Sáng 16-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến giữa đầu cầu trụ sở Chính phủ với 63 địa phương trong cả nước, với sự tham dự của các bí thư tỉnh/thành ủy, chủ tịch UBND các tỉnh, TP cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.
Xây dựng và hoàn thiện thể chế để tạo động lực phát triển
Kết luận hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh cần nâng cao hơn nữa nhận thức về tầm quan trọng của công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế. Cùng với đó cần tăng cường cán bộ có năng lực, trình độ, kinh nghiệm thực tiễn, đầu tư thỏa đáng về cơ sở vật chất, kinh phí, quan tâm chính sách cho người làm công tác xây dựng pháp luật.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị của Chính phủ về công tác
xây dựng và hoàn thiện thể chế, sáng 16-9. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng lưu ý tại nghị quyết phiên họp đầu tiên sau kiện toàn, Chính phủ đã giao các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục và khẩn trương rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công, theo dõi; kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển.
Sau đó, Thủ tướng tiếp tục nhắc nhở, đôn đốc nhiều lần. Ông yêu cầu các bộ trưởng phải sửa đổi, tháo gỡ ngay những thông tư gây ách tắc, cản trở, phải đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết. Với các nghị định của Chính phủ, thuộc lĩnh vực quản lý của bộ, ngành nào thì phân công bộ, ngành đó đề xuất sửa đổi, bổ sung với lộ trình cụ thể; có đôn đốc, kiểm tra, rà soát.
Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục tập trung cụ thể hóa, thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, đồng bộ các chủ trương, đường lối của Đảng, bám sát ba đột phá chiến lược, sáu nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Sau khi luật được ban hành, Chính phủ xây dựng các nghị định, các bộ hướng dẫn bảo đảm đồng bộ, nhịp nhàng để đưa chủ trương, đường lối của Đảng đi vào cuộc sống. Các địa phương cũng phải cụ thể hóa, thể chế hóa các chủ trương, đường lối trong nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng cần xây dựng và hoàn thiện thể chế để bảo đảm thực sự là đòn bẩy kiến tạo phát triển, tạo động lực phát triển, phát huy các nguồn lực. Trong đó, nguồn lực con người là quyết định, cùng với nguồn lực tài nguyên và nguồn lực văn hóa, truyền thống lịch sử.
Bí thư, chủ tịch tỉnh, thành phải trực tiếp chỉ đạo Theo Thủ tướng, thời gian qua, nhiều nơi chưa nhận thức đúng tầm về công tác xây dựng thể chế, chưa thấy rõ đầu tư cho xây dựng thể chế chính là đầu tư cho phát triển. Thể chế “chất lượng cao”, sát thực tế, khả thi, dễ vận dụng sẽ tạo điều kiện cho phát triển bền vững. Thủ tướng nêu thực tế có bộ chỉ phân công thứ trưởng, thậm chí vụ trưởng; địa phương chỉ phân công phó chủ tịch UBND phụ trách công tác này. Ông yêu cầu sau hội nghị này, những bộ ngành, địa phương nào chưa điều chỉnh phải điều chỉnh ngay. Bí thư, chủ tịch tỉnh, TP trực thuộc trung ương phải trực tiếp chỉ đạo công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, với quy chế, quy định làm việc đúng tầm, bảo đảm lãnh đạo chỉ đạo tập trung, thống nhất, chuyên sâu. |
Chính sách hướng tới người dân và doanh nghiệp
Thủ tướng cũng lưu ý việc rà soát, giải quyết các vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách, trên tinh thần xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo.
Ông đặc biệt nhấn mạnh tới việc chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong rà soát, xây dựng thể chế. Mọi chính sách, pháp luật phải hướng tới người dân và doanh nghiệp (DN) để người dân và DN phát huy hết nội lực, khả năng đóng góp cho sự phát triển của đất nước. Quá trình xây dựng và hoàn thiện thể chế phải quan tâm lấy ý kiến đối tượng bị tác động, người dân và DN phải được tham gia.
“Lãnh đạo, chỉ đạo từ trên xuống nhưng tổ chức thực hiện, tháo gỡ vướng mắc phải từ dưới lên” - Thủ tướng nói.
Ngoài ra, Thủ tướng đánh giá việc tổ chức thi hành và theo dõi thi hành pháp luật còn yếu. Cần tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực thi pháp luật để biết chính sách đúng sai thế nào, nguyên nhân do quy định, do cách hiểu chưa đúng hay do khâu thực thi.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu trong tổ chức thi hành pháp luật phải quán triệt tận cơ sở, tới người dân, DN, tới đối tượng điều chỉnh. Tổ chức thực hiện phải quan tâm tới cơ sở, nơi gần dân nhất, sát dân nhất, biết dân nhất, sống với dân, cùng làm với dân, tiếp xúc trực tiếp nhất, nhiều nhất với dân.
Thủ tướng dẫn chứng vừa qua ông đã chỉ đạo bộ trưởng Bộ Y tế có ngay hướng dẫn cụ thể, dễ hiểu, rõ ràng về công tác xét nghiệm phòng chống dịch COVID-19 tới tận xã, phường, tránh tình trạng mỗi nơi hiểu một kiểu. Kiểm tra công tác phòng chống dịch cho thấy nơi nào lãnh đạo nắm chắc tình hình, quan điểm, giải pháp thì tổ chức thực hiện tốt và ngược lại.
Đặc biệt, Thủ tướng cho rằng việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phải đi đôi với quy định trách nhiệm, thiết kế công cụ để kiểm tra giám sát, kiểm soát quyền lực, bố trí nguồn lực và cắt giảm các thủ tục hành chính.
“Nếu không phân cấp, phân quyền, không biết mà quản thì chỉ là hợp thức hóa, không biết mà ký thì rất dễ bị sai” - Thủ tướng nói.
Thực thi pháp luật phải lấy lợi ích quốc gia, lợi ích nhân dân là trên hết Tại hội nghị, một số ý kiến cho rằng cần vận dụng sáng tạo các quy định của pháp luật. Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định không có quy định luật pháp nào phủ hết được các góc cạnh của cuộc sống. Có những quy định vừa ban hành, hôm trước là đúng nhưng hôm sau không còn phù hợp do tình hình thay đổi, trong khi quy trình sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật không thể làm ngay. Do vậy, Thủ tướng yêu cầu trong tổ chức thực thi pháp luật phải nắm chắc nguyên lý cơ bản, vận dụng sáng tạo, linh hoạt để vừa không vi phạm vừa phù hợp điều kiện, hoàn cảnh thực tế, trên cơ sở lấy lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích nhân dân là trên hết, trước hết. Nếu vì lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm thì phải xử lý. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng điều này phụ thuộc năng lực, trình độ, phẩm chất của cán bộ các cấp. Ông đề nghị các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy trình ban hành và sửa đổi luật. Tình hình thực tế diễn biến rất nhanh chóng, khó lường, bất ngờ, liên tục, trong khi yêu cầu của Nhà nước pháp quyền là phải làm theo luật. Theo người đứng đầu Chính phủ, nếu không kịp điều chỉnh quy định thì hoặc là bị lạc hậu so với tình hình, gây ách tắc nguồn lực xã hội, hoặc vi phạm các quy định. |