Ngày 22-3, Bộ GTVT tổ chức lễ ký biên bản bàn giao chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thẩm quyền phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 1, theo hình thức hợp đồng BOT từ Bộ GTVT về UBND tỉnh Tiền Giang.
Nội dung bàn giao gồm các tài liệu liên quan đến hồ sơ dự án, hiện trường triển khai dự án, các công việc dở dang liên quan đến dự án, trách nhiệm và quyền hạn của các bên.
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận sau hơn 10 năm mới triển khai được 15%. Ảnh: ĐÔNG HÀ
Cụ thể, Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan tham mưu, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án phối hợp chuẩn bị bàn giao các tài liệu và hiện trường dự án. Đồng thời, chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các công việc đã tổ chức thực hiện đến thời điểm ngày 22-3. Bên cạnh đó, phối hợp với UBND tỉnh Tiền Giang tiếp tục giải quyết những vấn đề còn dở dang có liên quan, cũng như trong quá trình triển khai thực hiện thuộc phạm vi trách nhiệm của bộ quản lý chuyên ngành…
UBND tỉnh Tiền Giang chỉ đạo các cơ quan tham mưu tiếp nhận tài liệu và hiện trường dự án đến thời điểm bàn giao. Ngoài ra, chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với những công việc sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện từ ngày 22-3. Và kể từ ngày 22-3, UBND tỉnh Tiền Giang là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và cấp quyết định đầu tư đối với dự án, tiếp tục triển khai thực hiện dự án theo quy định của pháp luật…
Trước đó, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về xử lý vướng mắc đối với dự án BOT đầu tư xây dựng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Thủ tướng yêu cầu sử dụng vốn ngân sách tháo gỡ khó khăn cho dự án để thời gian thu phí không quá 15 năm. Cao tốc phải được thông tuyến vào cuối năm 2020, đáp ứng yêu cầu vận tải liên vùng, phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ GTVT, các bộ, ngành liên quan, UBND tỉnh Tiền Giang và nhà đầu tư cần chủ động hơn nữa trong tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ. Dự án phải thực hiện đúng trình tự quy định, đảm bảo minh bạch, chống lợi ích nhóm và không để xảy ra tiêu cực.
Thủ tướng đồng ý chuyển đổi cơ quan nhà nước quản lý từ Bộ GTVT sang UBND tỉnh Tiền Giang. Tỉnh được quyết định điều chỉnh dự án, chỉ đạo doanh nghiệp rà soát phương án tài chính trên cơ sở thay đổi cơ chế hỗ trợ quyền thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương sang ngân sách nhà nước.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an được giao chủ trì điều tra, xử lý nghiêm các vi phạm của Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh nếu có. Các vi phạm phải được khoanh vùng, xử lý riêng để không ảnh hưởng đến việc triển khai dự án.
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khởi công năm 2009, dài 51 km, đi qua 5 huyện của tỉnh Tiền Giang. Đây là dự án trọng điểm giảm tải cho quốc lộ 1A, được hàng triệu người dân miền Tây chờ đợi.
Khởi động lại từ năm 2015, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (tỉnh Tiền Giang) đến nay mới chỉ đạt 15% khối lượng thi công. Dự án chậm tiến độ do nguồn thu phí trạm TP.HCM - Trung Lương để hỗ trợ cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương án tài chính ban đầu không thực hiện được vì thay đổi của Luật Quản lý tài sản công. Nguồn này gây thiếu khoảng 3.900 tỉ đồng.
Dự án đình trệ còn do Công ty TNHH Yên Khánh, một trong 6 thành viên liên danh đang liên quan đến nhiều vụ án hình sự, các ngân hàng tài trợ không giải ngân, yêu cầu phải thay thế.
Theo UBND tỉnh Tiền Giang, Cần Thơ, do dự án chưa hoàn thành nên cứ ngày nghỉ cuối tuần, trên Quốc lộ 1 có nhiều điểm ùn ứ xe như khu vực Long Định, Cầu Rượu (huyện Châu Thành) hay An Hữu, An Cư, Cổ Cò (huyện Cái Bè)...
Nên theo các địa phương, đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận cần hoàn thành sớm. Đây là điều kiện cần thiết nhằm rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa từ Đồng bằng sông Cửu Long với TP.HCM. Từ đó, các doanh nghiệp sẽ tìm về đầu tư ở khu vực này…