Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản báo cáo Bộ GTVT về kết quả rà soát, kiểm tra giá vé của các hãng hàng không Việt Nam.
Từ ngày 7-5 đến ngày 9-5, Cục Hàng không đã thực hiện kiểm tra bán vé, niêm yết giá vé đối với bốn hãng hàng không Vietnam Airlines, VietJet Air, Bamboo Airways và Vietravel Airlines và sáu đại lý bán vé máy bay của các hãng gồm: hai đại lý bán vé của mỗi hãng Vietnam Airlines, VietJet Air và một đại lý của mỗi hãng Bamboo Airways và Vietravel Airlines từ ngày 1-1-2023 đến 4-5-2024.
Nhà chức trách hàng không tập trung kiểm tra hệ thống cơ cấu tổ chức, quản lý, phân cấp, ủy quyền, trách nhiệm, thẩm quyền của từng bộ phận, cá nhân trong hoạt động bán vé máy bay. Các văn bản nội bộ đã ban hành để triển khai hoạt động bán vé máy bay. Việc thực hiện bán vé máy bay nội địa theo khung giá; công tác xây dựng, kê khai, niêm yết giá vé máy bay.
Cục Hàng không còn rà soát tình hình bán vé máy bay của hãng hàng không đặc biệt là trong dịp lễ 30-4 và 1-5, chính sách về giá vé máy bay cho giai đoạn cao điểm hè năm 2024...
Qua kiểm tra, nhà chức trách hàng không đánh giá các hãng hàng không đều thực hiện việc kê khai giá theo khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách do Bộ GTVT quy định. Trên cơ sở khung giá vận chuyển hành khách nội địa, mỗi hãng hàng không sẽ có các mức giá khác nhau (VN có 17 mức giá, VJ có 20 mức giá, QH có từ 12-15 mức giá và VU có 18 mức giá cho từng chặng bay) và các mức giá này không vượt mức tối đa theo quy định.
Các hãng đã thực hiện niêm yết giá vé đầy đủ, bao gồm giá dịch vụ vận chuyển, phụ thu quản trị hệ thống, phụ thu dịch vụ hệ thống, phụ thu dịch vụ tiện ích, phụ thu dịch vụ đặt vé (nếu có), các khoản thu hộ (dịch vụ phục vụ hành khách và đảm bảo an ninh hành khách, hành lý) và thuế VAT.
Đối với các vé được bán trực tiếp tại phòng vé, các hãng đều thu thêm một khoản phí khoảng 50.000 đồng và khoản này không áp dụng khi khách mua trực tuyến trên trang web, ứng dụng điện thoại chính thức của hãng, hoặc các kênh bán vé máy bay trực tuyến chính thức khác.
Ngoài ra, các khoản phụ thu dịch vụ tăng thêm (không bắt buộc) tùy theo nhu cầu của hành khách (chọn chỗ ngồi, mua thêm hành lý ký gửi, chọn suất ăn, bảo hiểm du lịch...) cũng được các hãng niêm yết, công khai trên website chính thức của các hãng.
Về thực tế mức giá vé máy bay bán ra, giai đoạn từ ngày 1-1 đến 30-4 so sánh với cùng kỳ năm 2023, các mức giá vé hạng phổ thông cơ bản trên các đường bay nội địa của các hãng về cơ bản có sự gia tăng. Trong đó, với ba đường bay trục gồm: Hà Nội - TP.HCM, Hà Nội - Đà Nẵng và TP.HCM - Đà Nẵng, giá vé trung bình của các hãng có mức tăng lần lượt: Vietnam Airlines (19,9%; 28,4% và 14,9%), VietJet Air (17,9%; 39,9% và 27,0%), Bamboo Airways (2,1%; 24,4% và 22,5%), Vietravel Airlines (10,2%; 17,7% và 18,6%).
Trước đó, Cục Hàng không nhận định giá vé máy bay của các hãng HKVN tăng nằm trong xu hướng chung trên thế giới do chịu tác động bởi các nguyên nhân chính gồm: giá nhiên liệu tăng cao; chênh lệch tỷ giá ngoại tệ; việc triệu hồi động cơ của nhà sản xuất Pratt&Whitney (PW) tác động đến việc giảm đội tàu bay khai thác trên thế giới, việc tiếp nhận máy bay mới và chi phí bảo dưỡng máy bay dừng khai thác tăng; giá thuê máy bay tăng cao; tình hình cung cầu vận tải hàng không.