Tìm cách “kéo” bệnh nhân về trạm y tế

(PLO)- Trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân tuyến cơ sở, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tại Trạm y tế (TYT) xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, chị Lê Thị Mai Như (20 tuổi, xã Tân Nhựt) đang chờ truyền nước. “Trước kia, mỗi lần dù bệnh thông thường tôi đều phải đi bệnh viện (BV). Từ khi TYT được trang bị nhiều máy móc, thuốc men, tôi cũng như bà con khu này đều tìm đến trạm, vừa gần vừa tiện lợi, bác sĩ, y tá cũng thăm khám nhiệt tình, không phải đi BV xa, bớt cực nhiều lắm” - chị Như chia sẻ.

“Không phải đi BV xa, bớt cực!”

TYT xã Tân Nhựt hoạt động theo nguyên lý y học gia đình từ giữa năm 2019, là trạm khám bảo hiểm y tế (BHYT) đông nhất trong số 16 trạm trên địa bàn huyện Bình Chánh. Trưởng trạm - điều dưỡng Văn Thị Gấm cho biết: Sau khi áp dụng mô hình y học gia đình, năm đầu tiên trạm thu hút được 9.764 lượt bệnh nhân đến khám, trong đó khám BHYT là 7.264 người, tăng gấp đôi so với năm trước. Đáng nói là đến năm 2020 và 2021, con số này giảm còn 4.630 lượt khám BHYT, chín tháng đầu năm 2022 chỉ còn 715 người.

44 là số TYT đang hoạt động theo mô hình nguyên lý y học gia đình tại TP.HCM. Mục tiêu đến năm 2025, TP sẽ có 50% TYT hoạt động theo mô hình này.

TYT phường 8, quận Gò Vấp áp dụng mô hình y học gia đình từ đầu năm 2022, là trạm điểm thứ ba của quận. Theo BS Trần Hoàng Hà, Trưởng TYT phường 8, thực chất đây chính là phiên bản nâng cao của TYT truyền thống. “Từ khi áp dụng mô hình này, trạm được đầu tư cả về nhân sự lẫn máy móc như máy X-quang, siêu âm, đo điện tim… Người dân đến khám cũng đông hơn, tính từ đầu năm đến nay bệnh nhân đến khám BHYT là 5.134 lượt, tăng gần 1.000 người so với năm 2021. Năm nay, người dân đến khám không tăng nhiều vì trạm thiếu thuốc và vaccine do vướng cơ chế đấu thầu” - BS Hà cho hay.

BS Nguyễn Thị Mai Xuân, Trưởng TYT xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, cho biết trạm áp dụng nguyên lý y học gia đình từ đầu năm 2019. Năm đầu tiên, số bệnh nhân khám BHYT là 2.239 lượt, tăng gần 1.000 lượt so với năm trước. Nhưng đến năm 2020, do giãn cách xã hội nên lượt khám BHYT giảm hẳn. Năm 2021, tổng số lượt khám của trạm là 26.512 người, trong đó khám BHYT chỉ 54 lượt. Chín tháng đầu năm 2022, không có lượt khám BHYT nào.

TYT loay hoay vì thiếu thuốc

Lý giải nguyên nhân bệnh nhân đến khám tại TYT tăng mạnh vào năm đầu tiên, sau đó giảm dần, trưởng TYT xã Tân Nhựt cho hay trước đây trạm được cấp đầy đủ thuốc cơ bản nhưng sau dịch COVID-19, tình trạng thiếu thuốc diễn ra triền miên, người bệnh đến khám thưa dần.

“Có những bệnh nhân tiểu đường đến khám nhưng thiếu thuốc nên chúng tôi phải hướng dẫn họ ra BV Bình Chánh tìm mua. Đặc biệt là những bệnh nhân khám BHYT, khi trạm không đủ thuốc phát họ tỏ ra không hài lòng. Đến khám nhiều lần vẫn cứ như vậy, bệnh nhân sẽ không còn tin tưởng. Nếu trạm được cấp đủ thuốc trong danh mục thuốc BHYT, bệnh nhân sẽ đông trở lại, góp phần giảm tải cho tuyến trên vì nhu cầu khám BHYT của người dân ở đây rất nhiều” - bà Gấm chia sẻ.

Bác sĩ Trạm y tế xã Tân Nhựt (huyện Bình Chánh, TP.HCM) khám cho bệnh nhân bằng phần mềm hội chẩn từ xa với bệnh viện tuyến trên. Ảnh: NVCC
Bác sĩ Trạm y tế xã Tân Nhựt (huyện Bình Chánh, TP.HCM) khám cho bệnh nhân bằng phần mềm hội chẩn từ xa với bệnh viện tuyến trên. Ảnh: NVCC

TYT phường 1, quận 3 cũng trong tình trạng tương tự. Khi bệnh nhân đến khám BHYT, trạm chỉ có thể kê đơn để bệnh nhân ra ngoài mua thuốc. “Trạm thiếu thuốc nên nhiều bệnh nhân nghèo, khó khăn không được cấp đủ thuốc trong danh mục thuốc BHYT, họ cũng không đủ tiền mua thuốc ở ngoài nên rất không hài lòng với chúng tôi. Việc này cũng làm giảm uy tín của trạm” - BS Đỗ Hồng Quân (Trưởng TYT phường 1, quận 3) ngậm ngùi.

Từ đầu năm 2022 đến nay, TYT xã Tân Hiệp không có lượt khám BHYT nào. BS Xuân lý giải: “Số lượng bệnh nhân đến khám từ chỗ rất đông rồi giảm dần đến không có người nào tìm tới trạm như vậy là do TYT thiếu các thuốc cơ bản. Bệnh nhân đến khám BHYT nhiều lần không có thuốc, họ sẽ nản và lên thẳng các BV lớn. Không chỉ thiếu thuốc, trạm chúng tôi còn thiếu bác sĩ có chuyên môn và chưa được trang bị đầy đủ thiết bị y tế hỗ trợ cho bệnh nặng…”.

Về vấn đề này, tại buổi làm việc của Thường trực HĐND TP.HCM với Sở Y tế TP.HCM mới đây (ngày 2-11), Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết: Sở vẫn đang tăng cường nguồn lực để nâng cấp cơ sở hạ tầng, đổi mới hoạt động TYT hoạt động theo nguyên lý y học gia đình.

“Ngoài bổ sung nhân sự có chuyên môn bác sĩ cho TYT, sở đã làm việc với BHXH và đang tham mưu cho UBND xin ý kiến Bộ Y tế, song song đó sẽ tổ chức đấu thầu tập trung gói thuốc dành cho các TYT để có lượng thuốc nhiều hơn, đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân từ tuyến cơ sở” - ông Châu nói thêm.

Tăng hiệu quả nhờ kết nối hội chẩn từ xa

TYT phường 1, quận 3 vừa khánh thành mô hình nguyên lý y học gia đình vào tháng 10-2022. Dù hoạt động chưa đầy một tháng nhưng số bệnh nhân khám BHYT tại đây khá đông, chủ yếu là các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, xương khớp… Nhờ liên kết với BV tuyến trên như BV 115, bác sĩ của trạm sẽ khám và nắm tình hình bệnh sử của bệnh nhân, đưa ra chẩn đoán trước, sau đó nhờ các bác sĩ của BV 115 trực tiếp trao đổi với bệnh nhân bằng phần mềm, rất thuận tiện.

BS ĐỖ HỒNG QUÂN, Trưởng TYT phường 1, quận 3

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm