Theo yêu cầu của UBND TP, trong thời gian tới, các loại cá thả xuống kênh Nhiêu Lôc-Thị Nghè cũng như các dòng kênh khác, phải được chọn thời điểm thả thích hợp. Chủng loại cá cũng phải thích hợp phát triển ở tầng đáy, tầng giữa và có sức chịu được biên độ dao động lớn về biến động môi trường…
Cá chết nổi trắng trên kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè
Bên cạnh việc tìm ra nguyên nhân cá chết, đề xuất giải pháp khắc phục hiệu quả, Sở NN&PTNT phải phối hợp với Sở Tư pháp và các Sở ngành liên quan sớm tham mưu cho UBND TP kiên quyết xử lý tình trạng khai thác cá bằng mọi hình thức trên các tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tàu Hũ - Bến Nghé, Tân Hóa - Lò Gốm…
Những chú cá ngáp ngáp mệt nhọc trên dòng kênh ô nhiễm nặng sau những trận mưa to.
Ngày 1-6, trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (thuộc Sở NN&PTNN TP), cho biết trước những đợt thả cá, đơn vị này đều lấy mẫu nước quan trắc và xác định chất lượng nước đảm bảo cho cá sinh sống. Tuy nhiên sau đó, nước kênh thường bị ô nhiễm nặng sau những trận mưa lớn nên dẫn đến cá chết. “Tôi nghĩ vấn đề chính là phải tìm giải pháp khắc phục, không để dòng kênh tái ô nhiễm”, vị này nói.
Kênh ô nhiễm khiến cá cũng không thể sống được.
Trước đó, sau khi xảy ra tình trạng cá chết, Trung tâm Chống ngập (đơn vị quản lý dự án Nhiêu Lộc – Thị Nghè) cho rằng cá chết chủ yếu là cá phóng sinh, có sức đề kháng yếu.
Trong khi đó, Chi cục Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản ( thuộc Sở NN&PTNN TP), cho biết, ngoài cá phóng sinh, TP cũng tổ chức các đợt thả cá xuống kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Các loại cá được thả xuống kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, chủ yếu là cá trê, cá chép, cá rô phi.