Thủ tướng: Công tác xây dựng thể chế của ngành Nội vụ thúc đẩy sự phát triển

Sáng 12-1, dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2022 của ngành Nội vụ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng chỉ đạo Hội nghị.

Đổi mới rất nhanh và bám sát thực tiễn…

Người đứng đầu Chính phủ ghi nhận những đóng góp, kết quả đạt được của ngành nội vụ trong năm qua. “Sự lãnh đạo, chỉ đạo của các đồng chí có nhiều đổi mới. Các đồng chí đổi mới rất nhanh và bám sát vào tình hình thực tiễn để đổi mới chứ không ngẫu hứng. Tôi đánh giá rất cao việc này”- Thủ tướng nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: NHẬT BẮC

Ông cũng ghi nhận những kết quả ngành Nội vụ đạt được trong công tác xây dựng thể chế, làm tốt tham mưu cho công tác bầu cử. Đặc biệt, Bộ Nội vụ tham gia, làm tốt việc sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy, phân cấp, phân quyền. “Cái này rất quan trọng”- Thủ tướng nói và đánh giá chúng ta đang quá tập quyền ở Trung ương.

“Vừa rồi chống dịch, chúng ta thấy rất rõ. Cơn bão này lớn quá nên cũng là bài test cơ bản, bộc lộ hết những yếu kém của chúng ta, của hệ thống chính trị, nhất là của hệ thống chính trị cơ sở. Khi không coi trọng phân cấp, phân quyền xuống dưới, không coi trọng cơ sở, nếu bình thường thì không sao nhưng có khủng hoảng là bộc lộ ra ngay, là quá tải, là sụp đổ”- Thủ tướng nói thêm.

Ông lấy dẫn chứng từ hai TP lớn nhất nước là Hà Nội và TP.HCM, bình thường không ai đến trạm xá, ốm là đến bệnh viện ngay. Khi dịch bệnh xảy ra, tất cả đều đến bệnh viện dẫn đến quá tải, dẫn đến bệnh nặng và tử vong cao.

“Tôi đánh giá cao Bộ Nội vụ, các đồng chí bắt tay ngay vào phân cấp, phân quyền, tổ chức Hội nghị do Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh chủ trì”- Thủ tướng đánh giá.

Thủ tướng cũng khen ngợi ngành Nội vụ đã làm tốt và đang tiếp tục thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy. Năm 2017, hai năm sau khi có Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội nghũ cán bộ công chức, viên chức, biên chế vẫn tăng. Năm 2021, cả nước đã giảm 10,01% biên chế công chức, giảm 11,67% viên chức. “Đây là cố gắng của Bộ Nội vụ trong những năm qua và nhất là 2021 này, các đồng chí làm tốt”- Thủ tướng nói.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng đánh giá việc quản lý, sử dụng công chức, viên chức có nhiều chuyển biến tích cực. Việc Bộ Nội vụ đề xuất cắt giảm chứng chỉ ngoại ngữ, tin học… được nhiều người hoan nghênh. 

“Phong trào học ngoại ngữ là rất tốt, tin học là rất tốt… nhưng lại máy móc ở chỗ đáng lý khu vực dân tộc phải học tiếng dân tộc để lăn lộn hiểu bà con thì lại yêu cầu cần có chứng chỉ tiếng Anh. Mà tôi đọc hồ sơ, anh nào cũng biết tiếng Anh cả, nhưng người ta hỏi “Anh khoẻ không” lại trả lời “Tôi ở chỗ này”… Nói tóm lại là hình thức”- vẫn lời Thủ tướng.

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cho rằng công tác của ngành trong năm qua vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể, công tác xây dựng thể chế đã cố gắng nhưng so với thực tiễn vẫn còn lạc hậu, nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra phải làm nhanh hơn nữa. Bộ máy bên trong của các bộ, ngành còn cồng kềnh.

“Bộ Công an có những tổng cục hình thành 35 năm, vậy mà người ta còn cắt một lúc 8 tổng cục và đến bây giờ nhiệm vụ chính trị vẫn hoàn thành. Nên vấn đề là khâu quyết tâm, anh có làm không?”- ông nói.

Cũng theo Thủ tướng, một bộ phận cán bộ công chức chưa đủ tầm, trật tự kỷ cương hành chính có nhiều nơi chưa. Đặc biệt, quản lý nhà nước chưa được thực hiện đúng “tầm” của quản lý nhà nước.

“Bộ máy chúng ta vẫn là giải quyết các sự vụ nhiều hơn. Quản lý nhà nước là làm chiến lược, làm quy hoạch, làm thể chế, cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chế, quy trình, thanh tra, kiểm tra, giám sát….”-  Thủ tướng nhấn mạnh.

“Đụng đến cán bộ tức là con người, rất nhạy cảm

Liên quan đến nhiệm vụ năm 2022, Thủ tướng lưu ý chức năng của Bộ Nội vụ rất quan trọng và rất nhạy cảm. “Đụng đến bộ máy, đụng con người, nói thật với các đồng chí là khó khăn nhất. Bộ máy phình ra còn có chỗ sắp xếp vui vẻ hết tất cả, nhưng bộ máy hẹp lại là cả một vấn đề, phải (làm công tác) tư tưởng, động viên”- Thủ tướng nói.

Thủ tướng dẫn chứng việc sáp nhập Hà Nội, Hà Tây rất khó, nếu không có quyết tâm chính trị không làm được.. Đến khi làm rồi thì đánh giá đều tốt.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị triển khai công tác năm 2022 ngành Nội vụ. Ảnh: NHẬT BẮC

Theo người đứng đầu Chính phủ, đụng đến cán bộ tức là con người, rất nhạy cảm. Đụng đến lợi ích, tăng lên ai cũng thích cả nhưng giảm đi thì ai cũng tâm tư. Đại hội Đảng xác định rõ con người là trung tâm, là chủ thể, là động lục, là mục tiêu của phát triển.

“Bộ cần bám sát để có cách xử lý. Cách tốt nhất là xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình, cách làm, cứ áp vào chúng ta làm”- Thủ tướng nói và cho rằng nếu không xây dựng được những điều này, không phát huy được khách quan, công tâm, dân chủ, công bằng thì rất khó làm.

Nhắc tới nhiệm vụ chung là phải kiểm soát dịch bệnh với biến chủng Omicron lan rất nhanh, Thủ tướng lưu ý Bộ Nội vụ phải lo toan bố trí con người, công việc, bộ máy sao cho phù hợp tình hình. Bộ máy và con người phải hết sức linh hoạt và phù hợp trong từng hoàn cảnh. Muốn vậy, cán bộ phải có nền tảng, có nghiên cứu cơ bản, có tư duy, phương pháp luận rất tốt.

Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề xây dựng thể chế. “Vẫn phải thể chế, thể chế và thể chế. Việc này tôi chỉ đạo nhiều lần, năm nay Chính phủ cũng ưu tiên cho vấn đề thể chế”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông yêu cầu Bộ Nội vụ khi xây dựng thể chế trong ngành phải làm sao không cản trở mà phục vụ cho sự phát triển, phù hợp tình hình thực tế. Phải lấy mục tiêu lợi ích quốc gia, dân tộc, của nhân dân làm ưu tiên hàng đầu, còn cứ lấn cấn lợi ích cục bộ thì không làm được.

“Đầu tư cho thể chế là đầu tư cho phát triển, phải bố trí cán bộ giỏi, bố trí cơ sở vật chất, tài chính ở đây”- ông nói tiếp đồng thời lưu ý thể chế phải tập trung cho quản lý nhà nước, bao gồm xây dựng chiến lược, quy hoạch, thể chế, cơ chế chính sách; xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn, quy trình, kiểm tra giám sát…

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Bộ hoàn thiện cơ chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức; tiêu chí, tiêu chuẩn, vị trí việc làm. “Tôi theo đuổi vấn đề này từ năm 2013 đến nay và thật sự thấy khó, vừa làm vừa rút kinh nghiệm thôi. Nhiều cơ quan bây giờ có bao nhiêu người xây dựng bấy nhiêu vị trí thì không phải”- Thủ tướng lưu ý và cho rằng có những vị trí hàng trăm người, ngược lại hai, ba vị trí việc làm có thể dùng một người.

Thủ tướng lưu ý vấn đề thu hút nhân tài và thi tuyển cán bộ rất quan trọng. Ông cũng đề nghị các Bộ trưởng quyết tâm thực hiện sắp xếp bộ máy bên trong các bộ, ngành. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu dứt khoát phải sắp xếp tổng cục. Vừa rồi tổng kết, tổng cục, cục tăng lên rất nhiều, trừ Bộ Công an giải tán các tổng cục thì các bộ ngành khác thành lập thêm một số tổng cục.

Về công tác xây dựng Đảng, Thủ tướng yêu cầu thấm nhuần 5 nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ rất quan trọng trong công tác cán bộ, tổ chức bộ máy.

“Phải chống tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt là không có chạy chọt trong công tác cán bộ, bộ máy… Dựa trên tình hình, từ tình hình ra nhiệm vụ, từ nhiệm vụ ra bộ máy, từ bộ máy ra con người chứ không phải “anh giữ lại cho em chỗ này, nó quan trọng”- vẫn lời Thủ tướng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới