Sáng 8-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đánh giá công tác chỉ đạo ứng phó, tình hình thiệt hại và triển khai các biện pháp cấp bách khắc phục hậu quả cơn bão số 3.
Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới 26 địa phương từ Thanh Hóa trở ra phía bắc.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết sau Hội nghị, Thủ tướng và các Phó Thủ tướng sẽ tiếp tục về các địa phương để chỉ đạo khắc phục hậu quả, ứng phó thiên tai sau bão số 3. Tổ chức các tổ công tác gọn nhẹ, nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả.
Thủ tướng chuyển lời thăm hỏi, chia sẻ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, các lãnh đạo chủ chốt, lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới các gia đình, cơ quan, đơn vị, địa phương có mất mát về người và tài sản do bão số 3.
Tập trung cao độ cho việc cứu người, tìm kiếm người mất tích
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cơn bão số 3 có cường độ mạnh, tăng nhanh; mạnh nhất trong 30 năm qua. Cơn bão tăng cấp không theo quy luật, thời gian lưu bão trên đất liền dài hiếm có, diễn ra trên diện rộng.
Theo Thủ tướng, công tác dự báo, ứng trực, lãnh đạo, chỉ đạo, thông tin truyền thông cơ bản đáp ứng yêu cầu. Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương vào cuộc quyết liệt theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Tuy nhiên, thiệt hại vẫn rất lớn.
Nêu rõ 5 mục tiêu sắp tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tập trung cao độ cho việc cứu người, rà soát, tìm kiếm người mất tích; cứu chữa những người bị thương, nhất là những người bị thương nặng; lo hậu sự cho những người xấu số.
Đặc biệt, không để người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, không có nơi nương tựa. Không để các cháu học sinh thiếu lớp, thiếu trường. Không để người bệnh không có nơi khám chữa bệnh.
Người đứng đầu Chính phủ lưu ý khắc phục các sự cố về điện, nước, viễn thông và các lĩnh vực khác để phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo, sản xuất kinh doanh và đời sống người dân.
Đồng thời, thống kê thiệt hại chính xác, khách quan để có giải pháp khắc phục phù hợp, hiệu quả, kịp thời.
Ứng phó hậu quả hoàn lưu bão như lũ ống, lũ quét, sạt lở, sụt lún… cũng là việc Thủ tướng lưu ý.
Xuất cấp ngay gạo dự trữ cho người dân
Về giải pháp, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp, các bộ, ngành có liên quan chủ động, tích cực triển khai các công việc để khắc phục hậu quả bão theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Các Bộ: Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Lao động-Thương binh và Xã hội được Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm các nhiệm vụ quản lý nhà nước theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Thủ tướng cũng yêu cầu hai Bộ: Quốc phòng, Công an và các lực lượng cứu nạn cứu hộ tiếp tục ứng trực để kịp thời ứng cứu, khắc phục hậu quả, ứng phó thiên tai.
Các cơ quan liên quan tiếp tục duy trì công tác dự báo và truyền thông, chú ý thông tin hướng dẫn kỹ năng ứng phó thiên tai.
Chính quyền địa phương, các bộ, ngành theo thẩm quyền sử dụng dự trữ cho phòng chống thiên tai (về tài chính, phương tiện, vật tư…) để khôi phục các hoạt động trở lại bình thường.
Các địa phương xuất cấp dự trữ để khắc phục các vấn đề cấp bách về ăn, mặc, ở, học tập, khám chữa bệnh của người dân và đề xuất hỗ trợ của Trung ương từ ngân sách dự phòng.
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì xử lý, quyết định. Đây là việc cần làm ngay, hoàn thành trước 18h ngày hôm nay (8-9) và sau đó tiếp tục bổ sung nếu cần thiết.
"Các địa phương phải thống kê ngay, xuất cấp ngay gạo dự trữ, cần bao nhiêu xuất bấy nhiêu, quan trọng là phải thống kê chính xác, minh bạch, tránh tiêu cực xảy ra"- Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Cùng với đó, ông yêu cầu tập trung cho việc sửa chữa trường học, lớp học.
Đặc biệt, Thủ tướng kêu gọi người dân, doanh nghiệp, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp không bị thiệt hại hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp bị thiệt hại.
"Có ít góp ít, có nhiều góp nhiều, có của góp của, có công góp công, lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều"- Thủ tướng Phạm Minh Chính nói và đề nghị “phát huy truyền thống tương thân tương ái của dân tộc ta”.
Ông cũng gửi lời cảm ơn nhân dân, doanh nghiệp đã cơ bản chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền; sự hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn. Đồng thời hỗ trợ, giúp đỡ nhau khắc phục hậu quả do bão gây ra.
Tại hội nghị, Thủ tướng cũng chỉ ra một số bài học quan trọng. Theo đó, lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là bí thư, chủ tịch địa phương phải bám sát tình hình, quyết liệt, dứt khoát, có trọng tâm, trọng điểm.
Các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phải chấp hành nghiêm chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, chủ động, tích cực, sáng tạo trong phòng chống thiên tai, khắc phục hậu quả.
Ông cũng nhắc tới việc huy động "4 tại chỗ" triệt để, diễn tập thường xuyên, sát tình hình, chuẩn bị dự trữ đầy đủ; làm tốt công tác truyền thông và biểu dương, khen thưởng, kỷ luật, xử lý kịp thời.