Vừa qua, báo Pháp Luật TP.HCM có bài viết: “TP.HCM: Nhiều giáo viên phấn khởi vì thưởng Tết” về nội dung nhiều giáo viên (GV) tỏ ra bất ngờ vì được thưởng Tết nhiều hơn so với mọi năm. Theo đó, mỗi trường có cách tính toán chi khoản thu nhập tăng thêm cho GV khác nhau nhưng sẽ cố gắng để GV có cái Tết ấm no và tươm tất.
Bình luận về bài viết, nhiều bạn đọc vui mừng cho quý thầy cô giáo vì được thưởng Tết nhiều hơn những năm trước. Bên cạnh đó, bạn đọc cũng mong muốn mỗi hiệu trưởng cần có cách tính toán, thu chi hợp lý để vừa đầu tư cho các hoạt động giáo dục của trường vừa tiết kiệm cho khoản thu nhập tăng thêm của GV.
Mừng vì thầy cô được ăn Tết lớn
Bạn đọc Ngoc Mai bình luận: “Sau khi đọc bài viết, tôi rất mừng cho các thầy cô giáo. Cả năm giảng dạy vất vả, thầy cô nào cũng mong được thưởng Tết xứng đáng với công sức bỏ ra. Đây cũng là động lực giúp họ yên tâm công tác”.
“Tết nào tôi cũng gửi ít bánh, thùng mì, có năm sên mứt để tặng GV coi như chút quà mọn. Thầy cô đã tận tâm dạy học, giúp đỡ con tôi tiến bộ hơn nên đó cũng như một lời cảm ơn, lời chúc năm mới mạnh khỏe, ấm no, hạnh phúc” – bạn đọc Thiên Thư viết.
Bạn đọc Văn Phải chia sẻ: “Cả năm vất vả, GV mong nhận thưởng Tết hậu hĩnh để còn lo cho gia đình, sắm sửa quần áo, mua vé về quê,… là điều dễ hiểu. Không chỉ GV mà các y bác sĩ cũng cần được thưởng Tết lớn vì những gì họ cống hiến cho xã hội”.
Bạn đọc Bảo Phong cho rằng: “Thầy cô ở các vùng khó khăn, miền núi cũng cần có sự quan tâm và động viên từ các cấp lãnh đạo mỗi dịp Tết đến xuân về. Không ít thầy cô còn trích lương, thưởng của bản thân để lo cho học sinh, giúp các em có áo mới để mặc, có bánh kẹo ngon để ăn. Hy vọng là thưởng Tết của GV vùng cao sẽ tốt hơn để họ trang trải cuộc sống, vững tâm công tác tại điểm trường”.
Cần quản lý tài chính trong nhà trường hiệu quả
Bạn đọc Ngọc Huân chia sẻ: “Việc mỗi trường có số tiền thưởng Tết khác nhau phụ thuộc vào khả năng quản lý tài chính của hiệu trưởng. Theo tôi được biết thì một số trường tiết kiệm quá mức, không tập trung đầu tư cơ sở vật chất, các hoạt động chuyên môn để chi cho thu nhập tăng thêm cho GV. Như vậy sẽ gây thiệt thòi cho học sinh và khiến nhiều phụ huynh cảm thấy không hài lòng”.
“Có trường thì tập trung cho các hoạt động giáo dục, cho học sinh nên khoản dư không nhiều, ảnh hưởng đến thưởng Tết của GV. Sau đó, lại vận động phụ huynh đóng góp để tăng thêm mức thưởng coi như góp chút ít để thầy cô về quê ăn tết, sắm sửa đồ mới,… Làm như vậy thì phụ huynh và GV rất bối rối, vô tình tạo ra tình huống có phần gượng ép, khó nói” – bạn đọc Nguyễn Thị Ly viết.
Bạn đọc Mai Mai nêu: “Để tránh hai tình huống như trên xảy ra, tôi đề nghị cần có nhân lực hỗ trợ, cố vấn quản lý tài chính trong nhà trường. Đồng thời, cần có hướng dẫn về thu chi nhằm đảm bảo đầu tư giáo dục hiệu quả và chi thu nhập tăng thêm cho GV. Tôi cũng mong chính sách tiền lương GV sẽ sớm được triển khai để thầy cô đỡ gánh nặng cuộc sống, không chỉ trông chờ mỗi tiền thưởng Tết cuối năm”.