Thống đốc NHNN: Bỏ độc quyền sản xuất vàng miếng, cần cân nhắc

(PLO)- Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng không thể chạy theo yêu cầu của các ngân hàng về việc bỏ hạn mức tín dụng vì thời gian qua, đây là công cụ hữu hiệu giúp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tiếp tục phiên chất vấn trả lời chất vấn tại Quốc hội (QH) sáng nay 9-6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã giải trình thêm về đề nghị kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 42/2017 về giải quyết nợ xấu; việc giá vàng SJC có chênh lệch lớn với thương hiệu vàng khác trong nước và tại sao không bỏ room tín dụng mà nhiều đại biểu (ĐB) QH đã tranh luận cuối giờ chiều qua 8-6.

Lý do cần kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 42

Bà Hồng cho hay Nghị quyết 42 có tác dụng rõ rệt trong giải quyết nợ xấu. Từ khi có nghị quyết này đã giải quyết được 342.000 tỉ nợ xấu, chiếm 70% tổng số nợ xấu trước khi nghị quyết có hiệu lực.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng.

Thống đốc NHNN nhấn mạnh dù trong quá trình thực hiện Nghị quyết 42 có một số khó khăn nhưng nếu không kéo dài thời gian thực hiện nghị quyết này thì một số chính sách mới quy định sẽ không được thực hiện.

Chẳng hạn như việc thu giữ tài sản đảm bảo, hay khoản nợ xấu không được mua bán theo giá thị trường. Điều này gây khó khăn cho công tác giải quyết nợ xấu trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh hệ thống ngân hàng đang đối mặt với nguy cơ nợ xấu gia tăng do nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn.

“Do đó NHNN đã gia hạn thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Trong quá trình gia hạn Nghị quyết 42, chúng tôi cũng sẽ phối hợp với các bộ ngành rà soát các vướng mắc, rà soát các quy định liên quan để tham mưu, đề xuất với cấp thẩm quyền luật hóa xử lý vấn đề nợ xấu” – bà Hồng nhấn mạnh.

ĐBQH Trần Công Phàn (Bình Dương).

ĐBQH Trần Công Phàn (Bình Dương).

Trước đó, chiều 8-6, ĐBQH Trần Công Phàn, đoàn Bình Dương đã có tranh luận với Thống đốc NHNN về đề nghị kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu.

“Báo cáo của Chính phủ có đề cập đến Nghị quyết 42, có nêu nghị quyết có hai điểm vướng ảnh hưởng đến thu hồi nợ xấu. Tôi cũng hơi băn khoăn, bản thân nghị quyết đó là có vướng mà bây giờ đề nghị áp dụng toàn bộ. Ý kiến của Thống đốc chỗ này như thế nào cần làm rõ thêm” – ĐB Phàn nêu.

Bỏ độc quyền vàng miếng, cần cân nhắc kỹ

Về giá vàng và thực hiện Nghị định 24 về quản lý vàng, Thống đốc NHNN cho biết thương hiệu vàng SJC được người dân ưa chuộng từ trước khi Nghị định 24 ra đời.

Trước đây, do thị trường vàng gây nhiều bất ổn tới kinh tế vĩ mô nên Chính phủ đã ban hành nghị định với chủ trương chống vàng hóa nền kinh tế với nhiều giải pháp, chính sách. Đến nay các chính sách này đã phát huy nhiều hiệu quả, giúp thị trường tiền tệ, ngoại hối ổn định trong nhiều năm qua. Đây là điểm sáng giúp Việt Nam nâng hạng trên thị trường quốc tế.

Trong các chính sách của Nghị định 24, có một chính sách quan trọng là NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng.

Tại thời điểm đánh giá tình hình thực hiện chính sách này, có nhiều thương hiệu vàng miếng, trong đó SJC chiếm tới 90% thị phần. NHNN cũng cân nhắc, đánh giá các phương án tự sản xuất thương hiệu vàng riêng của NHNN hay cho thương hiệu vàng hiện có.

“Sau khi phân tích đánh giá chi phí và lợi ích, thì thấy rằng nếu đưa thương hiệu riêng của NHNN hoặc chọn thương hiệu ngoài SJC thì người dân sẽ chuyển đổi từ SJC đang chiếm 90% sang thương hiệu NHNN lựa chọn. Như thế vô hình chung chúng ta sẽ mất nhiều chi phí của xã hội. Điều này không cần thiết. Do đó NHNN quyết định sản xuất vàng miếng, thuê SJC gia công dưới sự quản lý chặt chẽ của NHNN” – bà Hồng nói.

Cũng theo bà Hồng, từ năm 2014 đến nay NHNN không đưa vàng SJC ra thị trường theo chủ trương chống vàng hóa. Còn việc để giá vàng cao là do các doanh nghiệp lo ngại với rủi ro biến động giá vàng.

“Giá vàng SJC mua cao thì bán cao, còn các thương hiệu khác thì mua giá thấp, bán giá thấp.Tuy nhiên ý kiến của ĐB thì chúng tôi sẽ ghi nhận, trong quá trình tổng kết Nghị định 24 chúng tôi sẽ tổng kết đánh giá. Vì chúng ta đã mất nhiều công để ổn định.

Việc chúng ta không độc quyền nữa hoặc cho các thương hiệu khác sản xuất vàng miếng cần phải được đánh giá kỹ lưỡng, lúc đó chắc chắn phải xin ý kiến của các bên liên quan” - bà Hồng nói.

ĐBQH Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội)

ĐBQH Nguyễn Phương Thủy (Hà Nội)

Trước đó chiều 8-6, các ĐB đã tranh luận với Thống đốc NHNN về giá vàng. ĐB Trịnh Xuân An, đoàn Đồng Nai nói: Có lẽ Việt Nam là nước duy nhất đi ngược với thế giới là khi nào giá vàng thế giới giảm thì chúng ta lại tăng. Có những lúc lên đến khoảng cách gần 20 triệu. Tôi nghĩ đây là chuyện không thể chấp nhận được”.

Còn ĐB Nguyễn Phương Thủy, đoàn Hà Nội đặt vấn đề: “Việc chúng ta độc quyền một thương hiệu vàng quốc gia là SJC có phải là một trong những nguyên nhân dẫn đến giá vàng miếng SJC tăng cao như hiện nay không?”. Theo đó ĐB đề nghị Thống đốc NHNN giải thích rõ hơn về nội dung này.

Cấp hạn mức tín dụng giúp kiểm soát lạm phát

Về nội dung tăng trưởng tín dụng, bà Hồng cho hay do tình hình tín dụng của Việt Nam rất đặc thù. Thế giới đánh giá kinh tế Việt Nam có sự phụ thuộc vào ngân hàng ở mức độ lớn nhất thế giới. Điều này dẫn tới nguy cơ rủi ro và các tổ chức quốc tế đều cảnh báo.

Trong khi đó việc khống chế room tín dụng tỏ rõ sự hiệu quả trong thời gian qua. Nó ngăn chặn được các cuộc đua lãi suất để huy động, để cho vay tín dụng cao. Nhất là có những năm tín dụng của nền kinh tế tăng tới 53,8%.

“Từ góc độ của các tổ chức tín dụng thì họ đều mong muốn phải được tăng trưởng tín dụng nhiều, tuy nhiên NHNN thì phải đứng ở góc độ điều hành kinh tế vĩ mô. Nếu đáp ứng yêu cầu của các tổ chức tín dụng thì chính sách tiền tệ sẽ không đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay” – bà Hồng nhấn mạnh.

Liên quan nội dung này, ĐB Trịnh Xuân An, đoàn Đồng Nai cho rằng việc cấp hạn mức tín dụng đối với các ngân hàng hiện nay mang “dáng dấp của quản lý theo kiểu bao cấp và có lẽ nó không phù hợp trong bối cảnh hiện nay” dẫn đến tình trạng “năm nào các ngân hàng cũng phải xin nới room”.

“Tôi không biết trên thế giới còn đất nước nào làm cách thức như chúng ta trong việc cấp tín dụng, tức là cấp quata như Việt Nam đang làm hay không?” – ĐB nói và đề nghị xem lại chính sách này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm