Tiếng Việt & giọng nói

Nhân nhắc tới cuốn “Tự vị…” vừa phát hành, tác giả Vương Hồng Sển đã rất giận dữ khi phát hiện quá nhiều lỗi chính tả của sách - nhiều lỗi khá trầm trọng do người biên tập hay người sửa bản in không hiểu những cách nói của người miền Nam nên đã sửa sai ý tác giả. Đặc biệt nghiêm trọng khi người làm sách đã tự ý sửa cái tựa sách nên cơn giận của cụ Vương lên đến đỉnh điểm. Nguyên bản của cụ Vương làTự vị tiếng nói miền Nam đã bị sửa thành Tự vị tiếng Việt miền Nam! Cụ Vương bảo, tiếng Việt là một ngôn ngữ tương đối thống nhất trong chữ viết, cách viết. Chỉ có giọng nói, tiếng nói các vùng miền có âm điệu, ngữ điệu nghe khang khác nhau thôi.

Nhà văn, nhà khảo cứu, nhà ngôn ngữ học, nhà Nam Bộ học Vương Hồng Sển năm ấy đã ngoài 90, giận run vì sự tắc trách và thiếu tôn trọng của người làm sách đối với cụ. Nhưng sách thì đã phát hành rồi nên cụ dỗi, nói: “Cuốn sách đó không phải của tôi. Con tôi mà người khác đặt tên, gán ghép nên tôi từ nó”. Tôi phải tìm cách an ủi, xoa dịu sự bực mình của lão học giả, rằng thôi để mai mốt tái bản mình sẽ yêu cầu họ sửa sai, đính chính. Cụ buồn rầu bảo:“Tôi 92 tuổi rồi, đã gần đất xa trời. Sách tôi thuộc loại kén người đọc, bán chậm, khi sách tái bản chắc tôi đã thành đất”. Hai năm sau cụ Vương mất. Không biết đến nay sách đã tái bản lần nào chưa? Và người làm sách có thực hiện ý nguyện cuối cùng của cụ Vương không?

Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm của cụ Vương Hồng Sển. Tiếng Việt là một thể thống nhất trong chữ viết và cách viết, đặc biệt trong các văn bản chính thức. Chỉ có một số phương ngữ viết, nói khác nhưng cũng chỉ phổ biến trong vùng miền đó hoặc trong các sáng tác văn học, nghệ thuật thôi. Ví dụ các từ “ông giời, giả nhời…” của người miền Bắc; “răng, rứa, mô, tê…”của người miền Trung Trung Bộ; từ “nẫu” của người Bình Định, Phú Yên; các từ “mình ên, chèn đét ơi…” của người Nam Bộ… Tuy nhiên, đó chỉ là văn nói, tiếng nói của mỗi vùng miền, còn khi viết thành văn bản thì mọi người đều phải viết “ông trời, trả lời” (thay vì ông giời, giả nhời)…; “sao rồi, như thế, ở đâu, kia kìa” (thay vì răng, rứa, mô, tê), “người ta, họ (thay vì nẫu) và “chỉ có một mình, trời đất ơi” (thay vì mình ên, chèn đét ơi)…    

Gần đây trên VTV đã có thêm vài khuôn mặt phát thanh viên mới, trong đó một gương mặt nữ nói giọng Trung - hình như giọng Huế và một nam, một nữ nói giọng Nam. Liền sau đó đã có một số ý kiến tranh luận trên một tờ báo là có nên để nhiều giọng nói nhiều vùng miền trong cả nước tham gia làm phát thanh viên truyền hình hay duy nhất chỉ giọng Hà Nội. Cuộc tranh luận có cả sự tham gia của mấy nhà ngôn ngữ học, xã hội học nhưng cũng chưa đi đến đâu. Theo tôi, vì VTV là đài truyền hình quốc gia nên cần có nhiều tiếng nói các vùng miền để thể hiện tính đại đoàn kết dân tộc, miễn sao giọng đọc hay, dễ nghe và dĩ nhiên phải phát âm đúng chính tả! Điều đáng lưu ý là nhiều phát thanh viên đài phát thanh - truyền hình địa phương thường đọc giọng địa phương nên đôi khi người vùng khác nghe hơi khó hiểu. Ngay cả một đài truyền hình lớn như HTV mà nhiều phát thanh viên đọc giọng “đặc sệt” Nam Bộ, nhiều người ở nơi khác nghe khó phân biệt được ngữ nghĩa. Ví dụ, các từ “liên hoan” và “liên quan” đều được đọc là “liêng quang”; từ “ủy ban” thì đọc thành “quỷ bang”! Không biết chương trình đào tạo của các trường phát thanh - truyền hình có những mục này không?

Nhân đây cũng xin góp thêm với các phát thanh viên, biên tập viên VTV - đặc biệt với các bình luận viên thể thao quốc tế và phát thanh viên bản tin thế giới một ý “nhỏ mà không nhỏ”: Nên thống nhất cách đọc tên các cầu thủ, huấn luyện viên hoặc nhân danh, địa danh nước ngoài. Xin nêu một trường hợp: Trong bản tin thế giới trên VTV tối 12-9, biên tập viên Hương Linh đọc địa danh New York là Niu-óoc, cùng lúc phóng viên Trần Hà thường trú tại Mỹ đọc khá chuẩn là Niu-zóoc. Và cũng trong bản tin thể thao tối cùng ngày, bình luận viên đọc tên HLV người Pháp của đội U-19 Việt Nam, ông Graechen, là Gra-sen, còn người đọc tin thì đọc Gra-sân. Xin miễn bàn. Nói theo nhà văn trào phúng Lê Văn Nghĩa là “nô tế bồ”.

PHẠM CHU SA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm