Tìm điểm nghẽn dòng vốn, gỡ khó cho sản xuất, kinh doanh

(PLO)- Cần nhận diện ngay điểm nghẽn cung ứng vốn vào nền kinh tế để tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 diễn ra vào ngày 14-3 tại Hà Nội.

Mong tiếp cận vốn tín dụng có chi phí thấp hơn

Thủ tướng nhấn mạnh bên cạnh việc tiếp tục phát huy các thành quả của năm trước, cơ quan điều hành tiền tệ cần phát hiện các khó khăn, vướng mắc để kịp thời gỡ vướng cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.

Cụ thể, về phía doanh nghiệp (DN), ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), bày tỏ lo ngại về tương quan tỉ giá, chi phí vốn vay cao dẫn đến giảm sức cạnh tranh về giá so với đối thủ.

Năm 2023, trên báo cáo hợp nhất, Vinatex phải trả lãi suất cho các ngân hàng tăng 10% so với năm 2022, trong khi tổng dư nợ giảm 11%.

Dư nợ giảm 11% nhưng lãi phải trả tăng 10%, tức là so với năm 2022 thì giá vốn đắt hơn, so với năm 2021 có hỗ trợ thì lãi phải trả tăng 30%.

Tính toán dựa trên các hợp đồng tín dụng mà tập đoàn đang có của tháng 1, tháng 2-2024 thì tổng lãi phải trả năm 2024 chưa thấy sẽ thấp đi so với năm 2023.

Đặc biệt, DN ngành sợi đang gặp rất nhiều khó khăn và bị thua lỗ nhưng hiện tất cả ngân hàng đều cắt giảm hạn mức cho vay với công ty sợi hoặc yêu cầu có tài sản đảm bảo 100% với khoản vay ngắn hạn, lãi suất 7%-9%.

“Ngành sợi rất cần sự hỗ trợ về chính sách tiền tệ từ ngân hàng cũng như các chính sách khác. Nếu không, chúng ta có thể mất đi ngành sợi” - ông Tiến Trường bày tỏ.

Tương tự, ông Quảng Văn Viết Cương, Phó Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp (Becamex), cho biết khó khăn lớn mà nhiều DN bất động sản cũng như Becamex đang đối mặt là việc các dự án triển khai chậm hơn so với trước đây.

Nguyên nhân là do các bước thủ tục về pháp lý thường kéo dài, ảnh hưởng đến dòng tiền, dẫn đến kế hoạch trả nợ của DN gặp khó khăn.

điểm nghẽn.jpeg
Ngân hàng Nhà nước sẽ bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế, tập trung triển khai các nhóm giải pháp để khơi thông nguồn vốn. Trong ảnh: Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị. Ảnh: ĐTCP

Cũng liên quan đến vấn đề dòng tiền và nguồn vốn, đại diện Tập đoàn Sun Group - ông Đặng Minh Trường chia sẻ dù đã vay được vốn với lãi suất thấp hơn so với năm ngoái song ông vẫn mong muốn tiếp cận với nguồn vốn tín dụng có chi phí thấp hơn.

Bởi theo ông Minh Trường, hiện mức các khoản vay của ngân hàng thương mại cổ phần và ngân hàng thương mại nhà nước chênh nhau khá lớn (4%-5%). Vì vậy, cần có sự thu hẹp khoảng cách, chi phí vay vốn giảm hơn nữa để tạo điều kiện cho DN phục hồi.

Sửa quy định tăng khả năng tiếp cận vốn

Ba nhóm giải pháp chính NHNN sẽ tiến hành trong thời gian tới gồm: Nghiên cứu, sửa đổi quy định nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, tiếp tục điều hành lãi suất theo hướng từng bước giảm mặt bằng lãi suất chung và chủ động điều hành tăng trưởng tín dụng, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho DN nhỏ và vừa, người dân tiếp cận vốn; tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả các gói tín dụng 120.000 tỉ đồng, chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội

Đồng thời, ông Minh Trường đề nghị Chính phủ ban hành các thông tư, nghị định hướng dẫn, giải thích đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, DN, ngân hàng để các chính sách này đi vào cuộc sống một cách nhanh nhất.

Đồng quan điểm, ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, nêu ý kiến: Chính sách tiền tệ hợp lý và tối ưu sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và đầu tư, nhất là với các DN sử dụng đòn bẩy tài chính lớn từ thị trường tín dụng như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Nghiệp vụ cấp tín dụng: Còn nhiều thận trọng

Lý giải đầy đủ nguyên nhân khiến DN vẫn chưa thực sự tiếp cận với nguồn vốn kịp thời, hiệu quả như mục tiêu chính sách gần đây, Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú thông tin đến cuối năm 2023, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 13,78% so với cuối năm 2022.

Do yếu tố mùa vụ của dịp Tết Nguyên đán cùng với khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao, đến ngày 29-2-2024, tín dụng nền kinh tế giảm 0,72% so với cuối năm 2023. Tuy nhiên, tốc độ giảm của tháng 2 đã chậm lại so với tháng 1.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, mức giảm hiện nay ở hầu hết các ngành. Chỉ có hai lĩnh vực tăng trưởng tín dụng trong hai tháng đầu năm là bất động sản và chứng khoán, với mức tăng lần lượt là 0,23% và 2,56% so với cuối năm 2023.

Về khó khăn, vướng mắc, NHNN nhìn nhận các nguyên nhân khách quan do kinh tế thế giới diễn biến khó lường, áp lực lạm phát và mặt bằng lãi suất thế giới ở mức cao; trong nước là do yếu tố thời vụ, nhu cầu vốn tín dụng thường khó tăng trưởng vào đầu năm; cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức thấp, nhiều DN thu hẹp hoặc ngừng hoạt động; một số chương trình, chính sách tín dụng gặp khó khăn từ các quy định pháp luật; khả năng huy động vốn trung và dài hạn của tổ chức tín dụng còn thấp so với nhu cầu vốn trung và dài hạn của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, Phó Thống đốc Đào Minh Tú thừa nhận những nguyên nhân chủ quan xuất phát từ nội tại của hệ thống. Cụ thể, một số ngân hàng còn thận trọng trong thực hiện cấp tín dụng do nợ xấu tăng.

Một số khoản nợ cũ, lãi suất cao chậm được điều chỉnh giảm để hỗ trợ DN và cá nhân vay vốn. Một số ngân hàng chậm chạp trong việc cải tiến quy trình thủ tục cho vay, thời gian xét duyệt cho vay còn dài, định giá và quyết định tài sản thế chấp còn quá thận trọng.

Việc thực hiện cơ chế tài sản bảo đảm còn thiếu linh hoạt, chủ yếu dựa vào tài sản thế chấp, nhất là trong điều kiện thị trường bất động sản đang trầm lắng. Thiếu sự kết nối, tương tác, chia sẻ, hợp tác của khách hàng và ngân hàng trong việc trực tiếp trao đổi tìm biện pháp tháo gỡ khó khăn về vốn.

Kết quả huy động vốn qua cổ phiếu, trái phiếu, vốn FDI thấp, những khó khăn trên thị trường trái phiếu, bất động sản chưa được giải quyết căn cơ, triệt để... nên khiến nguồn vốn phục vụ tăng trưởng tiếp tục tập trung vào tín dụng ngân hàng, tỉ lệ tín dụng/GDP tăng cao (cuối năm 2023 khoảng 133%, tăng so với mức 125% cuối năm 2022), tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ.

Năm nhóm nhiệm vụ liên quan đến chính sách tiền tệ cần thực hiện

Tại hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh năm nhiệm vụ mà các nhà điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ cần thực hiện ngay để đưa nền kinh tế phát triển, vượt qua những khó khăn của giai đoạn đặc thù.

Một là, việc điều hành chính sách tiền tệ, nhất là lãi suất, tỉ giá để ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng (khoảng 6%-6,5%) và giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Hai là, tìm nguyên nhân và giải pháp việc DN vẫn thiếu vốn, khó tiếp cận vốn tín dụng, trong khi lượng tiền gửi của tổ chức kinh tế và dân cư vào hệ thống ngân hàng lại tăng, mặc dù lãi suất huy động liên tục giảm.

w-P11-box.jpg
Cần nhận diện được điểm nghẽn cung ứng vốn cho sản xuất, kinh doanh. Ảnh: ĐTCP

Ba là, nhận diện điểm nghẽn, nguyên nhân, biện pháp tháo gỡ, khắc phục, đảm bảo việc cung ứng vốn không bị ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm hướng tới cung ứng vốn tín dụng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho sản xuất, kinh doanh.

Bốn là, các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng của DN và người dân.

Năm là, các ngân hàng thương mại cần làm gì để bảo đảm tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15% như NHNN đã giao ngay từ đầu năm.

Sắp tới, để tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN sẽ bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước, tập trung triển khai các nhóm giải pháp để nguồn vốn đưa vào nền kinh tế kịp thời, hiệu quả hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm