật trên, việc cho phép thanh toán nhân dân tệ ở biên giới là hoàn toàn tuân thủ quy định pháp luật” - Thống đốc khẳng định.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng: “Sẽ xem xét dỡ bỏ các biện pháp không cần thiết về trần lãi suất tiền gửi”. Ảnh: CL

Sẽ xem xét dỡ bỏ trần lãi suất tiền gửi

Đại biểu Phạm Đình Cúc (Bà Rịa-Vũng Tàu) chất vấn Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng về việc NHNN đang duy trì biện pháp hành chính quy định trần lãi suất huy động khiến dư luận cho rằng biện pháp này “không còn hiệu quả và phi thị trường”.

Trả lời chất vấn này, người đứng đầu ngành NH cho biết: NHNN hoàn toàn đồng thuận với đại biểu về việc khi hướng tới nền kinh tế thị trường thì cần hạn chế các biện pháp hành chính. Điều này là toàn toàn xác đáng, đặc biệt xác lập lãi suất thị trường.

Tuy nhiên, từ năm 2011, khi thị trường có những diễn biến không thuận lợi, ảnh hưởng tới tình hình kinh tế vĩ mô và hoạt động hệ thống NH nên NHNN đã áp dụng trần lãi suất tiền gửi đối với VND cho các kỳ hạn và từng bước hoạt động thị trường cũng thông suốt hơn.

“Vừa qua NHNN đã tiến hành dỡ bỏ các quy định này. Hiện nay chỉ áp dụng trần lãi suất đối với tiền gửi của VND kỳ hạn dưới sáu tháng. Việc áp dụng trần lãi suất này có những cơ sở thực tiễn” - Thống đốc cho hay.

Tư lệnh ngành NH giải thích: Cấu trúc thị trường tài chính và cơ chế thị trường của VN chưa được hoàn hảo. Thị trường vốn dù đã có những bước phát triển nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu vốn của nền kinh tế và hệ thống NH vẫn là kênh chủ lực cung ứng vốn cho nền kinh tế. Do đó, việc sử dụng một cách chọn lọc với liều lượng và thời điểm phù hợp những biện pháp hành chính vẫn còn cần thiết, đảm bảo an toàn hoạt động thị trường tiền tệ.

“Nhưng khi hệ thống tổ chức tín dụng hoạt động tốt hơn, an toàn, lành mạnh hơn thì NHNN sẽ xem xét dỡ bỏ các biện pháp không cần thiết” - Thống đốc cam kết.

Thông tư 19 của NHNN hướng dẫn về quản lý ngoại hối đối với hoạt động thương mại biên giới Việt Nam-Trung Quốc quy định: Các đối tượng được sử dụng đồng nhân dân tệ trong thanh toán gồm thương nhân, cư dân biên giới Việt Nam, Trung Quốc có hoạt động thương mại biên giới giữa hai nước; các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép kinh doanh ngoại hối.

Cùng với đồng nhân dân tệ, VND và ngoại tệ tự do chuyển đổi cũng được dùng trong các giao dịch thanh toán ở biên giới. Phương thức thanh toán bao gồm thanh toán qua ngân hàng, bằng VND hoặc nhân dân tệ. 

Nhiều vàng, USD… chuyển thành tiền Việt Nam

Chiều cùng ngày, Thống đốc Lê Minh Hưng đã trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Văn Dành về kết quả quản lý thị trường vàng và giải pháp cụ thể huy động nguồn vốn từ thị trường tiền tệ, vàng trong dân để đưa vào sản xuất, kinh doanh.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng nói rõ quan điểm nhất quán trong chỉ đạo của Chính phủ là phải tạo lập môi trường vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát ở mức thấp; cải thiện môi trường kinh doanh để người dân và doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh hoặc gửi tiết kiệm bằng đồng VN thay vì nắm giữ những tài sản như vàng và ngoại tệ.

Kết quả là lượng tiền gửi bằng VND trong dân cư tăng rất mạnh, lượng tiền gửi ngoại tệ giảm. Lượng ngoại tệ lớn của người dân nắm giữ đã được chuyển hóa sang VND. Dự trữ ngoại hối tăng mạnh trong năm qua, một phần quan trọng đến từ việc chuyển các khoản nắm giữ ngoại tệ của người dân. Những năm gần đây không phải tốn kém ngoại tệ để nhập khẩu vàng, thị trường vàng hoạt động ổn định và đáp ứng được nhu cầu nắm giữ của người dân; không gây bất ổn vĩ mô và cũng không gây tốn kém nguồn lực.

“Những kết quả này cho thấy chính sách mà NHNN và Chính phủ đang theo đuổi là rất kiên định, nhất quán và đúng hướng. Trong thời gian tới, chúng tôi vẫn kiên định thực hiện những biện pháp như vậy để củng cố lòng tin vào chính sách vĩ mô của Chính phủ cũng như NHNN” - ông Lê Minh Hưng khẳng định.

Kiểm soát chặt tiền vào lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết cơ quan này đã thực hiện rất nhất quán và kiên định với chỉ đạo của Chính phủ và Quốc hội, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro thông qua ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Đơn cử như tăng hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay bất động sản, kiểm soát chặt chẽ dư nợ và tập trung thanh tra, cảnh báo các tổ chức tín dụng tiềm ẩn rủi ro. “Chúng tôi cho rằng tỉ trọng cũng như tốc độ tăng đã được kiểm soát chặt chẽ” - Thống đốc nói.

Thống đốc dẫn chứng dư nợ tín dụng với kinh doanh bất động sản đến cuối tháng 8-2018 tăng 5,2% so với đầu năm, thấp hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung toàn ngành. Riêng tín dụng bất động sản chiếm tỉ trọng khoảng 7,4%, trong khi cùng kỳ năm 2017 tăng 9,79% và chiếm tỉ trọng khoảng 6,7%.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm