Tiếng gọi trong khu phong tỏa

Từ ngày 14-7, phường Tăng Nhơn Phú A, TP Thủ Đức (TP.HCM), nơi tôi ở bị phong tỏa do số ca nhiễm COVID-19 tăng.

Nhận rau củ từ những người vô danh

Buổi sáng ngày thứ sáu kể từ khi nơi tôi ở áp dụng biện pháp cách ly y tế, phong tỏa toàn phường, đầu hẻm vang lên tiếng gọi: “Ra lấy rau củ đi mọi người ơi!”.

Như sợ không ai nghe thấy, người phụ nữ đi từng nhà gõ cửa rồi lặp lại câu nói trên. Cô bé đối diện nhà tôi mở cửa đi ra, bên trong người cha dặn với theo: “Con lấy ít thôi nhé, để phần cho người khác lấy nữa”.

Sáng hôm đó, con hẻm vốn im lìm trong nhiều ngày thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, kèm theo là lệnh phong tỏa toàn phường bỗng trở nên rộn ràng hẳn lên.

Nơi tôi đang ở, người khá giả có, sinh viên có, người lao động nghèo cũng nhiều. Đa phần chúng tôi là người ở tỉnh lên Sài Gòn học tập, làm ăn rồi lập gia đình.

Sợ mấy bạn sinh viên ở sâu dưới hẻm không biết, mấy anh trong cùng con hẻm đi xuống tận phòng gõ cửa: “Đầu ngõ có phát rau củ quả miễn phí kìa mấy đứa. Ra lấy về mà dùng chứ đừng có ăn mì tôm mãi”.

Cũng có người đứng ngần ngại cả 15-20 phút vẫn không lấy cho mình thứ gì. Khi được hỏi đến chỉ cười trừ: “Em nghĩ nhà em còn đủ dùng trong hai, ba hôm nữa nên không lấy. Em lấy, nhỡ đâu có người hôm nay, ngày mai không có gì ăn thì kỳ lắm”.

Các bạn sinh viên đi lấy rau củ từ lời gọi của anh hàng xóm.
Ảnh: THANH THÙY

Giao tiếp giữa những người hàng xóm ở khu phố trong buổi sáng hôm đó không chỉ là cọng rau, củ quả mà còn là nụ cười, sự ấm áp của tình người qua những lời hỏi han sức khỏe. Số rau củ trên là của mạnh thường quân gửi đến cho người dân trong khu phong tỏa. Hàng xóm chúng tôi kháo nhau vậy. Không ai biết mạnh thường quân đó là ai, ở đâu đến, chỉ biết sáng nay mình có thêm thực phẩm…

Đến trưa, khi đang nấu ăn thì tôi nghe có tiếng gọi bên ngoài cửa nhà. Cô hàng xóm ở hẻm phía trên đeo khẩu trang hỏi vọng vào: “Nhà con có cá để ăn không?”.

Khi tôi bảo nhà vẫn còn một ít đủ dùng, cô liền dúi vào tay tôi bịch cá nục rồi nói: “Con lấy thêm đi, không có nhiều nhưng đủ cho một bữa đó”.

Nói rồi, cô lại hỏi vọng xuống mấy nhà phía bên dưới xem nhà nào không có cá để đưa tiếp. Tôi chỉ nhớ mặt, không biết tên cô là gì…

4.206 điểm phong tỏa trên địa bàn TP.HCM tính đến ngày 30-7. Riêng TP Thủ Đức cũng đã dừng phong tỏa toàn bộ 12/12 phường với hơn 490.000 dân.

Những tiếng gọi dần trở nên quen thuộc

Một buổi sớm, khi vợ chồng tôi ngồi uống cà phê tại nhà sau bữa sáng, anh hàng xóm đi tới, đưa mấy quả chanh lên rồi bảo: “Hai đứa ơi, thiếu chanh thì xuống nhà dưới này lấy dùng nha. Có chị kia để trước cửa một thùng chanh cho mọi người ai cần thì lấy. Cứ tới lấy thôi, đừng ngại”.

Nhịp sống trong những ngày giãn cách dù có im lìm, trầm buồn nhưng có lúc vẫn vang lên những nốt bổng như vậy. Nốt bổng của lời hỏi thăm, chia nhau trái ớt, quả chanh, cọng rau… từ những con người vốn xa lạ, đến đây cùng sinh sống trong một không gian, một cộng đồng dân cư với nhau.

Sự thân tình đó có lúc chỉ đơn giản là sáng ra mở cửa, người này đứng ở cửa nhà hỏi thăm người kia: “Sáng nay dậy thấy trong người ổn không anh ơi?”.

Khi tôi đang ngồi gõ lại những khung cảnh dễ thương như vậy ở cái xóm này thì ngoài kia, anh chủ nhà trọ lại hô hào: “Rau về, mọi người ơi ra lấy rau”.

Số rau muống được anh hàng xóm mua về rồi chia đều cho mọi người. 
Ảnh: THANH THÙY

Hỏi ra mới biết, khi anh hay tin bạn cùng cơ quan có mua được rất nhiều rau, anh xin bạn một ít để chia cho bà con trong xóm. Ăn xong bữa sáng, uống xong ly cà phê là anh đánh xe đi ngay vì sợ “đi trễ hết rau ngon” cho bà con ăn.

Tiếng gọi của bất kỳ cô hàng xóm, anh hàng xóm trong những ngày qua, dần trở thành thanh âm không thể thiếu giữa nhịp sống trong những ngày giãn cách. Giữa đại dịch, đâu đó vẫn có những tiếng gọi dần trở nên thân thương bởi tấm lòng sẻ chia giữa người với người.

Đến 0 giờ ngày 26-7, UBND TP Thủ Đức đã có quyết định dừng phong tỏa đối với phường Tăng Nhơn Phú A. 12 ngày sống trong khu vực phong tỏa, dù thật sự có lo âu, bí bách nhưng đi cùng đó là những kỷ niệm rất dễ thương về tình người, tình hàng xóm mà tôi may mắn được là một phần của những trải nghiệm đó.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm