Đại biểu Quốc hội băn khoăn về thời điểm thông qua Luật Đất đai sửa đổi

(PLO)- Với dự thảo còn nhiều nội dung có hai phương án, ba phương án, đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng nếu không thống nhất được các vấn đề phức tạp thì có thể nghiên cứu tiếp ở kỳ họp sau.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hôm nay (3-11), Quốc hội thảo luận về những nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) .

Ngoài việc góp ý về những nội dung cụ thể của dự thảo, nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm đối với thời điểm thông qua dự luật này bởi đây là dự thảo luật “khó” (đã được thảo luận tại kỳ họp thứ 4, 5 và dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 6 này).

Theo Đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng), dự thảo luật có nhiều nội dung còn có các phương án khác nhau, chưa thống nhất như trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Do đó, đại biểu kiến nghị Quốc hội cần thận trọng xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi thông qua dự án luật.

Đánh giá Luật Đất đai là đạo luật hết sức quan trọng, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) cũng cho rằng Quốc hội cần cẩn trọng. Theo ông Vân, nếu như chưa thống nhất được nhiều vấn đề phức tạp thì cần cân nhắc tiếp tục nghiên cứu ở kỳ họp sau.

sửa luật đất đai
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau). Ảnh: QH

Còn đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đăk Nông) nói ông thấy một số đại biểu cho rằng rất cấp bách (việc thông qua luật - PV) nhưng theo ông, qua nghiên cứu dự thảo và giải trình, tiếp thu chỉnh lý của UBTVQH, ông hoàn toàn đồng ý với ý kiến nêu tại báo cáo của UBTVQH.

Cụ thể, cho đến nay, nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu; trong quá trình rà soát tiếp tục phát sinh các vấn đề chính sách mới có ý kiến khác nhau do phạm vi của dự án Luật Đất đai rất rộng, liên quan mật thiết, chặt chẽ với nhiều quy định tại các luật khác...

“Với một dự thảo rất nhiều phương án 2 mà trình ra Quốc hội và rất nhiều đại biểu đăng ký phát biểu như thế này, rất cần thận trọng” - ông Giang nói và lo lắng rằng "nếu chúng ta sửa đổi mà không nghiên cứu một cách thấu đáo thì sẽ dẫn đến vướng mắc khác sau khi luật có hiệu lực".

Trước đó, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: Trên cơ sở tiếp thu, giải trình ý kiến ĐBQH thảo luận tại kỳ họp thứ 6 về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), UBTVQH sẽ báo cáo, xin ý kiến Quốc hội về phương án xem xét, thông qua dự án Luật này trên tinh thần bảo đảm chất lượng dự án Luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và khả thi.

Trình tự xem xét, thông qua dự án luật tại ba kỳ họp Quốc hội

Quốc hội xem xét, thông qua dự án luật tại ba kỳ họp theo trình tự sau đây:

....

5. Tại kỳ họp thứ ba, trình tự xem xét, thông qua dự thảo luật được thực hiện theo quy định tại Điều 75 của Luật này;

6. Trong trường hợp dự thảo luật chưa được thông qua hoặc mới được thông qua một phần thì Quốc hội xem xét, quyết định theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

(Trích Điều 76 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm