Chuyện in sách phạm luật thì bị phạt thu hồi sách, NXB chịu trách nhiệm nên cũng bị kỷ luật là đương nhiên. Điều mà dư luận quan tâm là cuốnMiếng ngon Hà Nội đã được người thừa kế là ông Vũ Hoàng Tuấn, con trai nhà văn Vũ Bằng, bán bản quyền xuất bản sách của cha mình nhiều lần cho... ba cơ sở xuất bản.
Từ hơn 10 năm trước, NXB Kim Đồng đã ký hợp đồng độc quyền với ông Tuấn để xuất bản cuốn Miếng ngon Hà Nội và cứ mỗi năm năm NXB Kim Đồng lại gia hạn hợp đồng. Hợp đồng xuất bản Miếng ngon Hà Nội của Kim Đồng hiện còn hiệu lực đến năm 2020. Năm 2014, ông Vũ Hoàng Tuấn lại ký hợp đồng độc quyền với Công ty Sách Nhã Nam về việc xuất bản cuốn Miếng ngon Hà Nội. Đến cuối năm 2016, ông Tuấn lại tiếp tục ký hợp đồng bán bản quyền xuất bản các tác phẩm của nhà văn Vũ Bằng cho Công ty Minh Tân - nhà sách Minh Thắng gồm: Miếng ngon Hà Nội, Thương nhớ mười hai, Món lạ miền Nam, Bốn mươi năm nói láo, Bóng ma nhà mệ Hoát và Cai với thời hạn năm năm, từ năm 2016 đến 2021. Điều khiến nhiều người bất ngờ là ông Vũ Hoàng Tuấn, con trai một nhà văn nổi tiếng từ thời tiền chiến, lại nói rằng ông như người bán ở chợ, ai mua cũng được. Ông còn bảo rằng ông có cho Công ty Minh Tân biết là đã ký hợp đồng với Nhã Nam rồi nhưng người ta vẫn mua nên ông bán. Nghe như chuyện đùa! Đã ký hợp đồng bán rồi nhưng “có người mua nữa thì tôi lại bán”.
Tôi nhớ hình ảnh cụ Vũ Bằng hồi năm 1971-1973, thỉnh thoảng cụ ghé tòa soạn tạp chí Văn đưa bản thảo và nhận nhuận bút (thường thì tòa soạn cử người mang báo biếu và nhuận bút đến nhà cụ rồi lấy bản thảo nhưng có khi cụ tiện đường ghé tòa soạn nhận tiền và đưa bản thảo luôn). Tôi nhớ nét chữ cụ viết run run rất khó đọc, mấy cậu thợ sắp chữ nhà in rất “sợ” bản thảo Vũ Bằng và “nhà văn rong chơi” Mai Thảo viết chữ thiếu nét cũng cực kỳ khó đọc. Hai ông là những cây bút chủ lực của Văn và NXB Nguyễn Đình Vượng.
Tôi lại nhớ chuyện buồn của nhà cổ ngoạn - nhà văn hóa Vương Hồng Sển hai mươi mấy năm trước. Cụ Vương có căn nhà cổ bằng gỗ hàng trăm năm tuổi trong khu đất rộng cả ngàn mét vuông ở đường Nguyễn Thiện Thuật (quận Bình Thạnh) có giá trị rất lớn. Đặc biệt, cụ có những tài sản vô giá là bộ sưu tập cổ vật đồ sộ mà cụ bỏ công sưu tập cả cuộc đời hơn 90 năm. Vợ cụ là kịch sĩ nổi tiếng Bà Năm Sa Đéc mất đã lâu, cụ chỉ có một người con trai. Ông này chắc nghĩ rằng khi ông cụ mất thì tài sản đương nhiên thuộc về mình nên gặp lúc khó khăn, ông lén lấy giấy tờ nhà đem cầm thế hay ký hợp đồng mua bán gì đó mà không cho cha biết. Vụ việc vỡ lở, cụ Vương nhất quyết không can thiệp, ông con trai phải vào tù vì tội lừa đảo. Sau đó cụ Vương làm giấy hiến toàn bộ tài sản cho TP gồm căn nhà và tất cả cổ vật cùng những trước tác của cụ. Cụ không để lại gì cho con!
Việc thừa kế di sản văn hóa không giống như thừa kế một ngôi nhà, một mảnh đất. Bởi di sản văn hóa bao gồm những tác phẩm sáng tác và những công trình nghiên cứu thuộc lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật của người thân hoặc người ủy quyền thừa kế về mặt vật chất (tức nhuận bút) nhưng cũng chỉ có thời hạn 50 năm sau khi tác giả mất. Sau đó nó thuộc tài sản quốc gia.