Vụ việc một học sinh lớp 9 ở Trường THCS Đức Giang, huyện Hoài Đức, Hà Nội nhảy từ tầng 3 của trường xuống đất sau khi bị bạn bè trong lớp chế giễu, trêu chọc nhận được rất nhiều quan tâm từ dư luận.
Theo thông tin ban đầu, trong tiết thể dục ngày 21-10, do trời mưa không học được nên em HXQ, học sinh lớp 9 của trường đứng xem các bạn đánh cờ vua thì bị một số bạn trêu đùa. Q cũng trêu đùa lại với các bạn. Chứng kiến sự việc, thầy giáo thể dục yêu cầu cả 4 em xin lỗi nhau. Vụ việc tưởng đã dừng lại ở đó, tuy nhiên, khi lớp vào tiết Lịch sử, Q tiếp tục bị các bạn chế giễu nên đã nhảy từ tầng 3 xuống đất.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, nhà trường đã đưa em học sinh Q đi bệnh viện cấp cứu.
Ngày 4-11, trao đổi với PLO, bà Lê Thị Toan, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Đức Giang, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội thông tin, sức khỏe của nam học sinh nhảy từ tầng 3 xuống đất đã dần ổn định.
“Hôm nay em được chuyển từ Bệnh viện Việt Đức về bệnh viện tuyến huyện để tiếp tục điều trị. Em bị thương chủ yếu ở phần tay và chân” - lãnh đạo nhà trường thông tin.
Trước câu hỏi có thông tin em Q bị các bạn học tụt quần trong lúc trêu đùa, bà Toan không phủ nhận, nhưng cũng không thừa nhận hành động này của các học trò. Bà Toan nói: “Có việc các em cùng trêu đùa nhau… Sau sự việc nhà trường đã cho các em học sinh liên quan viết bản tường trình. Đồng thời, báo cáo lên phòng GD&ĐT và cơ quan công an. Việc xử lý kỷ luật ra sao sẽ phải chờ kết quả điều tra của phía cơ quan công an, hiện nhà trường mới chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở các em”.
PGS-TS Trần Thành Nam, chuyên gia Tâm lý học, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội. |
Liên quan đến vụ việc trên, trao đổi với PLO, PGS-TS Trần Thành Nam, chuyên gia Tâm lý học, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, đây là những hành vi lẽ ra cần phải dự báo từ trước, nhất là sau giai đoạn COVID-19.
Theo PGS-TS Trần Thành Nam, khi quay trở lại trường sau thời gian giãn cách lâu dài, các kỹ năng như xử lý trong tình huống thực, ứng xử thân thiện, cách thức hòa giải vấn đề, đầu óc tư duy phản biện, lựa chọn các giải pháp, kiểm soát cảm xúc… của các học sinh gần như đã bị “lụi” đi rất nhiều.
“Vì vậy khi đến lớp, các bạn có thể bị cùn mòn về mặt kỹ năng, có những mâu thuẫn chuyển thành hành vi rất quá đáng” – PGS Nam nói.
Trong khi đó, những hệ thống như chăm sóc, hỗ trợ học sinh xử lý tình huống, hỗ trợ về mặt tâm lý sau giai đoạn COVID-19, hệ thống phòng, chống bạo lực học đường gần như bị tê liệt. Thậm chí các năng lực nhận diện về nguy cơ an toàn trường học đều đang bị ngừng trệ, “chết lâm sàng” sau giai đoạn dịch bệnh, dẫn đến những vụ việc rất đáng tiếc. Chẳng hạn gần đây là vụ việc phụ huynh mang dao vào trường đe doạ thầy hiệu trưởng.
Theo PGS Trần Thành Nam, vụ việc học sinh lớp 9 nhảy từ tầng 3 xuống đất ở trên có thể do em đã bị trêu ghẹo trong một khoảng thời gian dài nhưng không có sự can thiệp, xử lý dứt điểm nên dẫn đến hành vi tiêu cực.
“Đáng lẽ với những vụ việc như vậy, nếu các bạn trêu chọc bạn bè được mời ra nói chuyện, không để các em quay trở lại chế giễu bạn thì sẽ giải quyết được rốt ráo, nhanh chóng hơn. Bản thân thầy giáo cũng phải nhìn nhận đó là hành vi nghiêm trọng cần ngăn chặn, xử lý dứt điểm từ đầu” – PGS Nam nêu quan điểm.
Theo chuyên gia Trần Thành Nam, để hạn chế tối đa những nguy cơ đẩy trẻ vào trạng thái khủng hoảng tâm lý, cha mẹ, thầy cô có thể nhìn sâu vào những thay đổi cảm xúc của con em mình. Những đứa trẻ có nguy cơ khủng hoảng tâm lý cao thường là những em có cảm xúc thay đổi đột ngột, thỉnh thoảng có những câu, những hành động thể hiện sự bi quan, tâm trạng tuyệt vọng, chán nản. Chẳng hạn, các em nói những câu bâng quơ như: “Thà chết đi còn hơn”, “Đến một lúc nào đó cũng chả gặp được nữa đâu”…
Qua câu chuyện này, PGS Trần Thành Nam cho rằng, các trường cần phải rà soát lại quy trình về an toàn, phải tổ chức những buổi nói chuyện, nâng cao kỹ năng giúp cá nhân sống an toàn trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, tự cân bằng chăm sóc sức khoẻ tâm thần, phải có một số kỹ năng như kiểm soát cảm xúc, giải quyết vấn đề để học sinh không lựa chọn hành vi dại dột như thế nữa.
Nhà trường nên tổ chức những nhóm hỗ trợ cân bằng tâm lý cho học sinh gặp vấn đề, có những buổi nói chuyện chuyên đề phân biệt trêu chọc thân thiện và quá đáng ra sao.