Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không nhân nhượng về chủ quyền

Ngày 21-10, khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội năm 2019 và kế hoạch năm 2020.

Độc lập, chủ quyền: Không nhân nhượng

Thủ tướng thông tin: Từ đầu năm đến nay, tình hình quốc tế diễn biến phức tạp và có nhiều yếu tố không thuận lợi. Cụ thể là tình hình biển Đông gần đây, trong đó có việc vi phạm nghiêm trọng các vùng biển của Việt Nam được xác định theo luật pháp quốc tế, trái với Tuyên bố DOC và các thỏa thuận cấp cao.

“Đảng và Nhà nước ta nhất quán chủ trương những gì thuộc về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ chúng ta không bao giờ nhân nhượng, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước” - Thủ tướng cho hay và khẳng định chúng ta đã, đang và tiếp tục kiên quyết, kiên trì đấu tranh bằng nhiều biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 và đấu tranh trên thực địa, đồng thời gìn giữ môi trường hòa bình và quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước.

“Chủ trương đúng đắn, lập trường chính nghĩa và các nỗ lực của Đảng, Nhà nước ta đã nhận được sự đồng tình, chung sức của nhân dân cả nước và sự ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng thông tin: Chúng ta sẽ hoàn thành toàn diện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019. Đây là năm thứ hai liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó năm chỉ tiêu vượt kế hoạch.

Đáng chú ý, tăng trưởng kinh tế vượt mục tiêu đề ra, lạm phát được kiểm soát tốt; đời sống của nhân dân trên mọi miền đất nước đều chuyển biến rõ nét; thế và lực của ta không ngừng được củng cố; uy tín quốc tế được nâng lên.

 “Sau 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cơ đồ đất nước ta chưa bao giờ có được như ngày hôm nay - như lời đồng chí Tổng bí thư, Chủ tịch nước. Từ đó góp phần quan trọng tạo sự phấn khởi, củng cố niềm tin của các tầng lớp nhân dân trong toàn xã hội và cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước, quốc tế” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng phát biểu trước Quốc hội sáng 21-10. Ảnh: TTXVN

Quan chức còn quan liêu

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý bên cạnh kết quả đạt được, đất nước ta vẫn còn những hạn chế, yếu kém và tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có những yếu tố ngắn hạn và cũng có những vấn đề trung và dài hạn cần tập trung xử lý hiệu quả trong thời gian tới.

Đáng chú ý, theo Thủ tướng, việc bảo vệ chủ quyền biển đảo gặp nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế vĩ mô ổn định nhưng một số yếu tố chưa thực sự vững chắc. Tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Việc xử lý nợ xấu, cơ cấu lại các ngân hàng thương mại yếu kém còn gặp nhiều khó khăn...

Cạnh đó, khiếu kiện về đất đai tuy đã giảm nhưng vẫn còn bức xúc ở một số địa phương.

6,8% là tốc độ tăng GDP ước đạt cả năm nay. Mức tăng trưởng này thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới. Năng suất lao động tăng 5,9%. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dưới 3%, thấp hơn mục tiêu đề ra. Tổng thu ngân sách nhà nước vượt 3,3% dự toán; bội chi ngân sách nhà nước khoảng 3,4% GDP; nợ công giảm còn 56,1% GDP (năm 2016 là 64,6% GDP)... 

Tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn diễn biến phức tạp, nhất là tại các đô thị, khu công nghiệp, làng nghề, lưu vực một số sông…

Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng thẳng thắn thừa nhận những hạn chế, tồn tại có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. “Một số bộ, ngành, địa phương còn thiếu tinh thần quyết tâm, chưa đổi mới, dám nghĩ dám làm, chưa thực sự quyết liệt hành động” - Thủ tướng nêu rõ.

Cạnh đó, một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn quan liêu, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, chưa làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao. Kỷ luật, kỷ cương nhiều nơi còn buông lỏng dẫn đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thực thi chính sách, pháp luật còn hạn chế.

“Xuất hiện tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, trì trệ trong giải quyết công việc sau quá trình thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm ở không ít cơ quan, đơn vị” - Thủ tướng nói.

Trong thời gian còn lại của năm 2019, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành không được chủ quan, cần có những biện pháp cụ thể, khắc phục cho được những tồn tại, hạn chế, yếu kém. Đồng thời tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra; theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, khu vực và trong nước để có đối sách phù hợp, kịp thời…

11 tỉnh không dùng hết tiền BHYT

Chính phủ vừa có tờ trình gửi tới kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV báo cáo xin ý kiến về việc sử dụng 20% kinh phí kết dư quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (KCB BHYT) năm 2015.

Theo đó, Chính phủ đề xuất cho phép 11 tỉnh, thành phố (Hà Nội, Bình Dương, Cao Bằng, Đồng Nai, Lai Châu, Lạng Sơn, Long An, Quảng Ngãi…) được kéo dài thời gian thanh toán các khoản mua trang thiết bị y tế, phương tiện vận chuyển người bệnh từ nguồn 20% kinh phí kết dư quỹ KCB BHYT năm 2015 đến hết ngày 30-6-2020, tổng số tiền là 518.389 triệu đồng.

Liên quan đến đề xuất này, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng về nguyên tắc, sau 12 tháng các địa phương không sử dụng hết sẽ phải chuyển về quỹ dự phòng của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Tuy nhiên, năm 2017 là năm đầu tiên được sử dụng khoản kết dư này nên các địa phương chưa bắt nhịp với quy định mới, dẫn đến có 11 địa phương chưa hoàn tất việc thanh toán đúng thời hạn.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng đề nghị giao Chính phủ tổ chức thực hiện và phê bình nghiêm túc 11 địa phương về ý thức chấp hành pháp luật trong việc sử dụng 20% nguồn kinh phí kết dư trên.

VIẾT LONG 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới