Ấy vậy mà nhiều người đã không vượt qua được trạng thái cô đơn, tuyệt vọng đến cùng cực nên để mình rơi vào sự rối loạn tâm thần dẫn đến bệnh trầm cảm, tự kỷ, cuối cùng là tự sát. Đó cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong của thanh thiếu niên và người trưởng thành dưới 35 tuổi.
Tự sát không chỉ là một hành động bộc phát đơn thuần hay kết quả của sự kích động trong chốc lát. Thực chất nó như một căn bệnh mà mỗi chúng ta đều có.
Hầu hết những vụ tự sát mà tôi biết đều có những dấu hiệu báo trước, hoàn toàn có thể ngăn chặn được và giúp họ sống tích cực hơn. Đáng tiếc, chính những người thân trong gia đình đã không quan tâm đúng mức, thậm chí còn góp phần thúc đẩy hành vi tự sát. Vì đâu?thể gặp phải trong cuộc sống. Đó là kết quả của một quá trình biến đổi, chèn ép cảm xúc khi gặp phải nghịch cảnh, hoặc những bế tắc trong quan hệ cá nhân với gia đình, bè bạn.
Tôi nhớ Q., người bạn gái lớn lên cùng mình ở miền quê yên bình. Chúng tôi đã cùng nhau trải qua một tuổi thơ với đói nghèo, khốn khó của những năm đầu thập niên 90. Hạn hán kéo dài, mùa màng gần như mất trắng nên những người dân quê tôi phải tìm đủ mọi cách để duy trì sự sống. Những người lớn nhảy tàu đi mót sắn trên Lào Cai, Yên Bái.
Lũ trẻ chúng tôi thì đi hái rau rừng giúp gia đình sống qua ngày tháng. Tôi và Q. vẫn vượt qua để trưởng thành. Cuộc sống của chúng tôi bây giờ đã no ấm, đủ đầy và tốt đẹp hơn nhiều. Vậy mà Q. lại uống thuốc trừ sâu như một sự giải thoát. May mắn, Q. được cứu sống nhưng sự việc ấy vẫn chưa nguôi ám ảnh. Người ta trách móc, thương hại và ân hận, nhất là những người đã đẩy Q. vào sự bế tắc và tuyệt vọng ấy...
Q. học xong phổ thông thì xin đi làm cho một khu công nghiệp trong thành phố. Lương công nhân ngày làm tám tiếng không đủ sống nên bạn tôi phải làm thêm bốn tiếng một ngày. May mắn là Q. lấy chồng về làm dâu trong gia đình khá giả.
Cô bằng lòng với cuộc sống của mình, nhất là khi hai đứa con lần lượt ra đời. Nhưng rồi tình hình kinh tế có nhiều biến động. Những công nhân như Q. rơi vào tình trạng thất nghiệp. Cô ở nhà nội trợ và chăm sóc con cái trong thời gian chờ việc. Tâm lý Q. bắt đầu lo lắng và bất ổn.
Hai đứa con nhỏ đang tuổi ăn học và còn hàng trăm khoản chi tiêu lớn nhỏ khác cần đến tiền, vậy mà cô không có việc làm. Đúng lúc đó, công việc kinh doanh của chồng Q. cũng gặp khó khăn.
Thế nhưng tiền bạc không hẳn là vấn đề chính dẫn đến những biến đổi tâm lý bất ổn trong Q. Tôi tin chắc việc bạn mình tự sát sẽ không xảy ra nếu người chồng không đẩy cô ấy đến bên bờ vực của sự hoang mang, tuyệt vọng. Bao nhiêu bực bội trong công việc kinh doanh thất bại, anh trút thẳng vào vợ mình, kèm theo những lời mạt sát, chửi rủa khiến Q. cùng quẫn. Cô trầm tính, ít nói hơn xưa.
Cho đến khi nhìn Q. nằm cấp cứu trong bệnh viện, tôi mới hiểu tiếng thét gào câm lặng ấy. Những người hàng xóm nói rằng họ nghe thấy tiếng đổ vỡ thường xuyên trong nhà Q., họ cũng nhìn thấy những vết thâm tím trên thịt da cô ấy.
Chồng Q. luôn cho rằng vợ mình là gánh nặng, là nguyên nhân của mọi khó khăn trong thực tại. Tôi dám chắc người đàn ông mà Q. gọi là chồng đã không hề quan tâm đến tâm trạng của vợ mình, thì còn trông mong gì sự cảm thông, chia sẻ.
Tôi xót xa khi nhìn bạn mình tìm cách kết thúc cuộc đời chỉ vì không chịu nổi sự cô đơn cùng quẫn. Một câu hỏi cứ trở đi trở lại trong đầu tôi, rằng tại sao những năm tháng đói kém nhất, cơ cực nhất người ta không bao giờ nghĩ đến cái chết, chỉ thấy sự sống đang thúc giục từng giây phút?
Vậy mà khi đời sống đã tốt hơn nhiều, chỉ cần vấp phải chút khó khăn, nghịch cảnh, người ta lại dễ dàng buông xuôi đến thế? Phải chăng cuộc sống quá nhiều áp lực đã vô tình khiến người ta không còn nhìn thấy những giá trị của chính mình? Cũng không đủ bình tĩnh, sáng suốt và lòng thương cảm để thấu hiểu những nỗi ưu phiền, đau đớn mà người khác mang vác trên vai. Nên nhiều người đã không đủ sức để kháng cự lại khi khó khăn và nỗi cô đơn ập đến.
Cũng có những bàn tay thân thuộc thay vì nâng đỡ, nắm níu lấy nhau để đi qua giông gió lại gián tiếp đẩy người thân mình xuống bờ vực thẳm. Không phải ai cũng may mắn được cứu sống như Q., và cũng có nhiều người đã phải sống cả phần đời còn lại trong nỗi giày vò, ân hận khi đã quá muộn màng.
Rất nhiều buổi sáng thức dậy, mở báo mạng là thông tin về một vụ tự sát do mâu thuẫn vợ chồng với các dòng tít đủ điếng lòng: Mẹ ôm con nhảy lầu tự tử vì mâu thuẫn với chồng; bỏ mìn vào miệng tự tử vì mâu thuẫn với vợ; chồng treo cổ tự tử…
Đành rằng những mâu thuẫn vợ chồng không phải lúc nào cũng phân định được đúng - sai. Đôi khi cả hai đều là người có lỗi, đều mang đến những tổn thương cho nhau, nhưng vấn đề nằm ở chỗ họ thường không lắng nghe nhau nói.
Nên có những nỗi niềm không được giải tỏa, bao nhiêu oan ức không một ai thấu hiểu. Họ dùng cái chết, vừa như một sự giải thoát để không phải đối mặt với những sự việc đang xảy đến với mình, lại vừa như một tiếng thét gào hả hê với đời và với người.
Cũng giống bi kịch của chú tôi khi tự tẩm xăng vào người để biến mình thành ngọn đuốc. Đó là nỗi uất ức tột cùng của một người chồng không bảo ban được vợ, người bố không dạy nổi con. Chú tôi ốm đã lâu, một phần vì bệnh tật, một phần vì nghiện rượu khiến sức khỏe kiệt quệ. Chú chỉ ở nhà chăn nuôi và chăm sóc vườn tược suốt nhiều năm nay. Dù nghèo nhưng cô chú luôn cố gắng chăm lo cho các con thật tốt, từ việc nuôi ăn học đến việc dựng vợ gả chồng.
Thời gian gần đây có vài mâu thuẫn xảy ra, ban đầu chỉ là việc vợ chồng không hiểu nhau nhưng cuối cùng lại thành ra chuyện lớn. Đành rằng chú hay say rượu là sai, nhưng cách mà mấy mẹ con cô bỏ bê chú ở nhà một mình trong lúc ốm đau là điều đáng buồn.
Không chỉ vậy, cô còn luôn tìm mọi lời sỉ nhục chú trước mặt mọi người. Tệ hơn nữa, cô dạy các con chống lại và coi khinh bố chúng. Tôi đã từng nhiều lần thấy chú khóc, từng nghe mọi người kể chú bị đánh chửi thế nào. Đã có lúc vì cô độc quá chú cậy nhờ anh em, họ hàng, thậm chí người dưng bênh vực cho mình.
Nhưng bao nhiêu an ủi của người đời cũng không sao lấp đầy được nỗi đau trong chú. Cuối cùng, vì không chịu nổi sự uất ức dồn nén, chú tôi đã chọn cách kết thúc cuộc đời mình trong bi kịch. Chú châm mình thành ngọn lửa cháy trước mặt vợ con và hét lên đau đớn. Ngọn lửa ấy không một ai dập tắt nổi, dường như nó vẫn còn âm ỉ cháy rất lâu trong lòng người ở lại.
Khi để một người nào đó tự tìm đến cái chết thì đó là sự thất bại của gia đình và xã hội. Buồn thay khi nhận ra, con người ta đang ngày càng khó thích nghi với những biến động của đời sống xã hội. Ý nghĩ tự sát giờ lây lan như một thứ virút nguy hiểm. Nếu mỗi người biết lắng nghe nhau để thấu hiểu và đồng cảm, hẳn đã bớt đi nhiều bi kịch. Tôi luôn cho rằng sự kết nối tốt đẹp và tích cực ấy phải được bắt đầu từ chính trong mỗi gia đình...
Theo Vũ Thị Huyền Trang (PNO)