Tiếp tục chung tay gỡ khó cho thị trường bất động sản

(PLO)- Việc triển khai Nghị quyết 33 đã có hiệu quả nhất định, giúp tình hình tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 3-8, tại đầu cầu Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 33 của Chính phủ và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản (BĐS).

Thị trường thay đổi, cổ phiếu doanh nghiệp BĐS tăng giá

Đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hoàng Văn Cường đánh giá tại thời điểm tháng 2-2023, khi Chính phủ tổ chức hội nghị toàn quốc về BĐS, thị trường BĐS đang đứng trước nguy cơ sụp đổ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, với những hành động quyết liệt của Chính phủ, diện mạo thị trường đã thay đổi.

Lưu ý các địa phương, các khu đất đẹp, thuận lợi về giao thông cần ưu tiên dành cho sản xuất, kinh doanh, từ đó mới tạo công ăn việc làm, thu hút người đến làm. Có người đến làm mới có người đến ở, có người đến ở mới có người mua nhà, từ đó mới phát triển được BĐS, đô thị.

Thủ tướng PHẠM MINH CHÍNH

“Thể hiện rõ ràng nhất là chứng khoán - chỉ số đánh giá nhạy cảm nhất, nhiều mã doanh nghiệp BĐS đứng đầu danh sách tăng giá” - ông Cường nói.

Tuy nhiên, ông Cường cũng đánh giá thị trường vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó nguồn cung phân khúc nhà ở xã hội (NƠXH) vẫn rất thấp. Trong tương lai, nếu không có biện pháp tăng nguồn cung kịp thời sẽ có thể xảy ra “cơn sốt” không đáng có.

“Để phát triển được phân khúc này, gói 120.000 tỉ đồng cần đáp ứng được cả về thời hạn cho vay, lãi suất, thậm chí có thể dùng thêm một phần hỗ trợ từ ngân sách cho lãi suất” - ông Cường kiến nghị.

Cũng đề cập đến vấn đề nguồn cung, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, đề nghị bổ sung hai giải pháp. Thứ nhất, đẩy nhanh việc tháo gỡ pháp lý cho các dự án; thứ hai, cho phép chuyển đổi dự án nhà ở thương mại thành NƠXH như từng làm trong giai đoạn 2013-2016.

Trao quyền chủ động cho các địa phương

“Đầu tiên cần xác định tình huống khó khăn, tình thế bất thường thì cách tiếp cận, giải pháp cũng phải đặc biệt. Chúng ta đang ở thời điểm có nhiều chính sách tốt và tập trung nhưng thực thi chính sách không dễ” - PGS-TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, phát biểu tại hội nghị.

Ông Thiên cho rằng các giải pháp đưa ra thường tập trung về phía cung, trong khi thị trường hiện nay khó cả về cung và cầu.

“Chúng ta thấy cầu về BĐS hiện nay trì trệ và có khả năng sẽ tiếp tục trì trệ. Các phân tích gần đây về tổng cầu chưa có điểm sáng như về việc làm, tốc độ tăng trưởng, đầu tư công còn chậm… Cần phân tích đầy đủ cầu để có cách tiếp cận đúng. Nếu không đầu tư, xây dựng xong lại để đấy, không có thị trường tiêu thụ” - ông Thiên nói thêm.

Phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đang được đặc biệt quan tâm. Trong ảnh: Một dự án nhà ở xã hội tại TP.HCM. Ảnh: KIÊN CƯỜNG
Phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đang được đặc biệt quan tâm.
Trong ảnh: Một dự án nhà ở xã hội tại TP.HCM. Ảnh: KIÊN CƯỜNG

Từ phân tích trên, vị chuyên gia kinh tế đề xuất về thủ tục pháp lý hiện có nhiều dự án tốt nhưng lại đang vướng mắc, chưa có hướng xử lý. Nhà nước có mua lại các dự án này không để bảo đảm tạo lòng tin cho cả phía doanh nghiệp lẫn phía người mua, đây cũng là giải pháp cơ bản để gỡ vướng cho các dự án. Với dự án chỉ “mắc” một phần mà ngưng toàn bộ là bất cập lớn, khiến nhiều dự án tốt, doanh nghiệp tốt khổ sở.

Về thủ tục triển khai các dự án, vị chuyên gia này cho rằng dự án nào nằm trong quy hoạch thì không cần phải qua các bước xin chủ trương, quy chế triển khai, xin cấp phép nữa.

Liên quan đến chính sách nhà ở cho công nhân, NƠXH, PGS-TS Trần Đình Thiên cho rằng nhu cầu của các địa phương là khác nhau, điều kiện, năng lực của mỗi nơi cũng khác. Do vậy, Chính phủ cần có chính sách bảo đảm cho các địa phương quyền chủ động nhiều hơn.

Trách nhiệm chung trong gỡ vướng cho thị trường BĐS

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thông điệp của hội nghị là chung tay tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh, hiệu quả.

Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát khung pháp lý xem vướng mắc ở đâu, tại văn bản nào, ai giải quyết, giải quyết trong bao lâu; cần thúc đẩy nhanh sự ra đời của các sàn giao dịch để phát huy khả năng tự điều chỉnh của thị trường, hạn chế việc can thiệp hành chính.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu cơ cấu lại các phân khúc BĐS cho phù hợp, lưu ý quan tâm phân khúc NƠXH, nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp. Cơ cấu BĐS không hợp lý sẽ khiến nhiều người có nhu cầu thực không thể tiếp cận nhà ở.

Đối với doanh nghiệp, Thủ tướng đề nghị tiếp tục chủ động tổ chức rà soát, tái cấu trúc lại doanh nghiệp, danh mục đầu tư… Đồng thời khẩn trương hoàn thiện và báo cáo, đề xuất cơ quan, người có thẩm quyền xem xét giải quyết các thủ tục pháp lý của dự án để nhanh chóng triển khai tiếp.

Thủ tướng cũng yêu cầu tập trung nguồn lực thỏa đáng cho các dự án sắp hoàn thành, các dự án lớn có tính khả thi cao để sớm đưa vào kinh doanh, khai thác thu hồi vốn, tạo dòng tiền cho doanh nghiệp và tăng nguồn cung cho thị trường.

Đặc biệt, Thủ tướng đã yêu cầu Thanh tra Chính phủ tăng cường thanh tra công vụ đột xuất ở một số địa phương.

Cần tháo gỡ cho các dự án trong thời gian ngắn nhất

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Địa ốc Nova, đưa ra một số đề xuất như cần tháo gỡ triệt để các vướng mắc về pháp lý cho các dự án trên cả nước trong thời gian nhất định, ngắn nhất, trên nền tảng pháp luật nhất quán; có chính sách khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp phải trực tiếp làm hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội tại các dự án ở vùng khó khăn, các doanh nghiệp áp dụng công nghệ xanh…

Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Hưng Thịnh Corp Nguyễn Đình Trung đề xuất cho phép người mua NƠXH được tự do chuyển nhượng BĐS. Trường hợp này có thể quy định bên nhận chuyển nhượng lại phải nộp thêm khoản tiền tương ứng phần giá trị tiền sử dụng đất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm