Thủ tướng chủ trì hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư ĐBSCL

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030.

Video: Thủ tướng chủ trì hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư ĐBSCL

Ngày 21-6, tại Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030.

Hội nghị có sự tham dự của các bộ, ngành trung ương, các địa phương vùng ĐBSCL, TP.HCM, các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đối tác phát triển, các chuyên gia và nhà khoa học.

Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn đã Công bố Nghị quyết của Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị và Quyết định phê duyệt quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030.

Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030. Ảnh: CHÂU ANH

ĐBSCL giữ vị thế hết sức quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và trong giao thương với các nước ASEAN, Tiểu vùng sông Mê Kông; là vựa lúa, trung tâm sản xuất thủy sản, trái cây lớn nhất cả nước, đóng góp 31,37% GDP toàn ngành nông nghiệp với hơn 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% lượng trái cây, 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu; đóng vai trò quan trọng đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030.

Tuy nhiên, ĐBSCL phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và đầu tư của nhà nước; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được đầu tư bài bản; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân còn hạn chế; vùng ĐBSCL đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ tác động của biến đổi khí hậu, khai thác sử dụng nước ở thượng nguồn. Cơ sở hạ tầng còn bất cập trước yêu cầu sản xuất quy mô lớn, thiếu hạ tầng logistics phục vụ nông nghiệp; biến động thị trường khó lường với xu thế tiêu dùng xanh đòi hỏi tiêu chuẩn an toàn ngày càng cao.

Vùng ĐBSCL thực sự là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước cần được phát huy cao hơn, tiềm năng, lợi thế to lớn, đáp ứng mục tiêu, yêu cầu phát triển của vùng và cả nước trong thời kỳ mới.

Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn công bố Nghị quyết của Chính phủ ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị và Quyết định phê duyệt quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030.

Nghị quyết số 13–NQ/TW ngày 2-4-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh ở vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tiếp tục mở ra hình dung sâu sắc về diện mạo vùng kinh tế- xã hội ĐBSCL trong tương lai theo hướng phát triển hài hòa, thuận thiên, “toàn diện theo hướng sinh thái, văn minh, bền vững, mang bản sắc sông nước”.

Để thống nhất triển khai Nghị quyết số 13–NQ/TW của Bộ Chính trị, Chính phủ giao Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan, các địa phương vùng ĐBSCL tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng trong nhiều hoạt động triển khai Nghị quyết 13–NQ/TW. Đặc biệt là công tác quy hoạch, điều phối liên kết phát triển vùng và huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng vùng ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu.

1. Công bố Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 287/QĐ-TTg ngày 28-2-2022.

2. Định hướng triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

3. Thống nhất triển khai thực hiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

4. Công bố cam kết tài trợ của nhóm sáu ngân hàng phát triển thống nhất danh mục dự án phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2025 sử dụng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi các nhà tài trợ nước ngoài với mức vốn cam kết vào khoảng 2,2 tỉ USD.

5. Xúc tiến đầu tư, kêu gọi sự quan tâm của các nhà đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp trong nước, quốc tế, các đối tác phát triển trong việc đồng hành cùng Chính phủ triển khai các chương trình, dự án đầu tư có ý nghĩa quan trọng về phát triển vùng, liên kết vùng để thực hiện quy hoạch đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.

6. Quảng bá hình ảnh, vùng đất, văn hóa, con người Vùng thông qua Triển lãm ảnh nghệ thuật Đồng bằng sông Cửu Long - Khát vọng phát triển”.

Thủ tướng cùng các đại biểu cắt băng khai mạc Triển lãm ảnh nghệ thuật Đồng bằng sông Cửu Long - Khát vọng phát triển”.

Các đại biểu tham quan thưởng thức Triển lãm ảnh nghệ thuật Đồng bằng sông Cửu Long - Khát vọng phát triển”

Hội nghị có ý nghĩa quan trọng trong việc thống nhất nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng và liên kết vùng; liên kết vùng phải trở thành tư duy chủ đạo dẫn dắt sự phát triển toàn vùng và từng địa phương trong vùng.

Qua đó, giúp tổ chức thực hiện có hiệu lực, hiệu quả Nghị quyết 13–NQ/TW của Bộ Chính trị và Quy hoạch vùng ĐBSCL đã được phê duyệt; tranh thủ có hiệu quả sự ủng hộ, hợp tác, đồng hành của các bạn bè, đối tác quốc tế, các nhà đầu tư trong và ngoài nước để góp phần thực hiện mục tiêu đưa vùng ĐBSCL đến năm 2050 trở thành trở thành vùng có trình độ phát triển khá so với cả nước; là nơi đáng sống đối với người dân, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách và nhà đầu tư.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới