Thực phẩm, giá cước rục rịch tăng theo giá xăng

Xăng dầu tăng giá nên cước vận tải, sắt thép, hàng hóa khác sẽ tăng giá là điều khó tránh. Tuy nhiên, việc tăng giá cho phù hợp với mức tăng của giá xăng dầu, tránh tình trạng “té nước theo mưa” để kiếm lời lại là điều không dễ…

Giá cước sẽ tăng trong 20 ngày tới

Tại Hà Nội, theo ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Taxi Hà Nội, giá cước taxi sẽ phải điều chỉnh tăng 1.700-2.000 đồng/km. Việc tăng giá này không hẳn vì giá xăng dầu mà còn do nhiều yếu tố khác như giá trước bạ tăng, giá dầu tăng… “Thực ra, ngay dịp tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp (DN) taxi ở Hà Nội dự định tăng giá cước nhưng không tăng. Nay giá xăng tăng cao, DN phải tăng giá cước” - ông Bình nói.

Tại TP.HCM, các DN vận tải cũng rục rịch tăng giá cước. Theo ông Thái Văn Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải Hàng hóa TP, vì giá xăng dầu luôn biến động theo thị trường nên trong các bản hợp đồng giữa hãng xe tải với chủ hàng đều có điều khoản về việc sẽ tăng giá cước khi giá xăng dầu tăng. “Nguyên tắc tăng giá cước vận tải hàng hóa là đủ bù đắp chi phí mua xăng dầu tăng giá!” - ông Chung cho biết.

Ông Trần Thanh Bảo, Trưởng ban Điều hành Hãng xe Thiên Phú, thông tin: Giá xăng dầu tăng làm 70 xe chạy tuyến Bến xe Miền Đông - Vũng Tàu của hãng phải chi thêm 7-10 triệu đồng/ngày. Chi phí tăng nhưng hãng chưa thể tăng giá vé ngay vì hiện đang là mùa vắng khách!

Thực phẩm, giá cước rục rịch tăng theo giá xăng ảnh 1

Nhiều hãng taxi ở Hà Nội đang rục rịch tăng giá cước.

Ông Nguyễn Ngọc Thừa, Giám đốc Bến xe Miền Đông, nhận định: Đến mùa cao điểm đi lại 30-4 có thể có hãng sẽ tăng giá vé.

Theo một chuyên viên Sở GTVT, giá vé xe buýt chưa thể tăng ngay vì chủ trương bình ổn giá và khuyến khích người dân đi xe buýt của TP.

Tại Đà Nẵng, ông Lê Viết Hoàng, Giám đốc Công ty Cổ phần Vận tải và Quản lý Bến xe Đà Nẵng, cho hay các nhà xe do đơn vị quản lý vẫn chưa được phép tăng giá và phải đợi ý kiến của các đơn vị liên quan. Đến giờ chưa có DN vận tải nào xin tăng giá cước.

Các hãng taxi hưởng lợi?

Giá cước vận tải, taxi sẽ tăng nhưng tăng thế nào là hợp lý?

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam phân tích: “Ngay sau khi giá xăng tăng 2.100 đồng/lít, chúng tôi đã tính toán tất cả chi phí vận tải và thấy rằng cước taxi chỉ cần tăng khoảng 5%, tức là tăng vào khoảng 500-700 đồng/km là đủ bù đắp mức tăng của nhiên liệu. Còn nếu các hãng tính tăng đến gần 2.000 đồng/km, tương ứng với mức tăng 15%-20% là cao, không phù hợp”.

Anh Nguyễn Văn Hòa, tài xế taxi nhiều năm ở Hà Nội, cũng cho rằng nếu tăng 1.700-2.000 là “quá hớp”. Anh phân tích: Một xe taxi tiêu hao khoảng 15 lít xăng/100 km. So với giá xăng dầu mới, chi phí nhiên liệu sẽ mất thêm hơn 30.000 đồng/100 km. Vì vậy chỉ cần tăng khoảng 500 đồng/km là đủ so với mức tăng của nhiên liệu.

“Dường như sau mỗi lần xăng dầu tăng giá và điều chỉnh giá cước thì DN vận tải có lợi hơn trước. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước cần phải giám sát chặt chẽ, không thể dễ dãi cho các DN tăng giá tùy tiện” - anh Hòa nói.

Đối với các loại hình vận tải khác như cước xe khách, cước tàu hỏa, cước hàng hóa bằng ô tô và đường sắt, theo tính toán mức tăng cũng sẽ vào khoảng 2%-5%. Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng có lẽ chỉ có cước vận tải hàng hóa là sẽ điều chỉnh, còn với xe khách hoạt động trên các tuyến ngắn (vài trăm kilomet trở xuống) sẽ không tăng. Hiệp hội đã khuyến cáo các DN vì tăng 1.000-2.000 đồng/khách chẳng đáng là bao so với chi phí mà họ phải bỏ ra để in lại vé và các thủ tục khác.

Các công ty lữ hành sẽ tăng 5% giá tour trong dịp lễ

Giá thực phẩm vẫn ổn định.

“Giá xăng tăng đột ngột nên các hãng lữ hành chưa trở tay kịp và chúng tôi trông chờ vào các đối tác. Nếu họ tăng thì mình cũng phải tăng thôi” - ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt, cho biết. Ông Mỹ dự đoán khó có khả năng điều chỉnh giá tour trong dịp lễ tới vì các hãng lữ hành đã bán hết tour.

Phó Giám đốc Công ty Du lịch Thế Hệ Mới Trần Thế Dũng thông tin: Phần lớn các tour cho dịp lễ sắp tới đã hoàn tất cách đây từ ba, bốn tháng nên sẽ không tăng giá vì ngại bội tín với khách hàng. Thời gian tới, rất có thể các hãng lữ hành sẽ tăng 5% so với giá trước ngày tăng giá xăng.

- Ngày 8-3, giá thực phẩm tại một số chợ như Tân Sơn Nhất, Bà Chiểu, Gò vấp… vẫn đang ổn định: Thịt ba rọi, thịt đùi khoảng 85.000 đồng/kg, nạc 90.000đồng/kg. Mồng tơi 5.000 đồng/bó, cà chua 8.000-10.000 đồng/kg, cà rốt 12.000-15.000 đồng/kg…

Giá cả tại chợ đầu mối Bình Điền tương đối ổn định: Gà nguyên con 40.000 đồng/kg, ghẹ 115.000 đồng/kg. Một số mặt hàng giá giảm nhiều như cá bạc má 42.000 đồng/kg (giảm 32% so với tháng trước); cá thu 100.000 đồng/kg, thịt heo bên 60.000 đồng/kg, mực lá 160.000 đồng/kg… Theo vị đại diện chợ này, những lần tăng giá xăng trước đây ảnh hưởng ngay đến giá nông sản thực phẩm, sau đó mới tăng nhiều.

V.HOA - T.UYÊN

NHÓM PV

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm