Ngày 3-9, Ủy ban Tư pháp họp phiên toàn thể thẩm tra báo cáo của các cơ quan tư pháp, trong đó có việc đánh giá báo cáo về tội phạm tham nhũng và chức vụ.
Phát hiện, xử lý tham nhũng “có nhiều tiến bộ”
Trình bày báo cáo, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho hay: Từ 1-10-2018 đến 31-7-2019, lực lượng chức năng đã phát hiện 281 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ, đã khởi tố 274 vụ với 683 bị can (ít hơn 0,35% so với cùng kỳ năm 2018).
Theo ông Vương, các cơ quan chức năng đã đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo bảo đảm đúng tiến độ. Đồng thời khắc phục được nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản, cung cấp hồ sơ, tài liệu, đánh giá chứng cứ, xác định tội danh, thu hồi tài sản.
“Công tác phát hiện, điều tra, xử lý tham nhũng ở địa phương có nhiều tiến bộ, từng bước khắc phục dần tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”” - Thượng tướng Lê Quý Vương nói.
Ông cho hay qua công tác phòng ngừa, đấu tranh cho thấy tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế còn diễn ra phức tạp, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, sử dụng công nghệ thông tin, thiết bị công nghệ cao để phạm tội; sử dụng phần mềm gian lận doanh thu để trốn thuế, kéo dài thời gian thu phí tại các trạm thu phí BOT.
Trình bày ý kiến của nhóm nghiên cứu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha cho rằng mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng nhưng kết quả phát hiện vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực vẫn chưa tương xứng với thực tế. Theo nhóm nghiên cứu, vi phạm pháp luật và tội phạm về tham nhũng vẫn rất phức tạp, nhất là “tham nhũng vặt” trong các cơ quan và nhân viên nhà nước khi thực thi công vụ có liên quan trực tiếp đến người dân và tham nhũng trong các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng. Điều này gây bức xúc trong nhân dân và công luận, tuy nhiên việc phát hiện vẫn chưa được nhiều và giảm (0,35%) so với cùng kỳ năm 2018.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu tại phiên họp. Ảnh: H.HẢI
Nhiều vụ án lớn không phát hiện ra tham nhũng
Phát biểu sau đó, Ủy viên Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đức Sáu, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM, đánh giá trong năm qua, việc điều tra tội phạm đã phá nhiều vụ án tham nhũng, cờ bạc lớn. “Việc bị can thừa nhận đã nhận hối lộ tới 3 triệu đôla Mỹ thì đến bây giờ mới thấy, xưa nay không có việc này” - ông Sáu nói và cho rằng đây là kết quả của quá trình đấu tranh bằng nhiều kỹ năng và việc thu thập chứng cứ tốt.
Chưa hài lòng về báo cáo của Chính phủ, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP.HCM) băn khoăn khi ghép kết quả công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng với một số loại tội khác. “Tội tham nhũng, báo cáo nhập chung với các tội về kinh tế, buôn lậu. Dung lượng quá ít ỏi sẽ khiến nhân dân cho rằng chúng ta chưa phản ánh hết tình hình” - ông Nghĩa nói.
ĐBQH TP.HCM cũng đưa ra nhận xét: Một số vụ án lớn khi đưa ra xét xử rất ít thấy tội tham nhũng mà là các tội khác. Dẫn vụ “đánh bạc ngàn tỉ” cũng không thấy tham nhũng, ông Nghĩa nói “người dân rất băn khoăn”. “Sự thực như vậy, hay khó quá không điều tra ra?” - ông đặt câu hỏi.
Về vấn đề “tham nhũng vặt”, Chính phủ nhận định “diễn ra tương đối phổ biến, nhất là ở cơ sở, gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp”. Nhắc vụ cán bộ thanh tra Bộ Xây dựng nhận hối lộ ở Vĩnh Phúc, ông Nghĩa cho rằng nói “tham nhũng vặt” không có nghĩa là vụ việc không nghiêm trọng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh vụ cán bộ thanh tra của Bộ Xây dựng nhận hối lộ không phải là vặt. “Thực ra “tham nhũng vặt” là nhũng nhiễu. Còn BLHS quy định tham ô 2 triệu là bắt đầu truy tố và dưới 100 triệu là phạt tù 2-7 năm. Vậy nên trường hợp cụ thể như vụ thanh tra Bộ Xây dựng là không phải vặt” - bà Nga nói.
Cũng đề cập đến “tham nhũng vặt”, ĐBQH Hoàng Văn Hùng (Đoàn Thái Nguyên) cho hay đây là vấn đề “người dân kêu lắm, cử tri kêu lắm” bởi không có phong bì, phong bao thì cán bộ không chịu làm khi thực thi công vụ.
Vi phạm trong hoạt động tư pháp đóng dấu mật là vô lý Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga công bố những nội dung đóng dấu mật của các cơ quan. Cụ thể, báo cáo về công tác thi hành án đóng dấu “tối mật” các tài liệu: Phụ lục thống kê số liệu phạm nhân vào/ra tại trại giam Bộ Công an; tình hình số liệu người bị kết án phạt tù, số liệu phạm nhân, kinh phí đầu tư, cán bộ trại giam, cán bộ trại giam vi phạm pháp luật. Tài liệu mật kèm theo báo cáo phòng, chống tình hình vi phạm pháp luật gồm: Án an ninh cơ quan an ninh điều tra các cấp khởi tố; số liệu đình chỉ điều tra khi bị hại rút đơn yêu cầu, do không có việc phạm tội, đình chỉ do bị can chết, miễn trách nhiệm hình sự, hết thời hạn điều tra không chứng minh được tội phạm… “Tôi không rõ vì sao cái này lại là mật?” - bà Nga nói và cho biết thêm tài liệu mật còn có số liệu điều tra viên, số đối tượng chết tại nhà tạm giữ, trại tạm giam. Theo báo cáo của viện trưởng VKSND Tối cao, toàn bộ vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp, VKS đóng dấu mật. “Nếu toàn bộ các vi phạm trong hoạt động tư pháp đều đóng dấu mật cả thì vô lý. Các vi phạm về giải quyết khiếu nại, vi phạm trong hoạt động thi hành án, dân sự, trong hoạt động bổ trợ tư pháp, trong hoạt động khởi tố, điều tra mà đóng dấu mật là đóng cửa tất cả tiếp cận thông tin của công chúng về những vi phạm trong hoạt động tư pháp” - bà Nga nói. |