Theo ThS Lê Minh Công - Phó Trưởng khoa Tâm lý học, Trường ĐH KKHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM, rất khó để đánh giá được thực trạng của việc phạm tội ở học sinh khi chưa có một nghiên cứu cụ thể.
“Chúng tôi đang triển khai nghiên cứu về hành vi vi phạm pháp luật ở học sinh, nhưng chưa có kết quả nghiên cứu nên không thể đánh giá chính xác về con số hay các dữ liệu. Về cảm tính, chúng tôi cho rằng có khả năng cao ở việc học sinh vi phạm pháp luật gia tăng, tuy nhiên gia tăng ở mức các vi phạm dân sự chứ chưa hẳn ở mức hình sự. Điều này cho thấy không nên sử dụng "phạm tội ở lứa tuổi học sinh", nên sử dụng thuật ngữ vi phạm pháp luật thì chính xác hơn” - ThS Lê Minh Công nói.
Một băng nhóm thanh thiếu niên gây rối trật tự công cộng bị Công an TP Biên Hòa triệu tập. Ảnh: CTV
Theo ThS Lê Minh Công, sự gia tăng này có hai vấn đề: một là có thể có sự gia tăng thực sự; hai là truyền thông cập nhật thông tin nên chúng ta cập nhật thường xuyên các trường hợp vi phạm pháp luật.
ThS Công cho biết có khá nhiều nguyên nhân và cần phải tiếp cận hệ thống về vấn đề này:
1) Đầu tiên phải nói đến các yếu tố nguy cơ từ gia đình, nhất là văn hóa gia đình, lối sống và việc giáo dục không tích cực (như bạo hành, thiếu quan tâm chia sẻ) dẫn tới những vấn đề này;
2) Vấn đề từ bối cảnh trường học, nhất là ở lứa tuổi học sinh, các em thường bị ảnh hưởng bởi bạn đồng lứa, nhiều khi vi phạm pháp luật do các bạn cùng lớp rủ rê, hay do những mâu thuẫn, bất đồng với bạn bè;
3) Yếu tố rất quan trọng trong xã hội hiện đại chính là môi trường xã hội mà Internet và truyền thông chiếm phần nhiều. Phim bạo lực, phim khiêu dâm, trò chơi bạo lực, hình ảnh bạo lực,... tác động rất lớn đến các em.
"Nhưng theo tôi, quan trọng nhất chính là việc học sinh hiện nay đang rất mâu thuẫn về định hướng giá trị bản thân. Các em được cha mẹ dạy dỗ và kiểm soát bằng các giá trị cũ, nhưng các em lại thường xuyên tiếp cận các giá trị mới (phương Tây) qua phim ảnh, Internet, làm cho các em không ổn định nội tâm, khó kiểm soát hành động xã hội. Ngoài ra, ở lứa tuổi các em, sự phát triển "cái tôi" đòi hỏi các em đang định hình nhân cách, phát triển bản thân. Việc có hành động tiêu cực như một cách các em "nổi loạn", khẳng định bản thân trước người lớn. Đây là yếu tố phát triển tâm - sinh lý mà nhiều nhà tâm lý hay giáo dục thường nói" - ThS Công nói.
Từ phân tích trên, ThS Lê Minh Công nhận định rất khó để nói hết hệ thống giải pháp nhưng theo ThS Công, trước tiên phải từ gia đình.
"Bố mẹ nên đồng hành để con phát triển hơn là áp đặt, hơn thế nên tạo ra một môi trường sống trong gia đình lành mạnh, yêu thương, chia sẻ, không bạo lực. Chúng ta không thể nào áp đặt lên con cái khi cách đánh giá về xã hội của chúng ta không còn phù hợp, hãy để trẻ phát triển lành mạnh nhất theo bản thân chúng chứ không phải vì cha mẹ, cho cha mẹ. Ngoài ra, nhà trường nên tạo cho trẻ một sự tích cực nhất trong định hướng các giá trị theo đuổi, nhất là môi trường giáo dục, lý tưởng sống và các phương pháp bất bạo động. Điều này sẽ giúp trẻ xây dựng tính cách và con người ôn hòa. Hãy hướng đến giáo dục toàn diện nhân cách hơn là chỉ tập trung vào thành tích và giáo dục kiến thức. Hãy cho trẻ một nội lực và tâm hồn lành mạnh, trẻ sẽ tự biết con đường nào đúng-sai để lựa chọn" - ThS Công nói.