Thực hư về tác hại của thực phẩm biến đổi gen

Những ngày gần đây, cư dân mạng xôn xao với bài viết “10 thực phẩm biến đổi gen nguy hiểm nhất nên tránh”, trong đó có bắp, đậu nành, đu đủ, kể cả sữa... Những thông tin tương tự khiến nhiều người lo lắng và e dè.

Hết dám uống sữa bắp

Chị L., nhân viên một công ty truyền thông ở TP.HCM, cho biết chị là “tín đồ” của món sữa bắp. Đùng một cái, đọc thông tin bột bắp được chế biến từ bắp biến đổi gen (Genetically Modified Organism, gọi tắt là GMO) có nguy cơ cho sức khỏe như tăng cân, rối loạn nội tiết… khiến chị L. hết dám uống. “Tôi mong cơ quan ngôn luận làm cho “ra ngô, ra khoai” vấn đề này để mọi người được an tâm” - chị L. trải lòng.

Tương tự, anh T., phụ trách kinh doanh của một công ty và hai con nhỏ rất mê sữa đậu nành và đậu hủ. “Thấy trên mạng đăng tin một số người dùng đậu nành GMO nhưng không tiêu hóa được các thành phần ADN. Tin còn nói ăn đậu nành biến đổi gen bị vô sinh, rối loạn hệ miễn dịch, lão hóa sớm, loạn gen… Giờ ăn uống gì cũng thấy sợ” - anh T. lắc đầu.

Thật ra những lo ngại về thực phẩm GMO đã xuất hiện từ nhiều năm nay. Trên thế giới cũng chia ra các luồng quan điểm khác nhau. Nhóm không ủng hộ đưa ra các quan điểm rằng sử dụng thực phẩm GMO lâu dài sẽ gây dị ứng, kháng kháng sinh, thậm chí gây ung thư. Trung tâm Thống kê y tế quốc gia Hoa Kỳ đã đưa những cảnh báo chung về tình trạng dị ứng thực phẩm ở trẻ em tăng từ 3,4% vào năm 1997 lên 5,1% vào năm 2011. Trung tâm Kiểm soát và phòng, chống dịch bệnh Hoa Kỳ cũng cho biết tình trạng các vi sinh vật kháng kháng sinh có ảnh hưởng tới 2 triệu người mỗi năm. Tuy nhiên, các trung tâm này cũng không khẳng định nguyên nhân gây dị ứng, kháng kháng sinh là từ thực phẩm GMO.

Kiểm soát nghiêm ngặt

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này, GS Lê Huy Hàm, Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp, cho biết Việt Nam quy định sản phẩm biến đổi gen chỉ được phép sử dụng nếu năm nước phát triển cho phép dùng sản phẩm đó với cùng mục đích. Đầu tiên, Hội đồng An toàn sinh học (gồm các bộ Y tế, Công Thương, KH&CN, TN&MT, NN&PTNT cùng Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ và các chuyên gia độc lập) xác nhận bằng chứng năm nước phát triển đã cho phép sử dụng sản phẩm biến đổi gen. Tiếp theo, hội đồng tiến hành xem xét và đánh giá các khía cạnh an toàn trong điều kiện cụ thể của Việt Nam để đưa ra quyết định cuối cùng.

Hiện nay Việt Nam chưa có quy định dán nhãn GMO đối với sản phẩm tươi sống bán trực tiếp, không bao gói. Trong ảnh: Trồng bắp GMO tại tỉnh Đồng Nai. Ảnh: TT

“Việt Nam đã có quy định dán nhãn thực phẩm đối với thực phẩm biến đổi gen bao gói sẵn lưu thông trên thị trường. Theo đó, sản phẩm có ít nhất một thành phần nguyên liệu GMO lớn hơn 5% tổng nguyên liệu được sử dụng để sản xuất thực phẩm. Việc dán nhãn nhằm giúp người tiêu dùng nhận biết sản phẩm có biến đổi gen chứ không liên quan đến vấn đề an toàn hay không an toàn” - GS Huy Hàm nhấn mạnh.

Theo GS Huy Hàm, hiện nay hầu như bất kỳ người Việt Nam nào cũng đều gián tiếp sử dụng thực phẩm GMO (heo, gà, bò… được nuôi bằng bắp và đậu nành GMO). Tuy đến nay Việt Nam chỉ cho phép trồng duy nhất bắp GMO nhưng lại nhập khẩu nhiều thực phẩm GMO khác.

GS Nguyễn Lân Dũng, chuyên gia cao cấp Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học, ĐH Quốc gia Hà Nội, cho rằng gen là một đoạn của phân tử ADN, bị phá hủy ở nhiệt độ cao. “Do vậy, gen có trong thực phẩm sẽ không tồn tại khi nướng hoặc luộc. Đây chính là lý do khiến thực phẩm biến đổi gen an toàn với người sử dụng” - GS Lân Dũng nói.

Theo GS Dũng, đã từng có tờ báo nước ngoài đăng tải thông tin chuột bị ung thư khi cho sử dụng thực phẩm biến đổi gen. “Tuy nhiên, các kiểm chứng độc lập cho thấy thực tế bệnh ung thư trên chuột thí nghiệm này không có mối liên hệ với thực phẩm GMO. Bài báo này sau đó bị gỡ bỏ” - GS Lân Dũng cho biết thêm.

Phải dán nhãn để người dân lựa chọn

Theo Thông tư liên tịch 45/2015 của Bộ KH&CN và Bộ NN&PTNT, từ 8-1-2016, thực phẩm GMO được đóng gói sẵn bắt buộc phải dán nhãn bằng tiếng Việt có ghi rõ “biến đổi gen”. Tuy nhiên, việc này vẫn chưa được quy định chặt chẽ bởi việc ghi nhãn chỉ áp dụng đối với sản phẩm đóng gói sẵn, còn thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến nhưng không bao gói không phải tuân thủ.

“Cho dù thực phẩm GMO an toàn nhưng chúng tôi vẫn muốn mình được quyền lựa chọn, quyết định có ăn hay không. Quy định đã có thì phải dán tem cho rõ ràng” - chị Lê Thanh Thủy, phường Linh Đông, quận Thủ Đức, nêu ý kiến.

Luật gia Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, cho rằng quy định ghi nhãn “biến đổi gen” đã có hơn một năm nay nhưng thực tế chưa thấy có sản phẩm được ghi nhãn với cụm từ này. Cơ quan quản lý cần kiểm tra, rà soát và yêu cầu doanh nghiệp thực hiện đúng quy định. Bà Thu cũng xác nhận hiện không có quy định ghi nhãn với nông sản GMO được bán trực tiếp, không bao gói. Nông dân mua giống có biến đổi gen hay không cũng không biết, cứ trồng xong, thu hoạch rồi đem bán. Do vậy, người mua cũng không có thông tin gì để lựa chọn.

_______________________________

Năm 2013, tạp chí Food and Chemical Toxicology đã rút lại một bài báo với nội dung bắp biến đổi gen và thuốc diệt cỏ Roundup là nguyên nhân gây ung thư và chết non trên mô hình chuột. Tổng biên tập của tạp chí nói rằng nghiên cứu này sử dụng quá ít chuột thí nghiệm và giống chuột được sử dụng này lại rất nhạy cảm với bệnh ung thư.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm