“…Tệ nạn xã hội tiếp tục xâm nhập vào gia đình, đặc biệt gần đây xảy ra nhiều vụ bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em gây lo lắng, bức xúc trong dư luận xã hội” - chỉ thị nêu rõ lý do phải đẩy mạnh truyền thông giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình trong thời gian tới.
Không phải vô lý mà vào thời điểm này Thủ tướng ra Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29-3-2017 để đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Đây là một hướng đi đúng tuy không sớm của Chính phủ, để thành công cần sự chung tay của toàn xã hội.
Vẫn lo lắng dù có 19 triệu gia đình văn hóa
Những vụ án rúng động dư luận trong thời gian gần đây về xâm hại trẻ em, giết bạn chặt xác… cho thấy sự rạn nứt đáng báo động trong nền tảng nhân cách con người.
Gia đình là cái nôi nuôi dưỡng, môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách của con người. Không thể có xã hội tốt nếu từng gia đình không tốt và ngược lại.
Một đứa trẻ hay bị la mắng, đánh đập sẽ có xu hướng sử dụng bạo lực; nhìn người lớn dán mắt vào smartphone chúng cũng sẽ không thèm vận động; không được học hành sẽ không biết lợi ích của tri thức; bị bỏ mặc về cảm xúc, chúng cũng sẽ dành sự lạnh lùng cho người khác.
Số liệu năm 2015 cho thấy cả nước có 19 triệu gia đình văn hóa trên tổng số khoảng 22 triệu gia đình, đạt 85,03%. Dù tỉ lệ rất cao và năm sau luôn cao hơn năm trước nhưng thực tế vẫn còn quá nhiều vấn đề về văn hóa trong gia đình xuống cấp. Đơn cử mỗi năm vẫn có hàng chục ngàn vụ bạo lực gia đình được ghi nhận, gần đây nhất là rộ lên tình trạng xâm hại trẻ em.
Với những gia đình nghèo như thế này, cả đời không biết đến tivi, báo chí nên việc truyền thông phòng, chống xâm hại tình dục cần đến bàn tay của chính quyền. Trong ảnh: Căn nhà bé gái 11 tuổi bị cha và ông nội xâm hại ở Vĩnh Long. Ảnh: TH
Đừng chung chung giáo điều vô ích
Chỉ thị của Thủ tướng có sự phân công rõ ràng cho từng đơn vị. Tuy nhiên, để tránh kiểu tuyên truyền hình thức, chạy theo số lượng, từng bộ, ngành, cơ sở cần đặt ra mục tiêu riêng, có định lượng cụ thể.
Không cần ôm đồm, một quý hay một năm, chỉ cần một chủ đề nhưng đánh mạnh, đánh sâu là đủ. Chẳng hạn như năm nay huyện A chỉ cần đặt mục tiêu làm sao cho mọi người dân đều hiểu biết và có kỹ năng về phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em thì đó đã là thành công.
Hiện trạng bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em xảy ra nhiều ở nông thôn vì đây là “điểm mù” của báo chí, truyền thông. Thế nào là bạo lực gia đình, phòng tránh xâm hại cho trẻ từ khi còn nhỏ, bất kể bé trai hay gái đều phải được tôn trọng, giữ khoảng cách an toàn ngay cả với người thân. Người lớn cần để mắt đến con trẻ để tránh nạn xâm hại tình dục như thế nào… Tin chắc những nội dung này vẫn còn là xa lạ với nhiều người dân những nơi ấy vì dù báo chí, truyền thông có nhắc mỗi ngày vẫn không đến được với họ.
Khoảng trống đó cần bàn tay của chính quyền, người phụ trách ở từng cụm dân cư để tuyên truyền tài liệu đến từng người dân, hướng dẫn, hỗ trợ ngay khi cần.
Kết thúc chương trình không phải là báo cáo phát được bao nhiêu bộ tài liệu, tổ chức được bao nhiêu buổi vận động… mà là địa bàn đã giảm về tình trạng xâm hại trẻ em và bạo lực gia đình ra sao; gia đình không có cờ bạc, đề đóm…; người lớn có việc làm, trẻ nhỏ được đi học. Cung cấp kiến thức cho dân cần đa dạng dưới nhiều hình thức như phát tài liệu, tổ chức phiên tòa giả định, hội thi, diễn kịch, chiếu phim…
Mỗi địa phương, sở ngành, tổ chức, cá nhân sẽ có cách riêng của mình, chỉ cần đi từ bản chất câu chuyện những điều còn đang khuyết để hành động có trách nhiệm thì sẽ tạo nên sự chuyển biến đồng bộ trong toàn xã hội.
Bộ VH-TT&DL xây dựng, triển khai trong năm 2017 bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình. Bộ Công an, các bộ, ngành liên quan tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới gia đình, xâm hại quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, đặc biệt là người già, phụ nữ và trẻ em. Các cơ quan báo chí xây dựng chuyên trang, chuyên mục về giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; bố trí thời gian đưa tin, phát sóng lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức, lối sống gia đình trong các kênh quảng bá để thu hút sự quan tâm, theo dõi của đông đảo quần chúng nhân dân… (Trích Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29-3-2017 về đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình) |