Ngày 5-7, Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tại Nhà Trắng, trước thềm hội nghị thượng đỉnh cấp cao của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào tuần tới, theo hãng tin Reuters.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson tại Nhà Trắng, thủ đô Washington DC (Mỹ) ngày 5-7. Ảnh: AP |
Tại buổi tiếp, ông Biden bày tỏ sự ủng hộ với việc Thụy Điển gia nhập NATO: “Thụy Điển là một đối tác có năng lực và cam kết. Tôi muốn nhắc lại rằng Mỹ hoàn toàn ủng hộ tư cách thành viên NATO của Thuỵ Điển".
"Điểm mấu chốt là Thuỵ Điển sẽ làm cho liên minh của chúng ta mạnh mẽ hơn" - ông Biden nhấn mạnh.
Đáp lại, ông Kristersson cảm ơn ông Biden vì đã “ủng hộ mạnh mẽ” tiến trình gia nhập NATO của Thụy Điển. Nhà lãnh đạo Thụy Điển cũng lưu ý rằng Stockholm và Washington chia sẻ quan điểm trong nhiều vấn đề, trong đó quan trọng nhất là hỗ trợ phòng thủ cho Ukraine.
“Chúng tôi tìm kiếm sự bảo vệ chung, nhưng chúng tôi nghĩ rằng mình cũng có những thứ có thể đóng góp cho an ninh của toàn bộ NATO” - ông Kristersson nói thêm.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã điện đàm với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan, khuyến khích Ankara ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO.
“Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh tầm quan trọng của sự đoàn kết NATO trong thời điểm quan trọng hiện nay và khuyến khích sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ để Thụy Điển gia nhập NATO ngay bây giờ” - tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ viết.
Thụy Điển chưa thể gia nhập NATO do sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary.
Đại diện Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ gặp nhau tại thủ đô Brussels (Bỉ) vào ngày 6-7 để thảo luận giải pháp cho kế hoạch Thụy Điển gia nhập liên minh.
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ bắt đầu chuyến công du quan trọng tới châu Âu từ ngày 9-7.
Ông Biden sẽ có chuyến thăm kéo dài 2 ngày đến thủ đô London (Anh) để gặp Thủ tướng Anh Rishi Sunak và Vua Charles III.
Tiếp theo, ông Biden sẽ đến Lithuania dự thượng đỉnh NATO trong ngày 11 và 12-7.
Sau cùng, ông sẽ đến Phần Lan dự hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Bắc Âu và Mỹ với sự tham gia của các nhà lãnh đạo Anh, Phần Lan, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch và Iceland.