Tiếp sức cho bệnh nhân bằng cái nắm tay nhiều giờ liền

(PLO)- Để cụ bà 77 tuổi vượt qua nỗi sợ khi làm phẫu thuật, điều dưỡng Châu Thị Yến Trinh, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, đã ngồi cạnh băng ca nắm tay cụ suốt nhiều giờ liền.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vừa qua trên mạng xã hội xuất hiện tấm hình một điều dưỡng ngồi sụp cạnh băng ca, nắm chặt tay bệnh nhân đang được phẫu thuật.

Việc bình thường của điều dưỡng

Tấm hình sau đó được xác nhận là do BS Từ Kim Thanh, Trưởng khoa Nội tiết - Thận, BV Lê Văn Thịnh (TP.HCM) chụp lại qua camera giám sát, điều dưỡng trong hình là chị Châu Thị Yến Trinh, Bệnh viện (BV) Lê Văn Thịnh, TP Thủ Đức, TP.HCM.

Hình ảnh chị Châu Thị Yến Trinh ngồi sụp cạnh băng ca, nắm chặt tay bệnh nhân là một cụ bà 77 tuổi đang được phẫu thuật. Ảnh: BVCC

Hình ảnh chị Châu Thị Yến Trinh ngồi sụp cạnh băng ca, nắm chặt tay bệnh nhân là một cụ bà 77 tuổi đang được phẫu thuật. Ảnh: BVCC

Ngắm tấm hình, chị Trinh kể cụ bà 77 tuổi mà chị nắm tay hôm đó đã chạy thận 10 năm ở cơ sở khác. Cụ được mổ tạo cầu nối động – tĩnh mạch ở 2 tay, 2 đùi nhiều lần, mạch máu xơ vữa nhiều. Khi chuyển đến BV Lê Văn Thịnh, BS phải thực hiện thủ thuật đặt đường hầm bên cổ trái để lọc máu.

“Tôi nhớ là lúc đó bà cụ sợ đau nên không chịu làm, còn nói "Để bà chết cho rồi!". Tôi an ủi "Bà cố gắng lên, ở đây bà là người may mắn hơn nhiều bệnh nhân khác vì có con cái lo lắng, quan tâm". Cụ gật đầu đồng ý nhưng muốn được tôi nắm tay cho đỡ sợ. Khi ấy tôi vừa kết thúc 12 tiếng làm việc, tính nghỉ ngơi xíu nhưng nghe vậy tôi đã ngồi lại cho cụ nắm tay từ khi bắt đầu đến phẫu thuật kết thúc" - chị Trinh kể.

Chị Trinh ân cần đỡ bệnh nhân dậy sau khi đã chạy thận xong. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Chị Trinh ân cần đỡ bệnh nhân dậy sau khi đã chạy thận xong. Ảnh: THẢO PHƯƠNG


Nói rồi chị cười bảo chuyện có gì đâu, những việc này là bình thường với điều dưỡng. Suốt 4 năm làm việc ở đây chị đã gặp nhiều trường hợp như vậy. "Những ca khác tầm hai tiếng đã xong. Ca này khó, gặp một số trục trặc, thủ thuật kéo dài hơn so với dự kiến. Hôm đó tới 2 giờ rưỡi là ra ca nhưng cuối cùng kéo dài tới hơn 5 giờ chiều".

Gia đình là động lực lớn nhất!

Làm điều dưỡng, nhìn những bệnh nhân đang chạy thận nhưng không đủ kinh tế nên bỏ giữa chừng, một thời gian sau thì mất, chị nhiều lúc cảm thấy bất lực vì không giúp được gì. “Chúng tôi luôn muốn càng nhiều bệnh nhân khỏi bệnh càng tốt. Không giúp được về kinh tế thì giúp về tinh thần cho bệnh nhân" - chị tâm sự.

Chị Trinh tranh thủ làm sạch và khử trùng máy thận nhân tạo. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Chị Trinh tranh thủ làm sạch và khử trùng máy thận nhân tạo. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Là điều dưỡng, tiếp xúc thường xuyên với nhiều bệnh nhân nên vui buồn cũng có đủ. Hầu hết bệnh nhân sẽ hợp tác, nhưng cũng không tránh khỏi có người nói ra những câu khiến chị rất chạnh lòng. "Tôi chỉ buồn một chút thôi, tôi hiểu lúc đó họ đang bị bệnh, đang đau đớn, có những lúc không kiềm chế được... Mình đã chọn nghề thì phải chấp nhận. Nếu được chọn lại tôi vẫn chọn công việc điều dưỡng” - chị nói.

Gia đình nhỏ của chị Trinh có 4 người, công việc của chồng chị hay đi sớm về trễ nên nhiều khi không kịp đưa đón con. Còn chị, những khi trực hay có việc đột xuất thường phải nhờ hàng xóm đón con giúp. "Có lúc bí quá phải xin về đón con rồi quay lại BV làm tiếp. Những khi con bệnh, trường không nhận giữ, tôi phải chở con lên BV cho chơi ở phòng riêng, làm việc xong hai mẹ con về" - chị chia sẻ.

Chị Trinh ân cần chăm sóc cho bệnh nhân Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Chị Trinh ân cần chăm sóc cho bệnh nhân Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Nhắc đến con, chị kể thêm: "Nhiều lúc đi làm về mệt, trò chuyện với con thì con nói “Mẹ ơi, con thấy mẹ làm vậy là giúp cho bệnh nhân đúng không mẹ? Sau này lớn con muốn trở thành bác sĩ, làm trong bệnh viện giống mẹ”. Nghe vậy, tôi càng có thêm động lực để cố gắng".

“Còn chồng tôi, đôi lúc thấy vợ cực quá anh nói hay là kiếm việc khác làm cho nhẹ nhàng. Nhưng nghĩ kĩ lại, đã bỏ công học hành đàng hoàng thì phải cố gắng làm cho tốt. Chồng tôi thương vợ nên cũng hỗ trợ hết lòng. Động lực lớn nhất để tôi kiên trì với công việc tới hôm nay chính là gia đình mình” - chị trải lòng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm