Thủ tướng Lebanon về nước sau gần 1 tháng ‘lưu lạc’

Khuya 21-11, Thủ tướng Lebanon Saad al-Hariri đặt chân về lại thủ đô Beirut sau 18 ngày vắng mặt và khiến Lebanon rơi vào khủng hoảng với tuyên bố từ chức từ Saudi Arabia.

Vừa đặt chân xuống sân bay Beirut, ông Hariri đã lên đường đến quảng trường Martyr ở trung tâm Beirut thăm mộ cha mình, cố Thủ tướng Lebanon Rafik al-Hariri, đã bị ám sát năm 2005. Liên Hiệp Quôc cáo buộc Hezbollah chủ mưu vụ này. Sự kiện cha bị ám sát là lý do đưa ông Hariri vào chính trường Lebanon và ông được xem là biểu tượng hòa giải của nước này khi chấp nhận bỏ qua mâu thuẫn với Hezbollah cùng liên minh điều hành chính phủ.

Thủ tướng Lebanon Saad al-Hariri(giữa) đặt chân xuống sân bay Beirut khuya 21-11. Ảnh: REUTERS

Khi được hỏi ông có thông điệp gì gửi đến người dân Lebanon - đã có nhiều hoạt động thuyết phục và cổ vũ ông quay về, ông Hariri chỉ nói đơn giản: “Xin cám ơn!”. Dự kiến ông Hariri sẽ tham gia vào lễ độc lập của Lebanon ngày 22-11.

Thủ tướng Hariri cùng gia đình sang Saudi Arabia từ ngày 3-11. Ngay sau đó, ông bất ngờ lên truyền hình Saudi Arabia tuyên bố từ chức thủ tướng Lebanon vì sợ bị ám sát. Ông cáo buộc nhóm vũ trang Hezbollah - có chân trong liên minh cầm quyền - thao túng quyền lực trong chính phủ Lebanon và câu kết với Iran gây bất ổn khu vực.

Tám ngày sau đó, ông Hariri một lần nữa lên truyền hình báo sẽ về nước từ chức đúng hiến pháp, tuy nhiên cũng thòng khả năng sẽ rút lại tuyên bố này nếu Hezbollah thôi can thiệp vào các cuộc xung đột trong khu vực. Trước khi về nước, ông Hariri đã sang Pháp và Ai Cập trong nỗ lực tìm cách giải quyết khủng hoảng.

Ông Hariri là đồng minh Sunni của Saudi Arabia. Dù ông Hariri khẳng định mình tự do ở lại Saudi Arabia và tự nguyện từ chức nhưng chính phủ Lebanon và Hezbollah cáo buộc Saudi Arabia cưỡng ép giữ người. Saudi Arabia cáo buộc toàn bộ chính phủ Lebanon - không chỉ Hezbollah tuyên bố chiến tranh với mình.

Thủ tướng Lebanon Saad al-Hariri thăm mộ phần cha mình ngay khi trở về Beirut tối 21-11. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Lebanon Michel Aoun, đồng minh Shiite của Hezbollah, tuyên bố không chấp nhận đơn từ chức đến khi nào ông Hariri về nước. Lãnh đạo Hezbollah Sayyed Hassan Nasrallah cũng kêu gọi ông Hariri quay về, rằng nhóm này sẵn sàng đối thoại.

Từ khi ông Hariri ra đi, Ngoại trưởng Lebanon Gebran Bassil đã rất bận rộn công du đến hàng loạt nước châu Âu kêu gọi can thiệp để ông Hariri quay về. Và Pháp đã can thiệp. Theo lời mời của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ngày 18-11 ông Hariri cùng gia đình sang Paris, trước khi sang Ai Cập và đảo Cyprus ngày 21-11.

Trong cuộc gặp với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi trước khi về nước, ông Hariri nói sẽ thông báo “giải pháp chính trị” một khi ông về lại Lebanon. Chưa rõ ông vẫn sẽ từ chức hay rút lại tuyên bố này.

Nếu ông Hariri vẫn quyết định từ chức, Tổng thống Aoun sẽ tham vấn các nghị sĩ để chọn ra thủ tướng mới. Tổng thống Aoun có quyền đề cử ứng viên. Và các nguồn tin chính trị cho rằng ông Hariri sẽ một lần nữa được đề cử vào vị trí thủ tướng.

Thủ tướng Lebanon Saad al-Hariri (giữa) được Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) tiếp đón trong chuyến thăm Nhà Trắng ngày 25-7. Ảnh: GETTY IMAGES

Các nước phương Tây trong đó có Mỹ tuyên bố ủng hộ sự ổn định của Lebanon - nước đang nhận tới 1,5 triệu người tị nạn Syria, tương đương 1/4 dân số.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới