Thủ tướng: Tháo gỡ mọi rào cản cho doanh nghiệp

Sáng 29-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp gỡ với cộng đồng doanh nghiệp (DN). Ông đề nghị các DN thẳng thắn chia sẻ khó khăn, vướng mắc và đề xuất kiến nghị giải pháp cụ thể nhằm cùng tháo gỡ rào cản để phát triển.

Chới với vì quy định bất hợp lý

Đang yên đang lành lại thay đổi quy định bất hợp lý làm DN chới với. Bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), dẫn chứng quy định về sữa nước đã được thực hiện yên ổn từ hơn bốn năm qua. Công ty đã thiết kế bao bì, đã xuất khẩu ra nước ngoài ổn định. Thế nhưng nay lại đổi quy định mới về sữa nước, vừa không cần thiết vừa làm khó khăn cho DN.

Bà Liên cũng dẫn chứng quy định về xử lý nước tiểu của bò, phân bò cho ra nước thải đạt chuẩn B. Vinamilk xem nguồn nước tiểu và phân bò là nguồn phân bón rất tốt cho đồng cỏ nhưng bây giờ lại phải bỏ đi, phải xử lý cho ra nước thải đạt chuẩn. Thật khó khăn và lãng phí.

Từ đó bà Mai Kiều Liên kiến nghị: “Nên coi DN là đối tượng phục vụ chứ đừng coi DN là đối tượng để quản lý”.

Không ít quy định, điều kiện gây khó khăn khiến DN mất cơ hội làm ăn. Ông Diệp Dũng, đại diện Hiệp hội Bán lẻ Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op), kể câu chuyện mới đây Big C Việt Nam tuyên bố muốn chuyển nhượng. Saigon Co.op có nộp hồ sơ tham gia và lọt được vào vòng cuối cùng với một công ty Thái Lan.

Đại diện TP Hà Nội, TP.HCM và VCCI đã ký bản cam kết cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển tại hội nghị Thủ tướng với DN ngày 29-4. Ảnh: QH

“Thế nhưng phía bạn hỏi rằng Saigon Co.op đã có giấy phép đầu tư ra nước ngoài chưa. Có giấy này mới được mua bán từ Việt Nam ra nước ngoài. Saigon Co.op chưa có. Mặc dù chúng tôi trả lời rằng sẽ xin giấy phép nhưng phía bạn vẫn lo âu về quá trình xin giấy này. Chuyện giấy phép đã đặt Co.op vào tình thế khó khăn!” - ông Diệp Dũng cho biết.

Hiệp hội Dệt may kiến nghị Chính phủ xem lại quy định của Thông tư 37 về kiểm tra hóa chất trong hàng dệt may. “Có một tấm vải làm mẫu, chỉ đáng 3-5 m thôi mà cũng phải đưa đi kiểm nghiệm. Một quý mà đến 138 lần mang mẫu đi kiểm nghiệm, tốn kém lắm”.

Đã thế các ngành cứ thay phiên nhau đến kiểm tra, giám sát DN. Khi thì thuế, hải quan, lúc thì lao động... “Đề nghị quy định mỗi năm các đoàn cùng nhau đi kiểm một lần để DN chuẩn bị luôn một lần, không mất thời gian” - Hiệp hội Dệt may nhấn mạnh.

Không hình sự hóa quan hệ kinh tế

Phát biểu tại buổi gặp gỡ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định không hình sự hóa quan hệ kinh tế. Tinh thần của Thủ tướng là thực hiện đúng Hiến pháp, đổi mới sự lãnh đạo, bỏ cái cũ lạc hậu để áp dụng cái mới.

Thủ tướng xác định DN là lực lượng nòng cốt, đi đầu trong phát triển đất nước, do vậy Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi nhất để DN phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng.

Theo Thủ tướng, những tồn tại hiện nay là ban hành luật và văn bản hướng dẫn còn chậm để DN phải chờ đợi; có những trường hợp văn bản hướng dẫn không rõ ràng, tính tương thích không cao hoặc còn cảm tính, thiếu định lượng dẫn đến có nhiều cách hiểu khác nhau về một vấn đề; chưa có cơ chế hiệu quả khuyến khích DN đột phá, thông qua áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, tạo ra sản phẩm có thương hiệu lớn.

“Còn tình trạng phí chồng phí, thanh tra, kiểm tra chồng chéo, tình trạng một số cán bộ, đảng viên tiêu cực, gây phiền hà làm mất nhiều thời gian, tiền bạc của DN” - Thủ tướng nói.

Thủ tướng yêu cầu tập hợp, rà soát các quy định về quản lý nhà nước, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh không phù hợp. Cơ quan nhà nước phải đổi mới tư duy và DN được làm những gì mà pháp luật không cấm. Trước mắt sẽ không tăng thuế, phí, lãi vay ngân hàng, đặc biệt sẽ giảm 1% khi cho vay khoản vay trung-dài hạn, lĩnh vực ưu tiên.

“Chúng ta nên tránh bệnh hình thức. Gặp là phải nghe và tháo gỡ cho DN để phát triển thực sự. Tinh thần của Chính phủ là thực hiện đúng Hiến pháp, đổi mới, loại bỏ giấy phép cũ lạc hậu, bảo vệ quyền kinh doanh, tài sản của DN, của công dân” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh kết quả của hội nghị là phải tạo niềm tin để mọi người hăng hái bắt tay vào lao động, sản xuất, kinh doanh tốt hơn, hội nhập quốc tế vững vàng hơn.

“Chính vì vậy, tinh thần lớn nhất của Chính phủ là không hình sự hóa hoạt động hành chính và kinh tế. Còn DN thì phải làm sao để thực hiện văn hóa DN, thể hiện sự liêm chính, đóng góp vào việc bảo vệ cộng đồng và môi trường thế nào cho đúng tinh thần của một DN chân chính” - Thủ tướng lưu ý.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT NGUYỄN CHÍ DŨNG:

Bạn đồng hành của doanh nghiệp

Tới đây sẽ không hỗ trợ chung chung, đại trà mà sẽ chuyển sang hỗ trợ tập trung một số lĩnh vực, mục tiêu dài hạn nhất định. Ưu tiên tập trung vào khu vực DN trong các ngành sản xuất có lợi thế cạnh tranh quốc gia, ứng dụng đổi mới sáng tạo, định hướng xuất khẩu, DN liên kết trong các chuỗi giá trị, cụm liên kết. Chúng tôi luôn là người bạn đồng hành, đối tác tin cậy của DN.

Bộ trưởng Bộ Công Thương TRẦN TUẤN ANH:

Bỏ giấy phép con

Đã rà soát các giấy phép con, năm 2015 Bộ đã cắt bỏ 84/87 thủ tục hành chính dự kiến cắt bỏ. Năm 2016 cắt thêm 10 thủ tục hành chính nữa; 35 thủ tục hành chính sẽ đơn giản hóa và tiếp tục tiến hành cơ chế một cửa quốc gia trong xuất nhập khẩu, đem lại thuận lợi cho DN.

Bên cạnh đó, tạo điều kiện DN trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển năng lượng tái tạo.

58% doanh nghiệp thua lỗ hoặc hòa vốn

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp VN, hiệu quả hoạt động của DN cho thấy bức tranh không mấy lạc quan. Trong các DN đang hoạt động ở thời điểm cuối năm 2015, 42% DN hoạt động có lãi, hơn một nửa (58%) DN thua lỗ hoặc hòa vốn. Việc chỉ có chưa đầy một nửa số DN kinh doanh có lãi trong một nền kinh tế là điều không bình thường.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm