Sài Gòn trăm thứ, trăm ngon
Từ từ cái miệng, chồng con nó nhờ
Trong các món ngon từ trời Tây, đổ bộ xuống phố nhiều nhất là món xúc xích Đức được nướng giòn, chắc, không chỉ bán cả cây để người mua cắn từng khúc mà còn được “chế” bằng cách cắt lát chéo kẹp vào bánh mì. Xúc xích Đức tràn khắp phố, từ quận 4 sang Bình Thạnh rồi quận 5… Những anh bạn Đức thường đi cùng một cô gái Việt, nàng thì bán hàng và làm phiên dịch, còn chàng thì chào mời khách….
… và cách tiếp thị của anh bạn Đức này cũng khá “độc”! “Nhảy” xuống lề đường, đeo trước ngực một tấm bảng phía trên là quốc kỳ Đức, dòng chữ Việt “xúc xích Đức” ở giữa và dưới cùng là mũi tên, còn tay trái anh chỉ vào vỉa hè như muốn nói: Xin mời! Xin mời…!
Em Cali thương! Giờ thì anh đưa em về Sài Gòn với những món ngon từ mọi miền đất nước nha! Bắt đầu từ sấu, hồng quân Hà Nội. Trời! Giữa cái nắng nóng Sài Gòn mà có được một ly nước sấu chua nhưng thanh thì tuyệt, phải không em!
Em còn nhớ! Hồi ở đại đội mình, cái anh chính trị viên người Bắc Ninh cứ hay ca vống lên rằng: “Mấy em Tấm làng quan họ quê tớ á, là xinh nhất nước. Còn thị thì thơm phải biết nhá !”. Hôm rồi, anh bạn quan họ điện vào với giọng vấp váp: “Ới! Cậu ơi! Mấy cái Tấm làng tớ vô Sài Gòn đi bán thị hết rồi!”. Đi dọc đường Cộng Hòa, anh đã gặp những cô Tấm đời nay mà anh bạn nói. Đầu không ngẩng lên, tay thì nhí nhoáy chiếc smart phone nhưng miệng Tấm vẫn nói nhanh nhoanh nhoách: “ ‘Lào’! Bác mua thị ‘nàng’ cháu gửi vào đi! Bác ăn một quả á? Cái mồm nhà bác ba ngày chưa hết… thơm!”
“Thuốc lào Thái Bảo hít vào với trà Thái Nguyên đây!”- Chị bán hàng bên vỉa đường Cộng Hòa chào mời như… hát! Em biết không? Tuyến đường ấy giờ không chỉ là khu bán những món ngon khi trà dư, tửu hậu mà nó còn “chỉ dấu” rằng các quận quanh đấy người miền Bắc vào Sài Gòn mưu sinh nhiều lắm!
Mỗi con người xa xứ mang món ngon quê mình vào Sài Gòn đều “khẳng định” đó là “hàng” gia truyền, như thịt chó gia truyền Nam Định, phở gia truyền Quán Sứ (Hà Nội)… và đây là anh bạn cháo lươn gia truyền xứ Nghệ. Để “phân tách” và chỉ dấu cho bạn đồng hương Hà Tĩnh, anh bạn cháo lươn “trưng” luôn con số đầu 38 của biển số xe (Nghệ An là 37) lên bảng hiệu.
Nên giờ nhìn vào biển số xe là dễ biết người từ đâu nhập cư vào Sài Gòn lắm em ạ! Đây như anh bạn bán bánh ít Bình Định chạy con xe biển số 77 này đích thị là vô Sài Gòn từ Bình Định rồi! Đến đây anh nhớ lời má hay răn chị Hai ngày xưa: “Muốn ăn bánh ít lá gai/ Lấy chồng Bình Định cho dài đường đi!”. Giờ thì những anh hai Trầu, đi con xe 77, bán bánh ít chạy khắp Sài Gòn nên muốn ăn bánh ít hay lấy chồng Bình Định thì chẳng còn sợ đường dài nữa em nhỉ?
Em ạ! Có khi nhìn xe, nhìn hàng… cũng không thể đoán được người đến từ đâu! Như anh bạn chạy xe biển số 53 (Sài Gòn) này nhưng bán táo ngọt Bắc thì đến từ tỉnh nào ta? Thế nên người dân Sài Gòn mới “kê” những người mưu sinh dạng này vào “danh mục”: “Những chàng chạy xe Nam, bán hàng Bắc” em ạ!
Cũng có khi nhìn dáng người và hàng là biết người từ đâu “nhập” về Sài Gòn. Như anh chàng bán bánh tét Long An này có dáng đặc sệt Hai Lúa thì đích thị đến từ Long An rồi! Bánh tét của anh ta có đủ các loại nhân mặn, ngọt và chuối (để cho những người ăn chay). Và nữa anh còn trưng dòng chữ “nhận đặt bánh tét”. Em sẽ bảo, trời anh ta bán hàng rong chạy long nhong khắp Sài Gòn thì làm sao dám đặt? “Em sẽ đưa bánh đặt đến tận nhà anh Hai đúng ngày, giờ, rùi mới lấy tiền!”- Ảnh nói. Nghe mà thương quá người miền Tây vẫn giữ chất lam lũ, chân chất khi mưu sinh giữa Sài Thành, em nhỉ!
Người nhập cư về Sài Gòn luôn mang và giữ nguyên cả cách mặc áo, quần và đội mũ. Như anh bạn bán cháo lòng dọc theo hai bờ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè này đội nguyên chiếc mũ cối trên đầu. Em có nhớ, ở Hà Nội, những người đội mũ cối như thế thường được gọi là “lính quân khu Thủ đô”. Anh ta đạp xe cùng khắp phố, bán cháo lòng kiểu Sài Gòn (dồi chiên dòn và có cả bì heo) nhưng vẫn cứ rao sang sảng: “Cháo ‘nòng’ quân khu đây! Mời các bác xơi!”. Vui phết, em nhỉ?
“ ‘Lày…lày’… cái nhà bác kia! Đừng có chụp ảnh nhà chúng em! Đừng ‘nàm’ vỡ ‘liêu’ cơm nhà chúng em nhá!”. Nghe anh chàng đội mũ cối quân khu nói giọng Bắc ngọng ngịu mà bán ốc bưu Đồng Tháp trên đường Trường Chinh thấy lạ quá. Hỏi, ở Bắc, tỉnh nào vậy? Trả lời, Hà Tây, Hà ‘Lội’ mới đó bác ơi! Hỏi tiếp, Hà Tây quê lụa sao không ở ngoải trồng dâu, nuôi tằm, kéo tơ, dệt lụa…? Trả lời, đất bán ‘bố nó’ hết rồi, vô Sài Gòn ‘nàm’ đủ kiểu mới kiếm được bát cơm bỏ vào mồm. Ở ngoài đó có mà đói à bác! Nghe đến thế có xót xa, cay cay không em?
Em còn nhớ, hồi nhà mình còn ở cống Bà Xếp, mỗi lần muốn đi từ quận 3 qua quận Phú Nhuận thì chỉ có cách ngắn nhất là đi theo đường rày qua cầu xe lửa Bà Xếp. Giờ dọc theo hai bên con kênh Nhiêu Lộc không còn những xóm nhà tôn rách, xìa ra kênh nữa. Hai bên bờ kênh đã thành đường Hoàng Sa, Trường Sa với chín cây cầu bắc ngang rồi. Dọc bên đường Trường Sa, nơi gần cầu xe lửa Bà Xếp ấy dẫn ngược lên quá khỏi cầu Phạm Văn Hai đã thành nơi “hội tụ” của cây trái từ vùng cao Tây Nguyên rồi, như bơ sáp Dăk Lăk, chuối ngọt và dai của cao nguyên Liang Bang…
Giờ em có về Sài Gòn thì khỏi phải ra Phan Thiết hoặc Cà Ná để thưởng thức các món ngon ngao, sò, ốc, hến nữa… Ngay giữa phố phường Sài Gòn có đầy. Ơ! Sao anh kia lại “treo bảng”nghêu, sò… Cà Na nhỉ? Hỏi, anh ta trả lời: Con ở tận Cà Mau lên, không biết chữ, biết xứ Cà Na, Cà Ná là ở chỗ nào. Mỗi ngày, ông chủ nhà cũng là chủ vựa ở quận 12 trao một xe ngao, sò và “lá cờ” đó, đẩy đi cùng khắp phố, bán hết, về, được bao nhiêu tiền phải đưa hết cho chủ, còn mình nhận tiền công 200.000 đồng thôi!
“Cua biển Cà Mau, ăn mau chóng nhớn đây! Mại zdô, mại zdô… bà con ơi!”. Anh chàng người Hải Phòng, chạy con xe 81 nát tanh bành, chở cua đi bán rao mời như thế. Gặp nhau, nói chuyện vài câu, anh bạn kéo anh vào lề đường thẽ thọt những lời ngọt như mía lùi và “vận” thêm vài câu từ bài hát “Thành phố hoa phượng đỏ” vào bài tiếp thị của mình: “Bác biết không? Mấy bác ở Kiên Giang, Cà Mau, miền Tây nhờ ăn mấy con cua này nên đều ra Trung ương làm nhớn cả! Bác mua vài cân ăn đi. Hôm nay bé nhỏ nhưng mai sẽ… nhớn liền đó!”