Cuối tuần qua, Quốc hội dành một ngày để thảo luận về những vấn đề còn khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) - dự luật dự kiến sẽ thông qua trước khi bế mạc kỳ họp này. Đáng chú ý, nhiều đại biểu nhấn mạnh Quốc hội phải rất “cẩn trọng”, “thận trọng” khi xem xét thông qua luật này.
Thảo luận tại hội trường, có 49 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu, 16 ĐB tranh luận và 72 ĐB đăng ký nhưng chưa được phát biểu do hết thời gian. Nhiều ĐB đã bày tỏ sự băn khoăn nếu dự luật được thông qua tại kỳ họp QH này.
Nguyên nhân là bởi báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật dài 413 trang thể hiện còn tới 16 nội dung lớn vẫn đang thiết kế 2-3 phương án, chỉ có năm nội dung có một phương án. Trong khi đó, tài liệu dự án luậtđược gửi tới các ĐBQH chậm; nếu thức trắng đêm thì các vị ĐB cũng chỉ có khoảng 12 tiếng để đọc và nghiên cứu trước khi ra thảo luận tại hội trường.
ĐB Nguyễn Trường Giang (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) cho rằng với một dự thảo còn nhiều phương án 2 mà trình ra QH và nhiều ĐB đăng ký phát biểu như thế này thì rất cần thận trọng. Nếu chúng ta sửa đổi mà không nghiên cứu một cách thấu đáo sẽ dẫn đến những vướng mắc khác sau khi luật có hiệu lực.
Trực tiếp hơn, ĐB Lò Thị Luyến (Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên) đề nghị chưa thông qua tại kỳ họp thứ sáu này, để có thời gian nghiên cứu kỹ lưỡng, lựa chọn các phương án mà dự thảo đưa ra cho thật sự phù hợp. Tương tự, ĐB Lê Thanh Vân (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) nói nếu như chưa thống nhất được nhiều vấn đề phức tạp thì cần cân nhắc tiếp tục nghiên cứu ở kỳ họp sau.
Thậm chí có ĐB còn đề xuất một kỳ họp bất thường để QH tiếp tục thảo luận với mong muốn sau khi đã ban hành, luật đi vào cuộc sống và được người dân đồng tình.
“Bài học” phải lùi thi hành BLHS 2015 vẫn còn đó. Thế nên, dù cấp bách (để giải quyết các vướng mắc) ra sao, dự thảo cũng chỉ nên được thông qua khi thực sự đã chín muồi, các phương án đã tối ưu, đạt sự đồng thuận cao của các ĐB - những người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Có thể thấy sự thận trọng của các ĐBQH là cần thiết và có cơ sở, khi mà chính cơ quan chủ trì thẩm tra dự luật cũng nhận định: Cho đến nay, nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu; trong quá trình rà soát tiếp tục phát sinh các vấn đề chính sách mới có ý kiến khác nhau do phạm vi của dự án Luật Đất đai rất rộng, liên quan mật thiết, chặt chẽ với nhiều quy định tại các luật khác.
Luật Đất đai (sửa đổi) được đánh là dự án luật khó, phức tạp và là một trong những nhiệm vụ lập pháp đặc biệt quan trọng của nhiệm kỳ QH khóa XV. Đây cũng là đạo luật có tầm ảnh hưởng sâu rộng khi tác động lên mọi mặt của đất nước, từ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - chính trị đến trật tự, an toàn xã hội; đặc biệt là tác động trực tiếp đến quyền và lợi ích của người dân. Vì vậy, chất lượng của dự án luật phải được đặt lên hàng đầu. Bởi như Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Hải đã nói: “Một sơ suất, một điều khoản của luật sau khi ban hành nếu có bất cập sẽ gây nhiều tác động và hệ lụy đối với kinh tế - xã hội,đời sống của nhân dân, thậm chí kìm hãm sự phát triển”.
Với tầm quan trọng đó, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được tính toán xem xét, thông qua tại ba kỳ họp QH.
Điều 76 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) quy định tại kỳ họp thứ nhất và thứ hai, sau khi đã thực hiện các bước như trình dự án; ĐB thảo luận; lấy ý kiến nhân dân; tiếp thu, chỉnh lý; ĐB tiếp tục thảo luận… thì tại kỳ họp thứ ba, QH sẽ biểu quyết thông qua dự luật.
Tuy nhiên, luật cũng có quy định dự phòng đối với tình huống dự thảo chưa được thông qua hoặc mới được thông qua một phần. Khi đó QH sẽ xem xét, quyết định theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ QH.
Như vậy, khi có đề nghị của Ủy ban Thường vụ QH, QH hoàn toàn có thể quyết định việc chưa thông qua dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại kỳ họp thứ sáu này - nếu như dự luật còn nhiều vấn đề lớn phải xem xét.
“Bài học” phải lùi thi hành BLHS 2015 vẫn còn đó. Thế nên, dù cấp bách (để giải quyết các vướng mắc) ra sao, dự thảo cũng chỉ nên được thông qua khi thực sự đã chín muồi, các phương án đã tối ưu, đạt sự đồng thuận cao của các ĐB - những người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.
Thiết nghĩ việc thông qua dự luật có thể chậm so với dự kiến nhưng phải thật chắc, để đảm bảo rằng: Một khi QH đã bấm nút thông qua thì Luật Đất đai (sửa đổi) phải là một đạo luật có chất lượng, đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân. Khi đó, nó sẽ là “chìa khóa” hóa giải những điểm nghẽn chính sách, giúp người dân trước hết là “có”, sau đó là “được” thực hiện các quyền lợi chính đáng của mình một cách tốt nhất.