Thường trực Ban Bí thư: 'Tại sao vẫn còn cán bộ vi phạm?'

(PLO)- "Có phải cán bộ chưa biết sợ hay lòng tham không đáy nên còn xảy ra nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp?" - Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đặt vấn đề.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 10-1, Ban Nội chính Trung ương tổ chức hội nghị tổng kết công tác ngành nội chính Đảng và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) cấp tỉnh năm 2023, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đã đến dự và có những đánh giá về kết quả của ngành nội chính Đảng trong năm qua, đồng thời đặt ra nhiều vấn đề trong năm 2024 mà công tác nội chính Đảng cần quan tâm.

Thường trực Ban Bí thư: "Tại sao vẫn còn cán bộ vi phạm?"-nganh-noi-chinh-dang-2023-thuong-truc-ban-bi-thu.jpg
Hội nghị tổng kết ngành nội chính Đảng sáng 10-1. Ảnh: TTXVN

Hệ thống kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng dần hoàn thiện

Thường trực Ban Bí thư điểm lại bốn kết quả nổi bật đã đạt được trong nửa đầu nhiệm kỳ cũng như trong năm 2023 của ngành nội chính và ban chỉ đạo các địa phương.

Cụ thể, Ban Chỉ đạo các tỉnh đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư, tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở địa phương.

Trong năm qua, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã nỗ lực, đôn đốc các cơ quan chức năng ở các địa phương khởi tố mới 763 vụ án về tham nhũng, con số này tăng gần 2 lần so với năm 2022. Một số vụ án lớn kéo dài đã được chỉ đạo khẩn trương xem xét, xử lý, với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, khắc phục tình trạng "trên nóng dưới lạnh"...

Cạnh đó, Ban Nội chính Trung ương đã luôn chủ động tham mưu các chủ trương, chính sách lớn mang tính chiến lược với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Nội chính Trung ương đã đề xuất 18 đề án lớn với Trung ương, các ban chỉ đạo. Những đề xuất này không chỉ dừng lại ở công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, mà còn tham mưu về cơ chế kiểm soát quyền lực, cơ chế chỉ đạo, phối hợp, phát hiện, xử lý tài sản tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng, cơ chế phân hóa xử lý hình sự một số vụ án lớn, vụ việc lớn được dư luận xã hội quan tâm.

Từ đây, góp phần tăng cường sự đồng bộ, thống nhất, phối hợp xử lý kỷ luật của Đảng, kỷ luật hành chính, hình sự vừa nghiêm minh, vừa nhân văn...

Thường trực Ban Bí thư: "Tại sao vẫn còn cán bộ vi phạm?"-thuong-truc-ban-bi-thu-noi-ve-can-bo-tham-nhung-tieu-cuc.jpg
Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai trao đổi tại hội nghị. Ảnh: TTXVN

Đặc biệt, bà Mai nhấn mạnh trong nhiệm kỳ này, lần đầu tiên, Bộ Chính trị ban hành ba quy định về kiểm soát quyền lực và phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong các công tác cán bộ, kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.

Tới đây, hai quy định về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xây dựng, ban hành chính sách pháp luật, quản lý tài sản công, sẽ tiếp tục được ban hành.

Theo Thường trực Ban Bí thư, năm quy định này hợp lại thành một hệ thống kiểm soát quyền lực, góp phần hoàn thiện nguyên tắc về tổ chức bộ máy Nhà nước, đó là quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa lập pháp, hành pháp, tư pháp và kiểm soát quyền lực.

"Tại sao vẫn còn cán bộ vi phạm?

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong năm qua. Đó là nơi này, nơi kia việc thực hiện nhiệm vụ nội chính, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn hạn chế, chưa thật quyết liệt, quyết tâm cao.

"Có nơi còn e ngại, sợ đụng chạm, sợ ảnh hưởng đến thành tích" - bà Trương Thị Mai nói.

Bà điểm lại, trong số 83 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị xử lý, có 59 cán bộ vi phạm do các nhiệm kỳ trước đây, 24 cán bộ vi phạm trong nhiệm kỳ này.

Ở các nhiệm kỳ trước, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả quan trọng. Qua đó, chỉ số minh bạch của Việt Nam đã thăng hạng rất đáng kể.

"Nhưng tại sao vẫn còn cán bộ vi phạm? Cán bộ chưa biết sợ hay là lòng tham không đáy nên còn để xảy ra nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp? Có những vụ việc liên quan nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, liên quan cả trung ương, cán bộ địa phương.

Sự việc nào cơ bản cũng có móc nối giữa cán bộ nhà nước với thành phần thoái hóa, biến chất làm thiệt hại, thất thoát lớn tài sản nhà nước, nhân dân"- bà Trương Thị Mai nói.

Nhắc đến báo cáo của Thanh tra Chính phủ trước đây các vụ việc khiếu kiện phức tạp chủ yếu liên quan đến đất đai thì nay còn liên quan đến đấu thầu, sử dụng tài sản công, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, đăng kiểm

Vì vậy, bà Trương Thị Mai đề nghị các cơ quan tiếp tục nghiên cứu đánh giá, phân tích đầy đủ nguyên nhân khách quan, chủ quan việc vi phạm của cán bộ trong nhiệm kỳ này, để có biện pháp khắc phục tốt hơn.

Cạnh đó phải làm sao tạo khuôn khổ pháp lý minh bạch, rõ ràng, làm sao vạch được ranh giới đỏ cho cán bộ dám làm vì lợi ích chung mà không phải e ngại, sợ sệt.

"Từng cơ quan, từng tổ chức, từng địa phương phải hết sức chú trọng việc tự rèn luyện, tự soi, tự sửa, gương mẫu, nói phải đi đôi với làm, nhất là người đứng đầu, cán bộ quản lý. Cán bộ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu..." - Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh.

Nhấn mạnh phương châm "phòng bệnh hơn chữa bệnh", Thường trực Ban Bí thư lưu ý cần rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật trong các lĩnh vực có vi phạm phổ biến thời gian qua, làm sao tạo khuôn khổ pháp lý minh bạch, rõ ràng để cán bộ không phải e sợ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm