Trong bối cảnh dịch cúm gia cầm (CGC) H5N6 bùng phát khiến hơn 43.000 con gia cầm bị tiêu hủy, ngày 13-2, Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị triển khai các giải pháp phòng, chống không để dịch lan rộng ảnh hưởng tới sức khỏe con người và gây thiệt hại kinh tế.
Hơn 43.000 con gia cầm bị tiêu hủy vì cúm A/H5N6
Theo báo cáo của Cục Thú y, tính từ đầu năm 2020 đến ngày 11-2, cả nước đã có 10 ổ dịch CGC do chủng virus A/H5N6 gây ra. Qua đó buộc phải tiêu hủy 43.202 con gia cầm tại năm tỉnh, TP gồm Bắc Ninh, Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa và Nghệ An.
Điển hình là ngày 18-1, gia đình ông Đào Văn Chung (huyện Đầm Hà, Quảng Ninh) phát hiện đàn gà có hiện tượng ốm, chết hàng loạt. Tổng đàn có 3.255 con gà thì có đến 2.000 con ốm rồi chết, trọng lượng trung bình mỗi con 2,2 kg. Đáng chú ý là đàn gia cầm này chưa được tiêm vaccine CGC.
Ngay khi có thông tin về gia cầm ốm và chết, lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y địa phương đã xuống ổ dịch, kiểm tra lâm sàng, chẩn đoán và chỉ đạo lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả phát hiện dương tính với cúm A/H5N6.
Lập tức các biện pháp xử lý ổ dịch cúm gia cầm đã được khẩn trương triển khai. Ví dụ, tiêm vaccine phòng dịch cho các đàn gia cầm khác, yêu cầu 100% hộ dân ký cam kết không giết mổ, bán chạy gia cầm ốm làm phát tán mầm bệnh. Đến nay đã qua 20 ngày không phát sinh gia cầm ốm, chết.
Ông Nguyễn Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, đánh giá virus cúm A/H5N6 được phát hiện tại Việt Nam từ năm 2014. Hằng năm chủng virus này vẫn gây ra các ổ dịch nhỏ lẻ trên gia cầm, được phát hiện và kiểm soát kịp thời.
“Bệnh CGC là bệnh địa phương, đã được kiểm soát tốt, dịch bệnh không xảy ra ở diện rộng; chỉ xuất hiện ở 1-2 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa tiêm phòng vaccine. Đến nay tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp người mắc bệnh do chủng virus cúm A/H5N6. Phân tích các đặc tính sinh học phân tử của chủng virus này cho thấy không có sự biến đổi lớn, có tính đặc hiệu với thụ thể bám trên gia cầm” - ông Đông thông tin.
Về cúm A/H7N9, Cục Thú y cho biết hiện Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nhiễm nào. Tuy nhiên, nguy cơ virus cúm A/H7N9 và một số chủng virus khác như A/H5N2, A/H5N8 xâm nhiễm là cao.
Cán bộ thú y thay nhau rải vôi bột hằng ngày để ngăn chặn virus cúm gia cầm lây lan tại Hà Nội. Ảnh: MINH PHÚ
“Không có gà từ vùng dịch lọt ra ngoài”
Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội, cho biết từ ngày 3 đến 9-2, Hà Nội có khoảng 6.800 con gia cầm bị tiêu hủy vì cúm A/H5N6, đến nay chưa phát sinh ổ dịch mới.
“Tôi khẳng định ở Hà Nội không có chuyện bán gà từ vùng dịch ra bên ngoài. Khi có phát hiện dịch, chúng tôi lập các chốt kiểm dịch, tăng cường đi kiểm tra để ngăn chặn việc người dân bán gà từ vùng dịch ra bên ngoài” - ông Sơn nhấn mạnh.
Trước một số thông tin tại Hà Nội xảy ra tình trạng nhập gà Trung Quốc về để tiêu thụ với giá rẻ, ông Sơn cho biết đã đi kiểm tra nhưng không có tình trạng đó. “Về cơ bản, giá gia cầm xuống là do cung vượt cầu. Còn một số khu vực như Quốc Oai thì do họ bán gà loại thải nên giá thấp chứ không phải là gà Trung Quốc” - ông Sơn khẳng định.
Phân tích về nguy cơ dịch CGC A/H5N6 lây lan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường chỉ ra năm yếu tố. Đó là do mật độ đàn chăn nuôi ở mức độ cao nhất từ trước đến nay, từ 380 triệu con gia cầm năm 2018, chỉ sau một năm đã tăng lên 470 triệu con vào năm 2019.
Phát hiện nhiều chủng cúm gia cầm trên thế giới Theo số liệu từ Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), hiện nay cả nước còn chín ổ dịch CGC A/H5N6 chưa qua 21 ngày, bao gồm: ba ổ dịch tại Thanh Hóa; ba ổ dịch tại Nghệ An và một ổ dịch tại Hà Nội; hai ổ dịch tại Bắc Ninh. Đáng chú ý là từ đầu tháng 1-2020 đến nay, thế giới đã ghi nhận nhiều chủng CGC tại 11 quốc gia và vùng lãnh thổ. Như chủng virus cúm A/H5N1 tại Ấn Độ, Trung Quốc; cúm A/H5N6 tại Nigeria, Trung Quốc; cúm A/H5N8 tại Czech, Đức, Hungary, Ba Lan, Rumania, Slovakia, Nam Phi; tại Đài Loan cũng ghi nhận các ổ dịch CGC A/H5N2 và A/H5N5. |
Cạnh đó, diễn biến thời tiết có nhiều yếu tố cực đoan, gây bất lợi cho công tác phòng, chống dịch; quá trình lưu thông hàng hóa rất lớn, trong khi thói quen buôn bán, giết mổ còn theo kiểu truyền thống, xác suất lây nhiễm cao.
Bên cạnh những yếu tố không thuận lợi, ông Cường đánh giá chăn nuôi gia cầm cũng có những điểm mạnh. Chẳng hạn, chăn nuôi quy mô lớn gắn với an toàn sinh học đang trở thành yếu tố căn bản, chiếm tỉ trọng 50%. Đặc biệt là kể cả chăn nuôi trực tiếp hay vệ tinh thì dòng chảy chủ đạo vẫn là chăn nuôi theo an toàn sinh học, đã hình thành được hơn 821 chuỗi vùng an toàn dịch bệnh.
Để khống chế dịch bệnh cúm gia cầm H5N6, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị các địa phương không chủ quan vì nếu dịch xảy ra ở một điểm nhỏ lẻ mà lơ là thì nguy cơ lây lan, bùng phát ra nhiều điểm là rất lớn; chủ động giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch cúm gia cầm mới, tiêu hủy ngay gia cầm bị bệnh; tất cả tỉnh ra quân tổng vệ sinh môi trường bằng vôi bột, làm tập trung để ngăn chặn virus lây lan; xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi gia cầm an toàn dịch bệnh.
Cùng với đó là tăng cường kiểm soát vận chuyển gia cầm và kiểm soát giết mổ. “Xử lý nghiêm đối với các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới, không rõ nguồn gốc” - Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết từ năm 2002, đặc biệt đỉnh điểm năm 2004, dịch cúm gia cầm gây tổn thất rất lớn cho ngành chăn nuôi với 45 triệu con gia cầm đã phải tiêu hủy.
Theo Bộ NN&PTNT, một trong những giải pháp quan trọng để khống chế dịch bệnh cúm gia cầm H5N6 là tiến hành tiêm vaccine phòng bệnh. Bộ đã sản xuất được một số loại vaccine phòng bệnh quan trọng như CGC Navet-Vifluvac, Navet-Fluvac 2. |