Tùng gây thiện cảm cho người đối diện bằng vẻ ngoài chín chắn, cách nói chuyện điền đạm. Em cho hay, khi báo đưa tin thủ khoa các trường an ninh, cảnh sát, đồng đội của bố gọi điện chúc mừng, em mới biết mình là thủ khoa khối D, Học viện An ninh Nhân dân. Tin mình sẽ nằm trong số thí sinh đạt điểm cao của trường, nhưng 26,5 điểm (chưa nhân hệ số) và ngôi vị thủ khoa khiến cậu học sinh THPT chuyên Sơn La quá bất ngờ.
Sinh ra trong gia đình có bố mẹ đều công tác trong ngành công an, Tùng ước mơ lớn lên vai mang quân hàm, mặc cảnh phục màu xanh. Hồi bé xíu, em thường đứng trước gương, giơ tay chào điều lệnh như các chiến sĩ. Lớn hơn chút nữa, cậu bé đội mũ kêpi, nhảy chân sáo nắm tay bố từ cơ quan về nhà, miệng líu lo "sau này con sẽ là chiến sĩ công an".
Lê Huy Tùng đỗ cả Học viện An ninh và ĐH Ngoại thương. Ảnh : Hoàng Phương. |
Bố Tùng, trung tá Lê Huy Thắng kể, có lần đơn vị anh tổ chức chương trình văn nghệ, Tùng đang ốm vẫn đòi đi xem bằng được. Về nhà em ốm nặng hơn, mấy ngày sau mới khỏi nhưng hễ có văn nghệ là lại đi vì muốn tận mắt thấy các cô chú công an biểu diễn.
Khi bố chuyển công tác, cậu bé mới bốn tuổi đã cùng mẹ vượt hơn trăm cây số từ Bắc Yên lên thị xã Sơn La thăm. Trời mưa to, cả nhà ôm nhau ở bến xe, đứa con trai khóc ngằn ngặt không chịu để mẹ bế về vì thèm hơi ấm người cha. Sau này khi mẹ đi học y dưới Hà Nội, Tùng lớn lên trong sự bao bọc của ông bà nội. Lúc em lên 10 tuổi, cả gia đình mới chuyển lên thị xã Sơn La.
Tùng chia sẻ, có nhiều đêm bố đi phá án cùng đơn vị, mẹ trực bệnh xá gần sáng mới về, nằm ôm em trai ngủ mà không tài nào chợp mắt vì lo cho bố, thương cho mẹ. Cậu sớm rèn luyện cho mình sự tự lập, bản lĩnh vững vàng, là những phẩm chất người công an nhân dân cần phải có.
Ngoài bố ra, tân thủ khoa còn thần tượng thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn, huyền thoại công an Lý Đại Bàng với những trận đánh lừng danh khiến tội phạm khiếp sợ. Tùng tâm sự, nghe các cô chú kể chuyện vụ án, lúc tận mắt chứng kiến hai đồng đội của bố bị thương trong khi đánh án ma túy tại Sốp Cộp (Sơn La) em càng có động lực quyết tâm thi đỗ Học viện An ninh.
Huy Tùng và thầy Hiệu trưởng trong dịp vinh danh học sinh xuất sắc của THPT chuyên Sơn La. |
Bố mẹ bận công tác liên miên, Tùng tự học là chính. Tân thủ khoa cho rằng, muốn học tốt khối D thì cần phải cân bằng được kiến thức tự nhiên và xã hội. Học tiếng Anh cần nhất là phải luyện nghe, nói nhiều mới có thể giao tiếp tốt. Vì vậy, tranh thủ thời gian rảnh là Tùng lại đạp xe ra suối nước nóng, lên nhà tù Sơn La, nói chuyện với khách nước ngoài để rèn kỹ năng nghe, nói tiếng Anh.
Lê Huy Tùng muốn chứng minh cho nhiều người thấy, học sinh miền núi có khả năng học tốt tiếng Anh dù điều kiện vật chất thiếu thốn. Và Tùng đã khiến nhiều người nể phục khi giành giải nhất học sinh giỏi tỉnh và giải khuyến khích Quốc gia môn tiếng Anh năm 2012. Được tuyển thẳng vào một số đại học có ngành tiếng Anh hoặc Trung cấp An ninh, Tùng vẫn đi thi để khẳng định năng lực bản thân.
Biết Tùng đăng ký hồ sơ thi Học viện An ninh, nhiều người thân đã khuyên em nên chọn các trường khối ngoại giao bởi "thi công an thì chưa chắc phát huy hết được khả năng ngoại ngữ của mình". Nhưng chàng trai phố núi vẫn quyết định đi khám tuyển công an. Để thử sức, Tùng đăng ký thi thêm khối A1 và trúng tuyển ngành Quản trị Kinh doanh của ĐH Ngoại thương Hà Nội.
Tự học 3 - 4 tiếng mỗi ngày, thời gian còn lại Tùng dành chơi thể thao và chăm sóc em trai 5 tuổi. Cậu bé Lê Huy Chiến sắp vào lớp 1 nói sau này nhất định sẽ là công an như bố và anh trai. Những ngày này, Huy Tùng vẫn tích cực tập thể hình, chạy bộ nâng cao sức khỏe để không bỡ ngỡ với những bài học điều lệnh trong trường công an.
Tân thủ khoa rất tâm đắc câu nói của GS Ngô Bảo Châu: "Cách tốt nhất để nuôi dưỡng niềm tin chính là đặt vào nó những mục tiêu ý nghĩa và cụ thể". Tùng cho biết, em sẽ không dừng lại ở thành tích thủ khoa mà phấn đấu trở thành một sĩ quan tình báo giỏi của lực lượng công an.
Theo Hoàng Phương (VNE)