Sau cuộc hội đàm trực tuyến với các lãnh đạo Mỹ, EU (Liên minh châu Âu) và nhóm G7, Thủ tướng Olaf Scholz hôm 19-4 cho biết chính phủ Berlin sẽ trả tiền cho các công ty công nghiệp quốc phòng của Đức để sản xuất vũ khí cho Ukraine.
Thủ tướng Đức nói thêm rằng hiện lực lượng quân đội nước này không còn vũ khí nào để hỗ trợ Kiev từ kho dự trữ của riêng mình và sẽ cần một chương trình tái vũ trang quy mô lớn, đài RT đưa tin.
“Ban đầu chúng tôi cung cấp vũ khí cho Ukraine từ kho dự trữ của mình. Hiện tại chúng tôi nhận thấy khả năng của chúng tôi đã đạt đến giới hạn” - ông Scholz nói.
“Do đó, chúng tôi đang tạo ra một quỹ đặc biệt để quân đội của chúng tôi, sau nhiều năm tiết kiệm, cuối cùng sẽ được trang bị đầy đủ. Chúng tôi đang đầu tư trên quy mô lớn vào khả năng của lực lượng quốc phòng của chúng tôi” - ông cho hay.
|
Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: RT |
Thủ tướng Đức cho biết để tiếp tục trang bị vũ khí cho Kiev, Berlin cũng sẽ hỗ trợ chi phí cho phép Ukraine mua vũ khí mà họ cần từ các nhà sản xuất quân sự của Đức và phương Tây, chẳng hạn như pháo và các loại vũ khí hạng nặng khác.
“Chúng tôi sẽ cung cấp số tiền cần thiết để hỗ trợ Ukraine mua hàng. Mục tiêu chung của chúng tôi là tiếp tục trang bị vũ khí cho quân đội Ukraine để họ có thể tiếp tục tự vệ trước cuộc tấn công của Nga” - ông Scholz nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng Đức, sau cuộc điện đàm với lãnh đạo các nước, chính quyền Berlin hoàn toàn đồng ý với các đồng minh EU và NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương) rằng không nên để Nga chiến thắng trong cuộc xung đột này.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine vào ngày 24-2, chính quyền Kiev đã nhiều lần kêu gọi phương Tây cung cấp thiết bị vũ khí hạng nặng và đạn dược để giúp nước này chống lại cuộc tấn công của Moscow.
Hôm 13-4, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố bổ sung thêm gói viện trợ quân sự trị giá 800 triệu USD cho Ukraine, nâng tổng số tiền viện trợ quân sự mà Washington dành cho Kiev lên hơn 2,5 tỉ USD.
Berlin đang cố gắng đi theo sự dẫn dắt của Washington, trong bối cảnh lo ngại bị coi là một bên trong cuộc xung đột. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết Berlin có trách nhiệm “không để mình trở thành mục tiêu” của Nga, và điều này có thể xảy ra nếu nước này gửi xe tăng hoặc máy bay chiến đấu đến Ukraine.
Hôm 17-4, cựu Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel nhận định Đức chỉ có thể cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine khi “phối hợp với Mỹ”. Ông kêu gọi Berlin cẩn thận để không vượt qua ranh giới “tham gia quá tích cực” vào cuộc chiến với Nga.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tư pháp Đức Marco Buschmann lại lập luận rằng việc cung cấp vũ khí “phòng thủ” cho Kiev là một việc bình thường vì họ chỉ đang giúp Ukraine tự vệ trước cuộc tấn công của Nga.