|
Video: Lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập tỉnh Gia Lai |
Tối 21-5, tại quảng trường Đại Đoàn Kết (TP Pleiku), tỉnh Gia Lai tổ chức lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập tỉnh (24-5-1932 – 24-5-2022) và công bố, đón nhận bằng di sản thiên nhiên thế giới cùng hai di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu cấp quốc gia.Tham dự buổi lễ có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Gia Lai và đông đảo quần chúng nhân dân.
|
Quang cảnh lễ kỷ niệm 90 năm thành lập tỉnh Gia Lai. Ảnh: NG. |
Tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, ông Hồ Văn Niên đã ôn lại truyền thống 90 năm xây dựng và phát triển.
Theo đó, ngày 24-5-1932, tỉnh Pleiku được thành lập (gồm đại lý Pleiku và đại lý Cheo Reo) theo nghị định của Toàn quyền Đông Dương. Địa danh Gia Lai chính thức xuất hiện từ cuối năm 1932 với việc Vua Bảo Đại ra Chỉ dụ lập đạo Gia Lai. Năm 1975, hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum được hợp nhất thành tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Đến năm 1991, Gia Lai chia tách thành tỉnh riêng. Đến nay, đã có 17 huyện, thị xã, thành phố, dân số hơn 1,55 triệu người với 44 dân tộc.
Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng đã mang lại luồng sinh khí mới, Gia Lai có bước chuyển mình mạnh mẽ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP năm 2021 tăng 9,71%. Tỉ lệ hộ nghèo từ 19,71% năm 2015 giảm xuống 3,96% năm 2021. Giai đoạn 2016-2020, tổng thu ngân sách đạt 21.598 tỉ đồng, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 580 triệu USD.
|
Thủ tướng Chính phủ chúc mừng Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Gia Lai nhân dịp lễ kỹ niệm 90 năm thành lập tỉnh. Ảnh: NG. |
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng, biểu dương Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Gia Lai đã kiên trì phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu rất đáng trân trọng, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.
“Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, nhiều tên đất, tên người Gia Lai đã đi vào lịch sử như chiến thắng Đắk Pơ, trận đánh Cầu Suối Vối, Cầu Rộc Dứa...; những người con anh hùng như Đinh Núp, A Sanh, Kpă Klơng, Thanh Minh Tám, Rơ Chăm Ớt... Sau khi miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Gia Lai đã không ngừng nỗ lực vượt khó, từng bước hồi sinh, phát triển mạnh mẽ”, Thủ tướng điểm lại dấu ấn một thời vẻ vang của Gia Lai.
Đồng thời, Thủ tướng đề nghị tỉnh Gia Lai lưu ý một số nội dung trọng tâm: Tiếp tục gìn giữ, củng cố và vun đắp cho khối đoàn kết dân tộc theo lời dạy của Bác; hoàn thiện bộ máy chính quyền tinh gọn, hiệu quả, vì dân, gần dân; quy hoạch theo hướng phát triển bền vững; cần quan tâm phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của các tầng lớp nhân dân.
Đặc biệt, tỉnh Gia Lai cần củng cố quốc phòng - an ninh, đối ngoại là nhiệm vụ thường xuyên, trọng yếu; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch trong tình hình mới.
|
Ông Christian Manhart, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam công bố và trao quyết định công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng cho tỉnh Gia Lai. |
Nhân dịp này, ông Christian Manhart, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam công bố và trao quyết định công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng cho tỉnh Gia Lai. Đồng thời, Bộ VH-TT&DL công bố Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt và di tích khảo cổ Rộc Tưng – Gò Đá là di tích quốc gia.
|
Lãnh đạo tỉnh Gia Lai đón nhận xếp hạng Quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo là di tích quốc gia đặc biệt. |