Tiền rẻ như trước dịch COVID-19 đã xuất hiện

(PLO)- Biểu lãi suất tiền gửi ngày 3-10 tại Vietcombank giảm thêm 0,2 điểm % ở tất các kỳ hạn từ 3 tháng trở lên, thấp hơn giai đoạn trước dịch COVID-19.

Cụ thể, lãi suất tiết kiệm kỳ 6 tháng và 9 tháng hiện chỉ còn 4,3%/năm. Từ kỳ hạn 12 – 60 tháng cùng áp dụng chung mức lãi suất là 5,3%/năm, thấp hơn cả lãi suất huy động trong giai đoạn Covid-19.

Khoảng chưa đầy 3 tuần trước, Vietcombank giảm lãi suất với mức giảm 0,3 điểm %, giờ đây Vietcombank lại có lần giảm lãi suất thứ hai.

vay-tai-vietcombank.jpeg
Vietcombank đang có mức lãi suất tiền gửi thấp nhất trên toàn hệ thống

Trong khi đó, ba ông lớn khác là Vietinbank, BIDV và Agribank vẫn đang niêm yết mức lãi suất cũ, trong đó lãi suất tiền gửi cao nhất cũng chỉ có 5,5%/năm.

Lãi suất tiền gửi tiếp tục giảm trong bối cảnh thanh khoản trên toàn hệ thống đang rất dồi dào. Trong báo cáo phân tích mới phát hành, công ty chứng khoán BSC ghi nhận số dư Citad tại hệ thống đã lên gần 400.000 tỉ đồng, trong khi dự trữ bắt buộc chỉ ở mức khoảng 280.000 tỉ đồng.

Thanh khoản dư thừa khiến lãi suất tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng liên tục "bám sàn", càng làm nới rộng khoảng cách chênh lệch với lãi suất USD, gây áp lực lên tỉ giá.

Chính vì vậy, thời gian gần đây NHNN đã liên tục hút ròng gần 100.700 tỉ đồng trên thị trường mở với phương thức đấu thầu lãi suất, lãi suất trúng thầu trung bình 0,6% - 1%/năm.

Theo các chuyên gia kinh tế tại MSB, động thái hút ròng liên tục của NHNN thời gian qua không phải là dấu hiệu của việc đảo chiều chính sách mà là giải pháp linh hoạt, nhằm đẩy lãi suất liên ngân hàng khỏi mức sàn, hạn chế các hoạt động giao dịch chênh lệch lãi suất tiền tệ.

Tuy nhiên, lãi suất liên ngân hàng vẫn chưa nhích lên đáng kể sau những phiên hút ròng vừa qua cho thấy thanh khoản trên thị trường vẫn đang dư thừa, vì vậy hoạt động hút ròng có thể tiếp tục trong những phiên tới.

Thực tế cho thấy, trong phiên giao dịch ngày 2-10, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND đã tăng thêm 0,21 – 0,37 điểm phần trăm so với cuối tuần trước của các kỳ hạn dưới 1 tháng, nhưng hiện lãi suất qua đêm mới chỉ nhích lên 0,61%/năm, 0,77%/năm (1 tuần); 0,87%/năm (2 tuần) và 1,4%/năm (1 tháng).

Theo ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, tính đến 30-9 vốn huy động được 5,9% và tín dụng ước tăng khoảng 6,1-6,2% so với cuối năm 2022.

Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng thấp, lạm phát được dự báo vẫn kiểm soát tốt, bộ phận nghiên cứu thị trường và kinh tế toàn cầu của Ngân hàng UOB cho rằng lãi suất tái cấp vốn có thể giảm thêm 100 điểm cơ bản nữa (xuống còn 3,50%/năm).

Tuy nhiên, thời gian thực hiện có thể diễn ra trong quý IV-2023 và quyết định này cần cân nhắc khi NHNN sẽ xem xét cân đối cả rủi ro tăng trưởng và lạm phát.

Bên cạnh đó, UOB giữ nguyên dự báo lạm phát CPI của Việt Nam ở mức 3,9% cho năm 2023, số liệu mới nhất là 3,7% cho tháng 9, cao hơn nhiều so với mức thấp nhất của năm nay là 2% (tháng 6 năm 2023) và đang tiến gần hơn đến mục tiêu chính thức là 4,5%.

“Do đó, dự báo của chúng tôi về việc tiếp tục cắt giảm lãi suất của NHNN trong quý IV vẫn bị chi phối bởi các yếu tố chưa chắc chắn” - UOB nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm