Chim bồ câu lạ có gắn chip do người dân bắt được. Bí ẩn các mã số đang chờ cơ quan chức năng giải mã.
Liên tục gửi thông tin về PLO, bạn đọc vẫn tiếp tục tranh cãi xung quanh những chú chim bồ cầu lạ.
Chỉ là cách quản lý chim
Khác với những ngày trước, rất nhiều bạn đọc với tinh thần cảnh giác cao độ, đã khẳng định số chim có mã số, được gắn chíp đích thị là gián điệp nhưng trước thông tin chim lạ này chỉ là chim đua, nhiều bạn đọc lại nghiêng hẳn về giả thiết này và cung cấp thêm nhiều thông tin thu´ vị.
Bạn đọc Đặng ngọc Quân khẳng định: “Đó là chim bồ câu đua các bạn ạ. Thực chất ra kiềng đeo ở chân chim có chíp điện tử hoặc mã số để chủ chiến binh biết được con chim đó ở khu vực nào, hội nào và ở đâu. Chíp gắn chân chim có tác dụng khi mỗi chuyến bay tập huấn ở cự ly dài hay ngắn, khi nó trở về và chui vào chuồng. Chủ chiến binh xác định được nó bay về thời gian nào.... Còn các cánh có dấu TQ đóng là chim TQ do cuộc thi nào đó nó bị bay lạc sang Việt Nam. Cũng như các nước, phong trào chơi chim đua này hiện tại ở SG - Hải phòng - Hà nội cũng có chơi. Các bạn có thể tham khảo trên diễn đàn bocauvietnam.com hoặc vào Tv online xem phóng sự do VTC10 thực hiện: Đam mê theo những cách bay. Các bạn sẽ hiểu và biết thêm về những chiến binh này”.
Bạn Lee cũng đoán “Hình như đây là loài bồ câu đua của các câu lạc bộ đua chim ở Trung Quốc”. “Theo tôi, đó là cách người ta quản lý, theo dõi vật nuôi thôi. Ở châu Âu họ cũng làm như thế. Không phải "gián điệp" đâu!”, bạn đọc Nguyễn Văn Hường trấn an.
Bạn đọc Trần Tit cũng thốt lên: “Sao nhìn đâu cũng thấy "thế lực thù địch" thế? Các sinh vật biển quý hiếm thường được các nhà khoa học gắn định vị để theo dõi quá trình di chuyển, sinh sản...của chúng. Chịu khó xem Disovery sẽ thấy không chỉ rùa mà nhiều loại sinh vật khác được gắn thiết bị này. Mỹ có nhiều phương tiện hiện đại hơn, chính xác hơn để thăm dò, trinh sát, không cần tới rùa”. Nhưng bạn đọc này cũng không quên nhắn gửi “phải cảnh giác!”.
Nhiều bạn đọc khác cũng cho biết “đây là giống bồ câu đua của Ha Lan, được đại gia Trung Quốc mua về nuôi để thi. Người ta gắn chip để biết nguồn gốc”. Hay “đây là bồ câu đua, của dân cá độ đó mấy ba ơi, người ta đem ra Hà Nội thả cho bay về TPHCM, chim gắn chip là để xem con nào về trước là thắng độ. Chim này ở quận 5, TP.HCM, của người Hoa quận 5 họ chơi”.
Là gián điệp, âm mưu phát tán dịch bệnh, hỏa hoạn?
Nhưng vẫn có những bạn đọc tiếp tục khẳng định, đây là chim gián điệp! Bạn đọc Nguyen Bich phản đối: “Vô lý! Nếu là quản lý vật nuôi, thí hợp lý nhất là voi, hổ, sư tử…, còn như chim bồ câu thì gắn chip quản lý chi vô bổ! Nếu ai là người “quản lý, theo dõi vật nuôi” thì hãy lên tiếng đi! Tôi cho rằng đây là gián điệp, có những hành vi mờ ám, phá hoại đất nước Việt Nam! Mọi người cùng chung tay cảnh giác!”.
Có bạn đọc còn cẩn thận link với vụ 1000 xe du lịch “bạn nghĩ sao về việc Trung Quốc muốn cho 1000 xe vào Việt Nam! Trong xe có gì đó ai biết được không? Chim bồ câu cũng không ngoại lệ” (Sinbutchi).
Bạn đọc luong anh tuan đặt câu hỏi “tại sao chim ở Quảng Nam? Vì khu vực này thuộc vùng biển Hoàng Sa – Trường Sa đó. Không là chim do thám thì là gì. Chim đua mà bay ra đó để làm gì?"
“Có mấy con chim lạ mà sao chuyển tới lui”
Tranh cãi chim bồ câu lạ là chim gì, không ít bạn đọc cũng tỏ ra sốt ruột vì có mấy con chim lạ mà sao để lâu quá. “Có chút xíu vậy mà công an cứ hẹn tới hẹn lui. Chắc mấy con bồ câu này nó đang nhớ nhà lắm đây, bị nhốt suốt ngày ở cái phòng nghiệp cụ của công an thì buồn chết được. Phải chi bồ câu biết nói nhỉ!” (Chan Tran).
Bạn đọc Thanh Huyen cũng sốt ruột “chim lạ gắn chip, mã số. Lấy được mã số rồi thì giải mã nó đi. Công an Đà Nẵng không làm được sao mà phải chuyển ra Bộ Công an, mất thời gian quá”.
Như bạn đọc, PLO cũng đang rất mong các cơ quan chức năng cần sớm đưa ra câu trả lời chính xác, tránh gây ra tâm lý hoang mang, lo lắng trong nhân dân, thậm chí là những đồn đoán không hay. Và cũng là để “minh oan” cho những chú chim bồ câu này.