Nhiều tiểu thương chợ Vĩnh Xuân (thuộc xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long) phản ánh doanh nghiệp Xuân Vĩnh (đơn vị được giao quản lý, kinh doanh khai thác chợ) có nhiều sai phạm. Chẳng hạn như đơn vị này chỉ được giao quản lý chợ đến năm 2017 nhưng lại thu tiền thuê một số nơi buôn bán đến năm 2021... khiến người dân rất lo lắng không biết mình có thể được trụ lại đến thời gian đó không.
Đơn vị này cũng tự nâng giá thu phí kinh doanh chợ trái với nghị quyết của HĐND tỉnh. Riêng năm 2013, đơn vị thu sai 5.000 đồng/m2/tháng (nâng từ 45.000 đồng/m2/tháng lên 50.000 đồng/m2/tháng). Năm 2014, đơn vị này tiếp tục tự nâng giá thu lên 60.000 đồng/m2/tháng và cào bằng không theo vị trí nào.
“Những người thuê mặt bằng không có mái che cũng bị thu cao hơn quy định và không có phiếu thu. Đơn vị này còn chiếm dụng diện tích lối đi chung trong nhà lồng chợ để cho thuê góp tiền mỗi ngày. Tổng số tiền mà đơn vị thu sai có lẽ đã tới trăm triệu đồng” - một tiểu thương cho biết thêm.
Các tiểu thương còn cho rằng cuộc tiếp xúc cử tri, đơn vị quản lý chợ cho biết chi phí xây dựng nhà tiền chế nông sản thực phẩm (nhà lồng C) là 1,2 tỉ đồng nhưng hợp đồng xây dựng của đơn vị với đối tác thể hiện tổng chi phí chỉ có hơn 500 triệu đồng. Đơn vị cũng đã chiếm dụng hóa đơn mua vật liệu xây dựng của một hộ dân gần chợ để khấu trừ thuế doanh nghiệp, sử dụng hóa đơn tiền điện của các hộ tiểu thương ở đồng hồ tổng để khấu trừ thuế sai mục đích.
Tiểu thương cho rằng lối đi chính không còn đảm bảo chiều rộng như phê duyệt của cơ quan chức năng. Ảnh: N.NAM
Chợ Vĩnh Xuân, thuộc xã Vĩnh Xuân, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long. Ảnh: N.NAM
Theo các tiểu thương họ nhiều lần phản ánh nhưng chưa thấy cơ quan chức năng xử lý. Họ mong rằng vụ việc sớm được làm sáng tỏ để mọi người yên tâm buôn bán.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Hữu Nguyên (Trưởng phòng Công Thương huyện Trà Ôn) cho biết huyện giao chợ này cho đơn vị nêu trên quản lý đến hết năm 2017. Đơn vị này có văn bản xin gia hạn nhưng huyện chưa xem xét. Như vậy, đơn vị cho một số tiểu thương thuê đến năm 2021 là lỗi của phía này. Cơ quan chức năng cũng đã nhận giải trình của phía đơn vị quản lý là lỡ cho thuê rồi, sẽ tìm cách khắc phục. Huyện đã nhắc nhở chấn chỉnh và đề nghị đơn vị phải thỏa thuận với tiểu thương để khắc phục sai sót.
Còn về việc thu phí, ông Trần Hữu Nguyên khẳng định đúng là đơn vị nêu trên thu sai. Qua kiểm tra, năm 2013, đơn vị quản lý chợ thu sai toàn bộ nhà lồng A với trên 40 hộ tiểu thương, còn nhà lồng khác chưa rõ. Phòng Công Thương đã có văn bản yêu cầu đơn vị trên phải trả lại tiểu thương tiền thu sai. Riêng năm 2014, đơn vị quản lý chưa thu vì tiểu thương đang khiếu nại, chưa đóng.
Cạnh đó, ông Nguyên thông tin địa phương đã phê duyệt vị trí thì đơn vị quản lý phải chấp hành. Như thế, lối đi phải đảm bảo quy định.
Một số phản ánh chưa có cơ sở để phạt Chợ Vĩnh Xuân có ba nhà lồng. Trong đó nhà lồng C được phê duyệt xây dựng vào đầu năm 2014. Hồ sơ dự toán kinh phí là trên 1,3 tỉ đồng, trong đó riêng phần xây dựng là trên 1,1 tỉ đồng. Hiện công trình này chưa được nghiệm thu, quyết toán nên phản ánh của người dân về phần xây dựng hết hơn 500 triệu đồng là chưa có cơ sở. Riêng vấn đề thuế của đơn vị quản lý chợ thì huyện đã đề nghị thanh tra Chi cục Thuế và Cục Thuế vào làm việc hai lần, tuy nhiên không phát hiện trốn thuế, chỉ xử phạt một số vấn đề nhỏ. Việc người thuê nơi bán hàng không mái che nói không có phiếu thu thì trong khi quyết toán, ngành thuế thấy đơn vị quản lý chợ có cùi lai, hóa đơn tổng hợp đầy đủ nên không có cơ sở phạt đơn vị. Ông TRẦN HỮU NGUYÊN, Trưởng phòng Công Thương huyện Trà Ôn, Vĩnh Long |