Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ còn diễn ra trong sáng 26-7, nên từ 3 giờ sáng nay, nhiều người đã tập trung tại các lối vào Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội).
Tất cả đều chuẩn bị trang phục chỉnh tề với mong muốn được đứng trước linh cữu Tổng Bí thư để cúi chào tiễn biệt ông về với Đất Mẹ.
Là người đầu tiên đứng ở lối vào ngã tư Trần Hưng Đạo - Trần Thánh Tông, ông Nguyễn Văn Quế, ngụ huyện Mê Linh, Hà Nội cho biết hôm qua ông có đến quê nhà Tổng Bí thư ở thôn Lại Đà (xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Hà Nội) nhưng người quá đông, chờ cả ngày vẫn không đến lượt.
Đến 20 giờ, ông quyết định về nhà rồi ăn vội bát cơm và chờ cho trời ngớt mưa rồi đi xe máy vượt 40 km lên trung tâm Hà Nội.
Có mặt ở Nhà tang lễ Quốc gia lúc 3 giờ sáng, ông Quế thức trắng, không dám đi xa vì sợ mất chỗ, một người dân thấy ông đứng cả đêm nên cho ổ bánh mì. Vừa ăn xong ông lại khát nước nhưng chẳng dám đứng dậy đi mua, bởi người dân đã xếp hàng dài cả km.
Dù vậy, ông Quế nói rất mừng vì lần này chắc chắn sẽ kịp vào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để tiễn biệt: “Bởi từ trước đến nay, tôi luôn mến mộ bác Trọng, đặc biệt trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Mong rằng qua hình ảnh người dân vào viếng bác Trọng sẽ thôi thúc những người kế nhiệm cống hiến nhiều hơn cho Tổ quốc, như bác Trọng đã làm" - ông Quế chia sẻ.
Có mặt trong dòng người vào viếng Tổng Bí thư, bà Phạm Lan Phương cho biết hôm nay, cả phố Thiền Quang (nơi ở của Tổng Bí thư) đều vào đứng trước linh cữu để cúi chào tiễn biệt Tổng Bí thư về với Đất Mẹ.
Được gặp vợ chồng Tổng Bí thư nhiều lần, bà Phương nói cả gia đình ông đều rất gần dân, sống tình cảm, nên được bà con lối xóm yêu mến. Dẫu biết rằng ai rồi cũng phải rời xa thế gian nhưng sự ra đi của bác Trọng để lại quá nhiều tiếc nuối cho Đảng và Nhân dân.
“Nhìn hình ảnh người dân xếp hàng dài từ chiều hôm qua đến sáng nay, chúng ta có thể cảm nhận được sự đóng góp của Tổng Bí thư đối với đất nước lớn đến nhường nào.
Tôi tin chắc những nhà lãnh đạo nếu cuộc đời cống hiến vì nước, vì dân đều sẽ được dân yêu, dân quý. Bởi lẽ mỗi việc làm của cán bộ đều được dân dõi theo, cảm nhận một cách đầy đủ và công bằng nhất…” - bà Phương chia sẻ.
Cũng xuất phát từ tình cảm đó, bà Vũ Thị Hoa, 70 tuổi, ngụ Thái Bình, nói chưa từng gặp Tổng Bí thư nhưng khi biết tin ông mất bà muốn một lần được đứng trước linh cữu để tiễn biệt ông về với Đất Mẹ.
Có mặt ở Nhà tang lễ Quốc gia lúc 3 giờ 30 phút, bà Hoa ngồi bệt xuống đường để chờ đến lượt viếng. Bà hơi mệt vì di chuyển chặng đường xa lên Hà Nội nhưng hạnh phúc bởi sắp được vào viếng Tổng Bí thư. Đó là người bà rất quý mến, vì dành cả cuộc đời lo cho dân.
“Bác Trọng đi còn nhiều việc dang dở, nhưng bác Trọng cũng đã lo cho nước cho dân đến hơi thở cuối cùng… Đây là điều mà ít ai có thể làm được cho đất nước này” - bà Hoa nói rồi chống tay lên đầu gối tập tễnh bước đi theo dòng người vào tiễn biệt Tổng Bí thư về với Đất Mẹ.
Ông Trần Ngọc Thảo, lớp văn khóa 8, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp nghe tin bạn mất đã từ Hải Phòng lên Hà Nội từ sáng sớm. Ông nói: “Chúng tôi đã mất đi một người bạn lớn. Từ nay, các cuộc họp lớp sẽ vắng anh. Nói bao điều cho đủ về sự mất mát này. Những người còn lại không bao giờ quên hình ảnh của anh.
Tôi là người làm văn hoá nên tôi tâm đắc với tinh thần Hội nghị văn hoá toàn quốc lần thứ 2. Anh là hình mẫu con người văn hoá. Gặp anh, luôn thấy từ anh nụ cười tình cảm, sự hoà đồng.
Có thể nói, Chủ tịch Hồ Chí Minh là tinh hoa của văn hoá dân tộc, còn anh là một mẫu mực văn hoá Việt Nam tiên tiến hiện nay và là tấm gương cho thế hệ sau noi theo. Chúng tôi đau xót, thương tiếc người bạn lớn” - ông Trần Ngọc Thảo chia sẻ.