Thường trực Ban Bí Thư: 'Tôi nhìn thấy sự quyết tâm rất cao của TP.HCM trong nhiệm kỳ này'

(PLO)- Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai cho biết TP.HCM đã bố trí 31 Bí thư, 31 Chủ tịch cấp quận và 312 Bí thư, 308 Chủ tịch cấp phường không phải người địa phương làm lãnh đạo chủ chốt.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 15-7, tại Hội nghị đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai nhìn nhận bối cảnh nửa nhiệm kỳ vừa qua của TP.HCM có nhiều điểm khác biệt so với các địa phương trên cả nước.

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai phát biểu tại hội nghị. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

TP.HCM có nhiều điểm sáng kinh tế - xã hội

Theo bà Trương Thị Mai, những gì TP.HCM đã trải qua trong đại dịch COVID-19 là những gì mà chúng ta chưa bao giờ phải đối mặt. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, TP.HCM đã có nhiều nỗ lực, nghiêm túc quán triệt cụ thể hoá Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng gắn với các Nghị quyết Đảng bộ TP lần thứ XI và các quy định của Trung ương để đưa các nghị quyết đi vào cuộc sống.

Điểm qua những nỗ lực, kết quả đạt của TP.HCM trong nửa nhiệm kỳ qua, bà cho rằng: “Mặc dù có khó khăn nhưng TP.HCM có nhiều điểm sáng về mục tiêu kinh tế - xã hội”.

Theo bà Trương Thị Mai, gần đây TP tiếp tục đầu tư đưa vào sử dụng nhiều công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, đẩy mạnh chuẩn bị triển khai các dự án kết nối vùng như Vành đai 2, Vành đai 4, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, cầu Cần Giờ…

Bà Trương Thị Mai chia sẻ khó khăn với TP và nhìn thấy được những nội lực, sự quyết tâm của TP. “Tôi nhìn thấy sự quyết tâm rất cao của TP trong nhiệm kỳ này” - bà khẳng định.

682 Bí thư, Chủ tịch không phải người địa phương

Về thực hiện chủ trương bố trí lãnh đạo chủ chốt không phải người địa phương các cấp, TP.HCM đã bố trí 31 Bí thư, 31 Chủ tịch cấp quận và 312 Bí thư, 308 Chủ tịch cấp phường không phải người địa phương.

Với kết quả này, TP.HCM đã đạt được mục tiêu của Nghị quyết 26/2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.

Thường trực Ban Bí thư TRƯƠNG THỊ MAI

Về vận hành chính quyền đô thị, Thường trực Ban Bí thư đề nghị TP cần đánh giá, đề xuất, điều chỉnh để có mô hình phù hợp với sự phát triển của TP.

Việc đại biểu Quốc hội TP, HĐND TP thay vai trò của HĐND quận, phường để giám sát 249 phường là thách thức lớn, quan trọng. Hay việc thành lập TP Thủ Đức là mô hình chưa có tiền lệ, TP.HCM phải vừa vận hành, vừa rút kinh nghiệm và có kiến nghị phù hợp. Bởi TP Thủ Đức chiếm đến 30% GDP của TP.HCM và thu ngân sách của Thủ Đức còn cao hơn nhiều tỉnh trên cả nước.

Trong công tác cán bộ, TP.HCM đã quan tâm luân chuyển cán bộ phù hợp với chức danh quy hoạch, đảm bảo cân đối hài hòa trong luân chuyển cán bộ với phát triển nguồn cán bộ tại chỗ.

“Nếu chúng ta chỉ quan tâm luân chuyển mà không phát triển nguồn cán bộ tại chỗ sẽ mất đi nguồn lực” – bà Mai nói và cho rằng đây cũng là chuyện khó của cả nước.

Khẩn trương chuẩn bị nguồn cán bộ then chốt

Trước những chỉ tiêu, mục tiêu trong Nghị quyết dự báo sẽ thực hiện khó khăn, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đề nghị TP.HCM tiếp tục tìm kiếm giải pháp giải quyết các điểm nghẽn.

“Những gì thuộc về nội lực TP thì TP tập trung, quyết tâm còn những gì liên quan tới Trung ương thì khẩn trương kiến nghị, phối hợp giải quyết" – bà nói và nhấn mạnh Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm đến sự phát triển của TP. Bà cũng kỳ vọng TP.HCM sẽ đạt những kết quả cao nhất trong nửa nhiệm kỳ còn lại.

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai tham dự hội nghị. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai tham dự hội nghị. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Bà Trương Thị Mai đề nghị trong thời gian tới TP.HCM tiếp tục gắn kết nhiệm vụ nửa nhiệm kỳ còn lại với thực hiện Nghị quyết 31, Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 98 của Quốc hội; qua đó giúp TP.HCM hoàn thành cao nhất kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XI.

TP cũng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, khắc phục hạn chế, khó khăn, điểm nghẽn, phấn đấu việc gì của mình thì mình làm, việc gì phối hợp thì phối hợp không để kéo dài, ảnh hưởng đến cơ hội, thuận lợi, phát huy tiềm năng của TP.

“Sự phát triển của TP không chỉ cho nhân dân TP trong tương lai mà còn góp phần to lớn cho sự phát triển của đất nước, khu vực” - bà nhấn mạnh.

Bà Trương Thị Mai cũng đề nghị TP.HCM chú trọng đến những vấn đề thiết yếu, liên quan đến cuộc sống của người dân như y tế, giáo dục, văn hoá, an sinh xã hội… Chủ động xử lý, kiểm soát an ninh mạng, bảo đảm sự bình an cho người dân TP, không để xảy ra điểm nóng, điểm phức tạp.

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai cùng với đại biểu nữ TP.HCM chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai cùng với đại biểu nữ TP.HCM chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Liên quan đến công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, Thường trực Ban Bí thư đề nghị TP.HCM tiếp tục xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện tiêu cực, tha hóa trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, tiếp tục xử lý đảng viên suy thoái.

Theo bà Trương Thị Mai, công tác cán bộ phải giữ vai trò then chốt của then chốt. Trong đó, TP khẩn trương chuẩn bị nguồn cán bộ then chốt, chú trọng cán bộ có phẩm chất, đạo đức tốt, trong sáng, có năng lực nổi trội, dám dấn thân, hy sinh nhất là thời điểm khó khăn của TP.

Bà nhìn nhận qua đại dịch COVID-19 có nhiều cán bộ tốt, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm dám hành động vì lợi ích chung và những cán bộ này cần được tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng. Bà cũng đề nghị TP chú trọng đào tạo cán bộ trẻ, cán bộ nữ, thực hiện có hiệu quả Kết luận 14 của Bộ Chính trị.

Đẩy mạnh kiểm tra giám sát để chủ động phòng ngừa từ xa, đặc biệt trong lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra vi phạm, những nơi có dư luận bức xúc , xã hội quan tâm...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm