Rút tiền qua thẻ ATM tại TP.HCM - Ảnh: Thanh Đạm
Nhiều ý kiến mà Tuổi Trẻ ghi nhận cho rằng việc doanh nghiệp trả thay phí cho người lao động chỉ nên khuyến khích, do chính các doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn. Hơn nữa, khi sử dụng dịch vụ thanh toán lương qua ngân hàng, các doanh nghiệp đã trả phí.
Ông Mai Đức Chính (phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN):Thu phí nội mạng là bất hợp lý
Quan điểm của đoàn chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động VN là không nên triển khai chủ trương thu phí ATM nội mạng vì không hợp lý. Số tiền phí 1.000-3.000 đồng/lần rút tiền có vẻ không nhiều, nhưng nếu nhân với hàng triệu người lao động sử dụng thẻ ATM thì đây lại là khoản tiền không nhỏ. Bản thân tôi dùng thẻ thì mỗi tháng đã phải chi tiền quản lý tài khoản cho ngân hàng chủ thẻ rồi, bây giờ lại thêm mỗi lần rút tiền lại phải trả phí nữa cũng thấy không hợp lý, chưa nói đến người lao động lương thấp đang phải đối mặt với biết bao khó khăn.
Theo tôi được biết, số doanh nghiệp hỗ trợ phí rút tiền ATM cho công nhân chỉ là số ít, và cũng không hẳn các doanh nghiệp sẽ hỗ trợ 100% khoản phí này cho người lao động. Chúng tôi khuyến khích tất cả doanh nghiệp hỗ trợ người lao động khoản phí này. Còn ở thời điểm hiện tại, Tổng liên đoàn Lao động VN không ủng hộ việc thu phí ATM nội mạng vì không hợp lý.
Ông Nguyễn Văn Khải (phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM):Không nên nhắm người lao động thu phí
Chỉ khuyến khích doanh nghiệp hỗ trợ công nhân
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho rằng các ngân hàng phát hành thẻ chính là đối tượng hưởng lợi nhất từ số dư trong tài khoản. Do đó, muốn thu lợi nhuận thì phải đầu tư chứ không thể bắt người dân nộp phí, nhất là đối với giao dịch rút tiền nội mạng. Còn việc doanh nghiệp hỗ trợ công nhân khoản phí rút tiền ATM, nếu có, chỉ nên khuyến khích chứ nếu tính vào chi phí hợp lý sẽ cần phải bàn kỹ. Lý do là ngân sách sẽ hụt thu đáng kể.
L. Thanh
|
Không chỉ trong thời điểm kinh tế khó khăn hiện nay mà về lâu dài, việc thu phí ATM cũng không hợp lý. Bởi ngân hàng và doanh nghiệp chính là đối tượng được hưởng lợi. Việc thu phí ATM cần có được sự đồng thuận từ phía ngân hàng, chủ doanh nghiệp để hỗ trợ công nhân. Phía liên đoàn sẽ có trách nhiệm đi vận động doanh nghiệp hỗ trợ công nhân nhưng người ta đồng ý hay không, hỗ trợ đến đâu lại là chuyện khác. Trước khi ban hành chính sách gì người ban hành cũng phải nghiên cứu kỹ, nếu không sẽ có những tác dụng phụ. Ví dụ như chuyện thu phí ATM, nếu công nhân đồng loạt lựa chọn nhận lương bằng tiền mặt, lúc đó thiệt cả ngân hàng và doanh nghiệp.
Bà Đặng Thị Phương Dung (phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may VN - Vitas): Ngân hàng cũng tận thu
Tùy theo "sức khỏe", từng doanh nghiệp có thể tính toán hỗ trợ bằng tiền mặt từ 1-2 lần chi phí giao dịch của công nhân. Tuy nhiên theo tôi, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, doanh nghiệp phải chật vật tồn tại như hiện nay, việc "ép" họ nộp phí thay cho người lao động là rất khó. Hơn nữa, số lượng công nhân ngành dệt may đâu phải ít mà rất lớn.
Với khoảng 900 doanh nghiệp hội viên Vitas hiện nay, số lượng công nhân xấp xỉ 1 triệu lao động, trong đó phần lớn các doanh nghiệp có số lượng nhân công trên 1.000 đều chọn cách trả lương qua thẻ ATM. Nếu gánh thêm phí ATM, doanh nghiệp chắc chắn không kham nổi.
Tôi cho rằng ngân hàng cũng giống một số ban ngành khác, đang cố gắng "tận thu" tối đa dưới nhiều hình thức, bất chấp chủ thẻ sử dụng hiện nay phần lớn đều là người lao động làm công ăn lương. Đây là một bất hợp lý cần xem xét.
Không hợp đạo lý
Bạn đọc dohuynhhoa@..., cán bộ một chi nhánh ngân hàng tại một KCX, nơi có hơn 200.000 công nhân sử dụng thẻ ATM, cho rằng nếu thu phí rút tiền ATM nội mạng, ngân hàng sẽ có thêm doanh thu, thu nhập của cán bộ ngân hàng trong đó có bạn đọc này sẽ thêm được một ít.
Tuy nhiên, từng có thời gian trực tiếp phụ trách nghiệp vụ ATM, chứng kiến được bao cảnh khốn khó của những công nhân phải bán sức lao động với giá rẻ mạt mà vẫn thiếu trước hụt sau, bạn đọc này cho rằng "việc thu phí giao dịch ATM cũng như phí quản lý tài khoản đối với công nhân là không hợp đạo lý".
Một bạn đọc khác (piepayboy@...) cho biết chỉ thị (số 20/2007/CT-TTg) về việc trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước nhằm minh bạch hóa mức thu nhập của CNVC, chống tham nhũng, hạn chế sử dụng tiền mặt trong dân chúng. "Nếu bây giờ Ngân hàng Nhà nước cho thu phí thì vô hình trung làm lợi cho các ngân hàng, phá bỏ những ý nghĩa mà chỉ thị 20 mang lại", bạn đọc này nói. Hơn nữa, số tiền người dân gửi ATM không phải là ít, trong khi ngân hàng chỉ trả cho người dân lãi suất vãng lai nhỏ nhoi kia so với lãi suất mà ngân hàng cho các cá nhân hay doanh nghiệp vay cao ngất ngưởng thì nói mở ATM lỗ là không có cơ sở.
Bạn đọc vy.lefood@... cho rằng thanh toán lương qua ngân hàng là một trong những dịch vụ mà ngân hàng thương mại cung cấp cho doanh nghiệp như một tiện ích và doanh nghiệp cũng đã phải trả phí dịch vụ này cho ngân hàng. Thậm chí, khoản phí này không rẻ, chứ chưa nói là miễn phí. Do đó, bạn đọc này cho rằng chính ngân hàng mới là người hưởng lợi nhiều nhất, còn doanh nghiệp chỉ hưởng tiện ích và trả phí như bao đối tượng khác. Trong khi đó, bạn đọc nguyenducchien1979@... là cán bộ viên chức bức xúc cho rằng việc thu phí ATM là bất hợp lý, đổ thêm khó cho người lao động, trong khi việc lĩnh lương qua thẻ ATM gặp rất nhiều phiền hà do dịch vụ kém, số lượng cây ATM ít, nhiều người phải mất 2-3 giờ mới rút được tiền thì việc thu phí là không hợp lý.
(Theo Tuổi Trẻ)