Đầu giờ chiều ngày 26-5, giá vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn loại từ 1 -10 lượng niêm yết ở mức 68,2 – 69,2 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với chốt phiên giao dịch hôm qua.
Trong khi đó, các công ty kinh doanh vàng lớn như DOJI, PNJ, Eximbank đồng loạt điều chỉnh mức tăng 200.000 đồng/lượng so với giá đóng cửa chiều qua, giá mua – bán phổ biến ở mức 68,15 – 69 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá giữa chiều mua vào – bán ra từ 850.000 – 1.000.000 đồng/lượng.
Diễn biến này là hoàn toàn trái ngược với giá vàng thế giới bởi trên thị trường quốc tế giá kim loại quý đang có phiên giảm thứ hai liên tiếp sau chuỗi 5 phiên tăng giá.
Hiện giá vàng thế giới đã giảm gần 24 USD/ounce, tương đương giảm khoảng 670.000 đồng/lượng. Hiện mỗi ounce vàng dao động quanh mức 1.850 USD, quy đổi theo tỉ giá tại các ngân hàng thương mại, tương đương khoảng 52 triệu đồng/lượng.
Với mức giá này, giá vàng thế giới thấp hơn vàng miếng SJC khoảng 17 triệu đồng/lượng.
Trong khi vàng miếng ngược chiều với giá vàng thế giới thì các loại vàng nữ trang 24K, vàng nhẫn tròn trơn lại được các doanh nghiệp kinh doanh vàng giảm giá chỉ khoảng 100.000 đồng/lượng, giá mua vào ở quanh mức 54,1 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 55,1 triệu đồng/lượng.
Giá vàng thế giới biến động sau khi Ủy ban thị trường mở (FOMC) công bố biên bản cuộc họp tháng 5-2022 cho thấy phần lớn các thành viên của cơ quan này đều nhất trí về khả năng sẽ tiếp tục điều chỉnh mạnh lãi suất trong các cuộc họp vào tháng 6 và tháng 7 sắp tới. Ngay lập tức, đồng USD quay đầu tăng giá, qua đó làm giảm sự hấp dẫn của kim loại quý.
Trong khi đó, động thái mua ròng bốn phiên liên tiếp của quỹ đầu tư tín thác vàng lớn nhất thế giới là SPDR Gold Trust lại cho thấy các nhà đầu tư lớn vẫn quan tâm đến loại tài sản này để phòng ngừa lạm phát. Hiện SPDR Gold Trust đã mua vào 20,6 tấn vàng nâng khối lượng vàng dự trữ của quỹ này lên mức 1.069,81 tấn.