Thủ tướng: Xem xét quy hoạch, quản lý rừng, hồ thủy điện nhỏ

Sáng 10-11, trả lời chất vấn trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cho biết nhiệm kỳ qua mặc dù Việt Nam đối mặt với sự cố môi trường Formosa, thiên tai, dịch bệnh… nhưng GDP của cả nước đã đạt 1.200 tỉ USD, nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định.
Với kết quả tăng trưởng bình quân trên 6% trong năm năm qua, Việt Nam là một trong 10 nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Tăng trưởng cao trong bối cảnh khó khăn
“Nhiệm kỳ qua chúng ta đã tạo 28 triệu việc làm mới. Nền kinh tế được cải thiện rõ nét, thu nhập bình quân của người dân tăng gần 145%, tương đương 9.000 USD tính theo ngang bằng sức mua. Tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 9,8% xuống dưới 3% và cần nỗ lực để giảm nghèo bền vững đặc biệt ở nông thôn, miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số” - Thủ tướng nói.
Năm 2020 trong bối cảnh COVID-19 tác động, với nỗ lực thực hiện mục tiêu kép Việt Nam đã duy trì được mức tăng trưởng dương, được quốc tế đánh giá cao.
Thủ tướng cho biết thời gian tới Chính phủ sẽ tiếp tục khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, sáng tạo cho thế hệ trẻ, trang bị kỹ năng cần thiết cho thanh niên, tạo nhiều việc làm mới, cần có cơ chế thu hút nhân tài.
"Chính phủ sẽ quan tâm hơn nữa đến phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân ở các khu công nghiệp" - Thủ tướng cho hay.
Ghi nhận ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thủ tướng cho biết đã giao Bộ LĐ-TB&XH trình thủ tướng phương án bảo đảm nguồn lực, tài chính để hỗ trợ lương hưu cho gần 1 triệu người nghỉ hưu trước năm 1993; tiếp tục chủ động phòng chống dịch COVID-19, đề cao ý thức cộng đồng, nâng cao năng lực cách ly, điều trị, sản xuất sinh phẩm, vaccine…, phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội; hỗ trợ người dân và doanh nghiệp…
Thời gian tới, Chính phủ tiếp tục tăng cường kỷ luật kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm giải trình, tạo sự yên tâm cho nhà đầu tư kinh doanh làm ăn; ngăn chặn hiện tượng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp, xây dựng nhà nước liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ, tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; tiếp tục cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, tạo thêm nhiều việc làm…
“Trong bất kỳ tình huống nào, chúng ta cũng phải giữ được sự chủ động chiến lược. Nguy cơ lớn nhất không phải là tụt hậu về kinh tế mà là thiếu ý chí vươn lên, thiếu quyết tâm hành động. Phải tiếp tục duy trì kinh tế vĩ mô ổn định, phát triển nhanh, bền vững nhưng ổn định” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Sẽ trồng thêm 1 tỉ cây xanh
Thủ tướng cho biết thời gian qua, bão chồng bão, lũ chồng lũ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đời sống hàng triệu người dân ở miền Trung. Ngay giờ phút này, bão số 12 đang đổ bộ vào Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa.
Theo Thủ tướng, Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành khẩn trương hỗ trợ người dân dựng lại và sửa chữa lại nhà cửa bị hư hại, bảo đảm lương thực, thực phẩm, thuốc men, khắc phục nhanh các công trình hạ tầng trường học, bệnh viện bị sự cố, hư hỏng, ngập lụt, sớm phục hồi các hoạt động kinh tế-xã hội ổn định cuộc sống của người dân vùng bị ảnh hưởng.
"Chính phủ sẽ đánh giá nghiêm túc nguyên nhân khách quan và chủ quan về thiên tai, lũ lụt vừa qua, kể cả xem xét tình hình quy hoạch, quản lý rừng và hồ đập thủy điện nhỏ để có các biện pháp chấn chỉnh” - Thủ tướng nói.
Theo đó, Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh trồng rừng, bảo vệ rừng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm phá rừng, nâng cao chất lượng rừng; vận hành hiệu quả hồ chứa, liên hồ chứa; bảo đảm an toàn cho sản xuất, cuộc sống của người dân, đồng thời triển khai các giải pháp căn bản, lâu dài trước tình hình thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng.
Trong đó tập trung xây dựng các phương án ứng phó hiệu quả, nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo, lập bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt, quy hoạch bố trí dân cư phù hợp hơn.
Chính phủ cũng sẽ kiện toàn bộ máy phòng, chống thiên tai, trang bị thêm các phương tiện, thiết bị cần thiết; lựa chọn một số dự án ưu tiên đầu tư để nâng cao năng lực chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng thời sẽ ban hành chiến lược ứng phó thiên tai vào cuối năm nay.
"Chính phủ và tất cả chúng ta phải nỗ lực rất nhiều, bằng cả trái tim và khối óc" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Trong nhiều giải pháp đưa ra, Thủ tướng đề xuất trồng thêm 1 tỉ cây xanh trong năm năm tới.
Giữ vững ổn định xã hội, không để tăng trưởng âm
Trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về việc thực hiện mục tiêu kép trong bối cảnh dịch COVID-19 thời gian tới, Thủ tướng khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu đề ra từ đầu là “giữ kinh tế không bị tăng trưởng âm, giữ vững ổn định xã hội, đảm bảo sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm và đạt mức tăng trưởng cần thiết”.
Đặc biệt là đề cao tinh thần tự lực tự cường, xây dựng nền kinh tế có sự tự chủ cao, an toàn hơn trong chuỗi cung ứng, bảo đảm an ninh lương thực, chú trọng phát triển thị trường trong nước.
“Việt Nam vẫn đạt xuất siêu gần 20 tỉ USD là cố gắng rất lớn và cần phát huy. Cùng với đó giữ vững sản xuất nông nghiệp là nền tảng, là chỗ dựa trong bối cảnh dịch bệnh, cùng với chú trọng chiến lược phát triển đồng đều về công nghiệp, dịch vụ…” - Thủ tướng nói.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng cũng khẳng định phải thay đổi phương thức làm việc, đẩy mạnh trực tuyến bởi phát triển kinh tế không tiếp xúc là hướng đi quan trọng trong đại dịch. Bên cạnh đó, chủ động nghiên cứu sản xuất vaccine vì “chưa có vaccine thì chưa nói lên điều gì trong phòng chống dịch”.

Về thú hút, lựa chọn, trọng dụng nhân tài, Thủ tướng khẳng định đây là việc quan trọng và đã có đề án thí điểm lựa chọn cán bộ lãnh đạo cấp vụ, sở trình cơ quan thẩm quyền trên quan điểm người có đức, có tài phải được sử dụng, cất nhắc, đề bạt.
“Nhân tài không chỉ trong cơ quan Đảng, Nhà nước mà có thể ở doanh nghiệp tư nhân, đầu tư nước ngoài, hợp tác xã. Tuy nhiên khối Nhà nước cần thu hút nhiều người tài để quản trị đất nước” – Thủ tướng nói.
Trước băn khoăn của đại biểu Quốc hội khi hụt thu ngân sách nhưng vẫn phải đảm bảo các cân đối lớn, Thủ tướng cho biết tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để đạt tăng trưởng và cả hệ thống phải nỗ lực.
Bên cạnh đó, cần tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, nhất là vốn ODA để giải quyết việc làm, đảm bảo hạ tầng, nhất là các công trình đã báo cáo Quốc hội. Bộ GTVT cam kết khởi công hạng mục sân bay Long Thành, đưa đường sắt Cát Linh – Hà Đông vào hoạt động sau nhiều năm chậm trễ... Cùng với đó là tăng cường quản lý thuế, chống chuyển giá, trốn thuế.
“Một vấn đề nữa mà các ý kiến chưa đề cập là phải tiết kiệm chi ngân sách cho những việc không thực sự cần thiết, như chi họp hành, đi nước ngoài trong lúc đất nước khó khăn. Các cấp các ngành phải bám sát dự toán, đảm bảo bội chi ngân sách không quá 4%” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Đồng thời Thủ tướng cho biết khi cần thiết sẽ báo cáo Quốc hội nới lỏng chính sách tài khoá phù hợp, giữ ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn trên tinh thần “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”.
Về việc phát triển bền vững ĐBSCL trước thách thức của biến đổi khí hậu cực đoan, Thủ tướng Chính phủ cho hay ngay từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ đã bàn với các tỉnh trong khu vực và ban hành Nghị quyết 120 và đến nay đã có sơ kết và tổng kết.
“Tinh thần chỉ đạo là “thuận thiên” nhưng kết hợp tái cơ cấu mạnh mẽ” – Thủ tướng nhấn mạnh và thực tế qua việc thay đổi mùa vụ đã cho thấy hiệu quả.
Đơn cử năm 2015-2016 xâm nhập mặn ảnh hưởng nặng nề nhưng năm 2019 nhờ cấy sớm, cơ cấu thay đổi mùa vụ đã giúp hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của hạn mặn.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đặc biệt quan tâm bố trí nguồn lực và có nhiều giải pháp tăng cường giao thông nội vùng và liên vùng. Tới đây Chính phủ sẽ trình Quốc hội bố trí bổ sung hơn 1 tỉ USD cho khu vực, đồng thời trong kế hoạch trung hạn bố trí nguồn lực cho hàng chục dự án giao thông.
“Chúng ta cố gắng giữ ĐBSCL ít bị tác động nhất bởi biến đổi khí hậu cực đoan, để là vùng tiếp tục đóng góp cho đất nước” – Thủ tướng nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới