Thủ tướng: Thể chế, nguồn lực là căn cốt cho phục hồi, phát triển

Ngày 12-11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đăng đàn trả lời chất vấn của Quốc hội (QH) sau khi bốn bộ trưởng và một số thành viên khác của Chính phủ tham gia trả lời chất vấn hai ngày trước đó. Trong phần trả lời về vấn đề chống dịch hay định hướng cho tương lai của đất nước, Thủ tướng luôn nhấn mạnh tinh thần: “Thể chế, nguồn lực là nền tảng”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội vào sáng 12-11. Ảnh: QH

Mạnh dạn, tự tin mở cửa

Các đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh), Ma Thị Thúy (Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang) và một số ĐB khác đặt vấn đề với Thủ tướng về kinh nghiệm rút ra trong hai năm chống COVID-19 và những định hướng mới về chính sách phòng chống dịch COVID-19 cũng như chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN). Trả lời, Thủ tướng cho rằng các chính sách chống dịch vừa qua, kể cả chính sách hỗ trợ người dân, DN cần phải được rà soát, đánh giá lại. Từ đó, xem “cái gì được, cái chưa được, nguyên nhân từ đâu để có căn cứ định ra một số chính sách hỗ trợ cho phù hợp, hiệu quả và tránh được những tiêu cực như trục lợi trong chính sách hoặc bỏ sót…

Thủ tướng nhắc lại dịch COVID-19 là chưa có tiền lệ trên thế giới và việc chuyển trạng thái trong tương lai có những trụ cột đã được xác định. Đó là cách ly nhanh chóng, hẹp nhất, nhanh nhất và giải tỏa nhanh nhất có thể; về xét nghiệm phải khoa học, hiệu quả, tiết kiệm, an toàn và tốc độ xét nghiệm phải nhanh hơn tốc độ lây lan của virus; về điều trị thì phải từ sớm, từ xa, từ cơ sở để ngăn chặn chuyển bệnh nặng và giảm tử vong.

Trên cơ sở những trụ cột này, Chính phủ mới hình thành ra công thức chống dịch theo diễn biến thực tế. Thủ tướng cũng cho rằng phải đề cao ý thức của người dân và DN, kết hợp DN với công nhân, DN với địa phương để phòng chống dịch. “Vừa qua chúng tôi ra nước ngoài, các vị lãnh đạo các nước cũng trao đổi về việc này. Quá trình chống dịch của chúng ta mặc dù chưa tổng kết nhưng cũng có bài bản. Trên cơ sở đó chúng ta mới mạnh dạn và tự tin mở cửa” - Thủ tướng thông tin.

Theo Thủ tướng, dịch COVID-19 cũng làm “bộc lộ yếu kém” về y tế dự phòng và y tế cơ sở, đặc biệt là vấn đề nhân lực. “Chúng ta có thể dành tiền mua trang thiết bị, có thể nhanh, có thể sớm được nhưng về đào tạo nguồn nhân lực ngành y phải mất nhiều năm. Tôi lo nhất là đào tạo nguồn nhân lực và giải pháp sắp tới là tập trung cho đào tạo nguồn nhân lực” - Thủ tướng khẳng định.

Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh “tiếp cận toàn dân” lấy người dân là trung tâm, là chủ thể trong phòng chống dịch, từ đó triển khai các chính sách đều hướng đến người dân. Ngược lại, người dân cũng tham gia tích cực, chủ động vào phòng chống dịch.

Thủ tướng cho hay vừa qua khi dịch bùng phát mạnh ở TP.HCM, chúng ta triển khai phương châm “lấy xã, phường, thị trấn làm pháo đài”. Tuy nhiên, một số nơi lại hiểu pháo đài này như lô cốt. “Đây là cách hiểu không đúng. Pháo đài là để tổ chức công việc chứ không phải làm pháo đài bao vây. Thêm nữa là lo sức khỏe cho người dân quá thành ra lại gây ra ách tắc” - Thủ tướng nói.

Không hy sinh công bằng, tiến bộ, an sinh lấy tăng trưởng

ĐB Nguyễn Thị Quyên Thanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long) nêu thực trạng người lao động từ các tỉnh, thành phía Nam dịch chuyển về quê khi dịch bệnh diễn biến phức tạp. Qua đó, ĐB Quyên đặt câu hỏi về giải pháp, chính sách của Chính phủ cũng như các địa phương để giúp người dân an cư lạc nghiệp.

Trước vấn đề trên, Thủ tướng cho rằng hiện tượng dịch chuyển lao động là hiện tượng bình thường trong nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, điều không bình thường ở đây là sự quản lý nhà nước còn bất cập nên khi có sự dịch chuyển lao động đã gây áp lực cho các địa phương.

Thủ tướng nêu rõ việc tạo sinh kế, công ăn việc làm cho người lao động mang tính quyết định. Muốn vậy, chúng ta phải giải quyết nút thắt về hạ tầng, gồm đường bộ, giao thông thủy nội địa; chống biến đổi khí hậu và hạ tầng y tế, giáo dục. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 cho vùng ĐBSCL, tuy nhiên để nghị quyết đi vào cuộc sống phải có các cơ chế, chính sách hiệu quả.

Thủ tướng cho biết các bộ, ngành xây dựng cơ chế, chính sách để trình cấp có thẩm quyền, trình QH để giúp vùng ĐBSCL giải quyết vấn đề về ba hạ tầng này, tạo sinh kế, công ăn việc làm cho người dân. “Khi có công ăn việc làm ổn định thì người dân sẽ yên tâm ở lại quê hương” - Thủ tướng nói.

ĐB Hoàng Văn Liên (Đoàn ĐBQH tỉnh Long An) lại đặt vấn đề với Thủ tướng về các giải pháp đột phá, kể cả về FDI để tạo nguồn lực thực hiện các vấn đề mà Thủ tướng nói.

Thủ tướng cho hay vừa qua cả ông và Chủ tịch nước, Chủ tịch QH đều làm việc với các nước và các tập đoàn. Qua các buổi làm việc cho thấy có hai vấn đề quan trọng để giữ chân các DN, nhà đầu tư là ổn định chính trị và nhân tố con người Việt Nam. “Ổn định chính trị là để họ an tâm và đầu tư lâu dài” - Thủ tướng giải thích.

Bên cạnh đó, con người Việt Nam, ngoài truyền thống cần cù lao động, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau thì rất linh hoạt và sáng tạo. “Chúng ta không hy sinh công bằng, tiến bộ an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Trước đó, Thủ tướng cũng đề cập đến chương trình phục hồi kinh tế và lưu ý thêm một số vấn đề mà các bộ trưởng chưa nêu. Cụ thể, Chính phủ đang phối hợp với các cơ quan của QH để xây dựng chương trình này, trong đó điều quan trọng là phải nâng cao năng lực y tế.

“Phải xây dựng quỹ phòng chống dịch và quỹ an sinh xã hội. Bởi hiện nay theo quy định của luật, mỗi lần chúng ta xuất tiền ra thì vừa rồi Nghị quyết 30 cho phép nhưng còn rất nhiều thủ tục hành chính phải làm. Tất nhiên, thành lập quỹ phải theo luật pháp nhưng được chủ động hơn trong sử dụng. Định hướng như thế nhưng chúng ta phải bàn, phải thống nhất, được thực tiễn chứng minh là đúng và đa số đồng tình thì mới đưa vào quy định, còn không thì ta mạnh dạn đưa vào làm thí điểm” - Thủ tướng nói.

 

Rà soát, hoàn thiện thể chế về phát triển hạ tầng

Cũng trong phiên chất vấn, ĐB Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) và một số ĐB lại đặt vấn đề với Thủ tướng về việc tập trung đầu tư vào hạ tầng cho quốc gia, vùng và địa phương. Thủ tướng cho hay hạ tầng thì bao gồm hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, hạ tầng kinh tế - xã hội, như là hạ tầng y tế, hạ tầng giáo dục, gần đây là hạ tầng chuyển đổi số, hạ tầng về chống biến đổi khí hậu.

“Đó là những vấn đề hạ tầng đặt ra cho đất nước chúng ta trong giai đoạn hiện nay” - ông khẳng định và cho rằng cần phải rà soát, hoàn thiện thể chế, quy trình liên quan đến phát triển hạ tầng. Qua đó xem còn điều gì vướng mắc, điều gì cần phải bổ sung, hoàn thiện để có thể tạo một hành lang pháp lý đủ mạnh, đủ điều kiện để phát triển hạ tầng phù hợp.

Thủ tướng cũng cho rằng cần phân tích tại sao đầu tư công chậm giải ngân. “Vấn đề này có nguyên nhân của cả trung ương và địa phương chứ không chỉ nguyên nhân của trung ương hoặc là của địa phương. Tuy nhiên, theo tôi, nguyên nhân chính là do con người” - Thủ tướng nói và đề cập thêm đến các vấn đề về nguồn vốn, công nghệ và giải pháp quản trị.

Trước đề nghị phải có nghị quyết riêng về vùng ĐBSCL, Thủ tướng cho rằng cần phải hoàn thành quy hoạch vùng ĐBSCL theo Luật Quy hoạch để có cơ sở phát hiện ra tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh cũng như yếu kém, hạn chế của vùng. “Về cơ chế chính sách đặc thù, về nguyên tắc thì ủng hộ nhưng ủng hộ như thế nào để có hiệu quả và đúng quy trình, quy định, đúng pháp luật thì chúng tôi sẽ tích cực chỉ đạo” - Thủ tướng nói.

Hay như vấn đề của Khu công nghệ cao (KCNC) Hòa Lạc và ĐH Quốc gia Hà Nội, Thủ tướng nói ông rất trăn trở việc này. Và ông cho rằng từ kinh nghiệm của TP.HCM và một số nước thì Bộ KH&CN phải phát triển nhiều KCNC chứ không chỉ tập trung vào một cái như KCNC Hòa Lạc…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới